Sáng nay (4-1), phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong đại án Việt Á, trong đó có hai cựu Bộ trưởng tiếp tục với phần xét hỏi, trong đó tập trung vào các khoản “hoa hồng và lót tay” Việt Á chi cho các bị cáo.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nên Việt Á được vào Hải Dương tham gia chống dịch. Điều này xuất phát từ thực tiễn, dịch bệnh bùng phát mạnh, những đoàn từ Trung ương cử về chưa đáp ứng hết được việc xét nghiệm lấy mẫu.
Hải Dương cũng đã ứng trước kit test của Việt Á rồi làm các thủ tục giấy tờ thanh toán, chỉ định thầu. Các báo giá của các đơn vị không có sự chênh lệch nhiều, nhưng lợi thế về số lượng đáp ứng và thời gian giao hàng giúp Việt Á được cấp trên đề xuất về Hải Dương chống dịch.
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến
Khi nghe HĐXX hỏi ai đề xuất để Việt Á tham gia chống dịch? Bị cáo Phạm Duy Tuyến cho biết là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Theo ông Tuyến, khi về Hải Dương, Công ty Việt Á đã đưa các nhân công, máy móc, thiết bị về CDC Hải Dương lắp đặt, thực hiện công tác xét nghiệm. Việt Á cũng được tham gia các cuộc họp về phòng chống dịch do Hải Dương tổ chức.
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương cũng thừa nhận việc ứng trước kit test của Việt Á là sai quy định của pháp luật, nhưng trình bày là do tình thế chống dịch khi đó rất cấp bách, việc cứu người là trên hết.
Bị cáo Tuyến khẳng định, khi Hải Dương ứng trước kit test Covid-19 của Việt Á, hai bên không hề trao đổi về giá cả hay thương lượng về tiền hoa hồng. Sau đó, CDC Hải Dương thanh toán cho Việt Á bằng phương thức chỉ định thầu rút gọn.
Tuy nhiên, cựu Giám đốc CDC Hải Dương thừa nhận, khi thanh toán hợp đồng, lần đầu không có gì, nhưng 3 lần sau thì Phan Quốc Việt đã chuyển khoản lần lượt là 5 tỷ đồng, 17 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, tổng cộng 27 tỷ đồng cho bị cáo Tuyến để “cảm ơn những người vất vả tham gia chống dịch”.
“Bị cáo nghĩ đó chỉ là cảm ơn, chia lợi nhuận chứ không nghĩ đó là vi phạm. Vì giá kít test đều công khai trên Bộ Y tế. Về sau khi cơ quan điều tra xác định giá trị thực, bị bắt giam bị cáo mới nhận thức được hành vi sai lầm của mình”, bị cáo Tuyến nói.
Trả lời câu hỏi của HĐXX rằng không nghĩ nhận tiền là sai sao không báo cho Việt chuyển vào tài khoản của cơ quan mà chuyển vào tài khoản cá nhân của người quen, cựu Giám đốc CDC lý giải, do chuyển vào tài khoản cơ quan sẽ phải giải trình phức tạp.
“Bị cáo Việt có gợi ý về việc cảm ơn cho lãnh đạo tỉnh, CCD Hải Dương, còn chia thế nào do bị cáo quyết. Trong đó bị cáo gửi Bí thư Thăng 50 nghìn USD và 600 triệu đồng; Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường 7 tỷ; còn lại từ 300-500 triệu cho nhiều cá nhân tại CDC với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng”, Phạm Duy Tuyến khai trước toà.
Lý giải việc vì sao lại gửi Giám đốc Sở Y tế nhiều hơn Bí thư, bị cáo đáp: "Do Giám đốc Sở là thủ trưởng trực tiếp chỉ đạo bị cáo, đồng thời có nhiều công sức tham gia chống dịch, gửi văn bản đề xuất với tỉnh cho CDC, nên bị cáo gửi nhiều hơn”. Cựu Giám đốc CDC Hải Dương cũng cho biết, sau khi chia xong, số tiền còn lại hơn 16 tỷ thì dùng chi tiêu cá nhân.
Bị cáo Phạm Duy Tuyến trình bày, sau khi nhận ra việc làm sai trái của mình, bị cáo đã tác động đến gia đình để nhanh chóng nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính. Đến nay, số tiền đã nộp khắc phục là hơn 13 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, lợi dụng chủ trương cho Công ty Việt Á được độc quyền cung cấp test xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương, bị cáo Phạm Duy Tuyến thỏa thuận thông đồng với Phan Quốc Việt về việc hợp thức thủ tục hồ sơ cho Công ty Việt Á trúng thầu và Công ty Việt Á sẽ chi cho Tuyến 20%-25% giá trị hợp đồng.
Do đó, ông Tuyến chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ứng kit test xét nghiệm để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương sử dụng trước, rồi phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á hợp thức thủ tục sau.
Hai bên còn thông đồng ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá Công ty Việt Á đưa ra, lập Tờ trình, hồ sơ để Công ty Việt Á được trúng thầu, ký hợp đồng, thanh quyết toán trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước 73,8 tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện thoả thuận từ trước với Phan Quốc Việt, từ ngày 19/5/2021 đến ngày 19/11/2021, Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận của Việt tổng số tiền 27 tỷ đồng, trong đó, Tuyến sử dụng cá nhân số tiền 16,1 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, hành vi của bị cáo Phạm Duy Tuyến cấu thành tội “Nhận hối lộ”.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng
Về phần mình, tại toà, bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) thừa nhận vi phạm như cáo trạng truy tố.
Bị cáo Thăng khai có nhận được 100.000 USD từ Việt Á vào thời điểm sau Tết, do Phan Quốc Việt đưa. Ngoài ra, cựu Bí thư còn nhận từ ông Phạm Duy Tuyến 3 lần, tổng số là 600 triệu đồng và 50.000 USD.
(CAO) Sau khi được Tòa cho đối chất với bị cáo Nguyễn Huỳnh, bị cáo Nguyễn Thanh Long cho rằng bị cáo không nhớ đã nói những gì với Huỳnh và không nhớ là đã đòi hỏi Việt đưa tiền. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai lầm của bị cáo.