(CATP) Những ngày tháng Tư của 47 năm trước, tôi đang chuẩn bị được làm mẹ, cái ước mơ tưởng chừng đã tan biến bỗng dưng vụt sáng. Có lẽ vì thế, giữa những ngổn ngang rối bời, ngay khi đã ngồi ở phòng chờ phi trường để sang Pháp, tôi đột ngột quay trở về nhà. Nhà tôi chẳng mấy ngạc nhiên.
Cũng như ngày thành hôn, tôi chỉ xin duy nhất một việc là giữ lại quốc tịch Việt Nam. Tôi là nghệ sĩ cải lương, đời tôi mang ơn mảnh đất này. Ba Nam sáu Bắc bảy bài chẳng phải thoát thai từ ngũ cung hò xự xang xê cống vốn “phiên âm” trên nền 6 thanh điệu bằng trắc của tiếng Việt đó sao! Ơn dòng sông quê Bảo Định, ơn mẹ cha sinh dưỡng, ơn thầy Tổ truyền nghề, ơn bạn đồng diễn nâng đỡ, ơn khán giả nuôi mình qua từng tấm vé. Và còn bao ân nghĩa lặng khuất, mình không biết, không thấy đâu có nghĩa là mình không thọ ơn để còn có được sự sống toàn vẹn, đầm ấm như ngày hôm nay.
Đời ca hát, tôi đã đi và buộc phải… dừng lại, không biết một nửa phía bên kia là gì, ra sao... khi cũng mang dòng máu, màu da, tiếng nói như mình. Vì thế, trong giây khắc ấy, tôi tự nhủ, cứ ở lại để thử đi một vòng giáp hai đầu, đi trong tư thế một con người tự do của một đất nước thống nhất, độc lập. Tôi không hình dung được những gì đang chờ mình và mình sẽ đón nhận nó như thế nào. Nhưng bấy nhiêu sự phiêu lưu ấy cũng phần nào có sức dẫn dụ, hấp lực tôi.
NSND Bạch Tuyết
Và, chỉ 4 năm sau, 1979, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Bắc. Tôi tìm đến đền thờ Đinh - Lê và vị “hoàng hậu của hai vua” trước khi mở màn công diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga. Tôi leo lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng để chiêm ngưỡng cội nguồn được hòa trộn từ huyền thoại đến lịch sử, để phóng tầm mắt mà ngắm nhìn giang sơn đã được soạn giả Hoa Phượng tạc từng câu từng chữ trong lời bà Thái hậu: “Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc trong tim trong trang sử tiên rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng làm gạch nối, để gắn liền hãnh diện giữa xưa - sau, để cho ta trang trọng khoác long bào. Ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ”.
Tôi hỏi soạn giả Hoa Phượng; Vì sao anh chưa đến mà có thể viết chính xác cái “ngã ba sông” ấy đến vậy? Như mọi lần, anh chỉ cười, nụ cười ý nhị đủ để một cô đào hát như tôi tự cảm và hiểu, nghệ thuật có sức liên tưởng và khai phóng vô tận, dự cảm của những ngòi bút bậc thầy có khi mang tính “vượt trước”, nó chứa đựng những khát vọng cho ngày mai lẫn những tiên nghiệm đầy công phá. Như những lời được anh đặt lên “ngai” cho bà Thái hậu: “Ta sẽ dạy con ta rằng, giang sơn là của chung trăm họ. Người anh hùng hào kiệt không thể dùng ánh mắt riêng tư mà nhìn chuyện của muôn nhà”.
Nghệ thuật đã “nối vòng tay lớn”, đã “nối trọn vòng tử sinh” Việt Nam. Sau này, một “phiên bản” khác của Thái hậu Dương Vân Nga, là vở cải lương thể nghiệm đầu tiên Hoàng hậu của hai vua (tác giả Lê Duy Hạnh), tôi và nhạc sĩ - NSND Thanh Hải lại chọn một chuyến phiêu lưu khác trong âm nhạc, nó hội tụ cả Đào liễu của chèo và ca ngâm Huế trong một vở cải lương Nam bộ. Càng ở lâu và đi sâu trong nghề, tôi càng nhận ra cái mạch ngầm âm nhạc dân tộc giàu có, phóng khoáng, trữ tình đến nhường nào. Chỉ là mình có đủ sức để tìm về, khai thác và ân hưởng nó một cách xứng đáng hay không mà thôi.
Và để tôi xác tín sự lựa chọn ở lại của mình, từ gần nửa thế kỷ trước là “cần và đủ” cho mình, cho khán giả của mình.
Riêng với con trai tôi, ngày chuẩn bị hành trang cho cậu bé 12 tuổi rời gia đình đi du học, tôi ướm hỏi con thì cháu bảo “cho con suy nghĩ mấy ngày”. Rồi sau đó trả lời: “Con muốn học võ Vovinam và đàn bầu”. Tôi lại thêm một lần mang ơn Tổ nghiệp và con trai mình.
Giờ đã là ông bố của ba cậu con trai, con vẫn dạy cho cháu gọi hai tiếng “bà nội” tròn vành rõ chữ. “Gia tài” để con thư giãn trên đường đến công ty mỗi ngày là tập hợp những bài ca, trích đoạn của những danh ca Út Trà Ôn, Tấn Tài, Út Bạch Lan và… cả tôi, cũng được con chọn một đôi bài. Những dịp về thăm quê, thăm nhà, con đĩnh đạc ngồi khẩy đàn bầu cho mẹ ca Phụng hoàng, Nam Ai, Tứ đại. Đêm tôi diễn Đời cô Lựu ở Nhà hát Lớn Hà Nội, vừa vãn tuồng, con bất ngờ đón mẹ ở hậu trường. Một chuyến công tác ngắn ngày ở Hồng Kông, con lẳng lặng đặt vé rồi bay một vòng về Hà Nội, coi mẹ hát, dành cho mẹ một ngày trọn vẹn ở thủ đô trước khi mẹ bay về lại phương Nam, con thì lại trở qua bên kia nửa vòng trái đất.
Nhưng cái cách con thành nhân, cái nếp con cùng vợ dạy con và một góc sâu thẳm trong hồn con luôn lớn lên cùng, nương theo từng điệu ca câu lý đủ để tôi tin rằng, không chỉ di truyền mà còn những ngày tháng con đã chẳng cùng mẹ “ở lại” trong chính mẹ những ngày tháng Tư của 47 năm trước hay sao.
Ranh giới nào, khoảng cách không gian và thời gian nào khi khúc đưa nôi, tiếng ca tự tình dân tộc, cái thanh âm nguyên thủy của đời người được cha mẹ đặt cho cái tên Vietnamese này. Nó len trong từng mạch máu, nó đầy trong mỗi lồng ngực, nó vang vọng nơi mọi chiều kích. Để một ngày gần đây nhất, trong cuộc “hôn phối” hết sức tình cờ và ngọt ngào, bản rap - balad của Hứa Kim Tuyền (cùng sự thể hiện của Hoàng Dũng và 14 Casper) và sự “hà hơi” của tôi với 4 câu trong Lý con sáo, 8 nhịp chót câu 6 vọng cổ đã tiến thẳng lên top trending, lọt top 2 của âm nhạc thịnh hành trên Youtube. Cũng vẫn chỉ là “bến đò năm xưa”, “là “lũy tre đầu làng”, là “hoa tím lục bình sông quê mùa nước nổi” được hòa điệu trong “Hò xang xê quan liu ú quàn liu”, nhưng đã đánh thức và trỗi dậy tình mẹ, tình quê, tình non nước trong lòng người nghe.
Một lần nữa, giữa những ngày tháng Tư, cải lương, cái thanh âm cội nguồn lại dìu tôi trở về, ở lại…