(CAO) Đến khuya 25-2, lực lượng cứu hộ Quảng Nam đã vớt được cả 6 người chết đuối trên sông Vui Gia, đây là vụ tai nạn đường thủy thương tâm nhất ở làng quê Đại Cường, từ trước đến nay.
Tối 25-2, chúng tôi tìm về đoạn sông Vu Gia, thuộc thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nơi có 6 người dân lật ghe chết đuối, những lán trại dựng lên vội vàng trước sân, người đi lo mua quan tài, người đau đớn, tiếng khóc than, những ánh mắt thẫn thờ;…
Người thân của chị Lê Thị Kim Huệ (27 tuổi) và cháu Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (5 tuổi) kể: Như thường lệ, dùng xong buổi cơm trưa, mọi người trong làng cùng nhau sang bãi bồi nằm giữa sông Vu Gia để chăm sóc hoa màu.
Nhiều người dân hiếu kì đứng trên bờ xem lực lượng chức năng cứu hộ
Khu vực trên sông Vu Gia xảy ra vụ lật ghe, khiến 6 người chết đuối
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 cháu Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (5 tuổi) và Nguyễn Hoàng Ánh Viên (4 tuổi) được nghỉ học. Vì không có người trông coi nên chị Nguyễn Thị Ái (30 tuổi, giáo viên mầm non) đưa hai con sang bãi chơi.
Riêng chị Lê Thị Kim Huệ (quê tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) vừa về làm dâu nhà nạn nhân Nguyễn Đình Ba cũng tranh thủ sang bãi bồi chăm sóc hoa màu giúp cha chồng. Sau khi nhổ đậu phộng xong, mọi người cùng nhau trở về lại nhà.
Lực lượng công an nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích
Trên chiếc ghe nhỏ chở 10 người, gồm: ông Phạm Cơ Mến, bà Nguyễn Thị Tiềm, bé Thắm, anh Kin, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Ái và 3 người trong gia đình ông Nguyễn Đình Ba gồm: ông Nguyễn Đình Ba, anh Nguyễn Hữu Hoàng (con trai ông Ba) và chị Huệ (con dâu ông Ba), không may bị sóng đánh lật ghe khi ra đến giữa sông.
Đứng bần thần trước con đường bê tông đầu thôn Khương Mỹ, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ nói: “Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến thôn tôi xảy ra một vụ lật ghe, làm nhiều người chết như vậy. Đây thật sự là một nỗi mất mát quá lớn cho người thân gia đình các nạn nhân”.
Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, huyện sẽ trích ngân sách ủng hộ mỗi nạn nhân bị chết 6 triệu đồng/nạn nhân và 3 triệu đồng/nạn nhân bị thương để phần nào xoa dịu nổi đau mà gia đình các nạn nhân phải gánh chịu.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, dù dòng sông không lớn, dòng chảy bình lặng, tuy nhiên do trời tối nên công tác tìm kiếm của các lực lượng gặp không ít khó khăn.
Hiện đã có trên dưới 10 thợ lặn cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ lực lượng cứu hộ của các lực lượng vũ trang, cùng các ban ngành địa phương đã được huy động. Dọc bờ sông Vu Gia, hàng ngàn người dân bỏ bữa cơm tối, ra đứng trên bờ sông hướng về các lực lượng cứu hộ với mong muốn sẽ tìm được các nạn nhân.
Có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ lật ghe này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, sau khi nhận hung tin, ông đã gọi điện đề nghị các thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia ngưng ngay việc xả nước để thuận lợi cho công tác tìm kiếm các nạn nhân xấu số.
Trước mắt, lãnh đạo tỉnh cũng đã kêu gọi các cấp ngành, đoàn thể chung sức chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân gặp nạn.
“Riêng công tác tìm kiếm, cứu hộ, tôi đề nghị các lực lượng được giao nhiệm vụ gồm lượng 4 tại chỗ của xã Đại Cường, và Huyện Đại Lộc cùng các lực lượng chức năng với tinh thần trách nhiệm cao nhất phải căng mình xuyên đêm tìm kiếm liên tục cho đến khi tìm thấy hết các nạn nhân đang mất tích mất tích”, ông Thanh nói.
Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã tìm thấy cả 6 thi thể nạn nhân trong vụ lật ghe trên sông Vu Gia gồm: chị Nguyễn Thị Ái và 2 con Nguyễn Hoàng Ánh Viên, Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên; ông Nguyễn Đình Ba cùng con trai Nguyễn Hữu Hoàng và con dâu Lê Thị Kim Huệ.
Bốn người may mắn được cứu sống gồm: anh Phạm Cơ Mênh, bà Nguyễn Thị Tiêm, bé Thắm, anh Kin.
(CAO) Tối 25-2, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam xác nhận, hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ chìm ghe trên sông Vu Gia.