Miền Trung vẫn oằn mình trong đợt mưa lũ bất thường

Thứ Hai, 04/04/2022 10:34

|

(CATP) Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT trong chuyến thị sát tại miền Trung vào ngày 2 và 3-4 nhận định thời tiết dị thường đã gây thiệt hại lớn và hiện mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp ở khu vực này. Trong khi đó, hai cơn bão và một cơn áp thấp nhiệt đới được cho là có khả năng tiến vào biển Đông trong vài ngày tới. Chính quyền và người dân miền Trung hiện nỗ lực ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Thừa Thiên - Huế: Một phụ nữ bị nước lũ cuốn trôi khi đang đi chợ

Chiều 3-4, UBND xã Phong Chương, huyện Phong Điền cho biết, trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm do mưa lũ. Nạn nhân là L.T.P (SN 1986), ở thôn Nhất Phong, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

Trước đó, khoảng hơn 8 giờ sáng 3-4, hai người trong gia đình là chị L.T.P và chị Nguyễn Thị Lài cùng chạy xe máy đi chợ trên đê Hói Tôm. Khi đi qua đoạn đường ở thôn Nhất Phong, do nước lũ ngập sâu và chảy mạnh, kết hợp với gió to nên hai người đã bị ngã xuống nước. Phát hiện sự việc, người dân đi đánh cá gần đó đã cứu vớt được chị Nguyễn Thị Lài còn L.T.P bị dòng nước cuốn đi. Đến 11 giờ 30 cùng ngày, chính quyền địa phương và gia đình mới tìm thấy thi thể của chị L.T.P và đưa về an táng.

Liên quan đến mưa lũ, trên địa bàn huyện Phong Điền có 28 nhà bị ngập từ 0,4 - 0,5m tại các xã Phong Bình (20 nhà), Phong Thu (8 nhà); tổ chức di dời 6 hộ với 20 khẩu và 46 tiểu thương tại khu vực chợ Hòa Mỹ, Phong Mỹ. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 5.148 ha, gồm 3.878 ha lúa, 213 ha lạc, 159 ha sen, 386 ha hoa màu, 60 ha cây ăn quả.

Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đến thị sát tình hình mưa lũ tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế

Hiện tại nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị ngập và chia cắt nhiều đoạn. Tại Quốc lộ 49B đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,3m. Tỉnh lộ 4 từ Phong Bình đi Phong Chương ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,2m; một số tuyến đường liên thôn tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương bị ngập từ 0,3m, giao thông đi lại vẫn còn khó khăn.

Từ đêm 3 đến 6-4, trên các sông của tỉnh Thừa Thiên - Huế khả năng xuất hiện một đợt lũ, với đỉnh lũ ở mức báo động 1; riêng Sông Bồ trên báo động 1; vùng hạ lưu sông Ô Lâu khả năng bị ngập sâu, kéo dài. Bên cạnh đó, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các vùng núi, nhất là ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà; nguy cơ xảy ra ngập lụt khu vực ven sông, suối và ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị.

Bình Định: Tạm dừng trục vớt ghe thuyền vì thời tiết xấu

Ngày 3-4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết: Việc trục vớt ghe, thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) phải tạm dừng vì thời tiết xấu. Sáng 3-4, toàn bộ công tác trục vớt ghe, thuyền của ngư dân 2 xã phải dừng lại khi vùng biển Quy Nhơn, Bình Định có gió mạnh, sóng lớn, trời mưa, nước biển đục. Ông Ngô Hoàng Nam cho biết nước biển quá lạnh và đục khiến thợ lặn không thể tiếp tục công việc nên phải tạm dừng chờ thời tiết ổn định trở lại.

Người dân miền Trung khẩn cấp gia cố bờ bao để ứng phó đợt mưa lũ mới từ đêm 3 đến ngày 6-4

Trong ngày 2-4, lực lượng của Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cùng với bà con ngư dân địa phương đã trục vớt được 12 thuyền, 2 ca-nô của ngư dân xã Nhơn Lý và 1 thuyền, 1 bè của ngư dân xã Nhơn Hải bị chìm vào sáng ngày 31-3.

Đến nay, ngư dân xã Nhơn Lý cùng lực lượng thanh niên, dân quân đã trục vớt được 4 thuyền bị đánh vỡ tấp vào bờ biển. Như vậy, đã có 16 phương tiện trong số 55 phương tiện ghe, thuyền của ngư dân xã Nhơn Lý bị chìm đã được trục vớt; 2-3 phương tiện của ngư dân xã Nhơn Hải bị chìm đã được trục vớt.

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh cho hay, các phương tiện trục vớt vẫn được neo giữ tại vùng biển Nhơn Lý chờ thời tiết tốt. Hầu hết ghe thuyền còn chìm dưới đáy biển đều là phương tiện nhỏ, dễ trục vớt nên khi thời tiết ổn định, việc trục vớt sẽ dễ dàng hơn. "Thiệt hại được ngư dân xác định là vỡ nát toàn bộ phần thân vỏ, ngư dân chỉ cố gắng trục vớt phần máy để có thể sửa chữa được phần nào. Nhưng nếu bị ngâm chìm dưới nước biển quá lâu thì khả năng máy móc cũng sẽ bị hỏng nặng" - ông Danh thông tin.

Lực lượng chức năng giúp ngư dân cứu tàu bị sóng đánh chìm

Quảng Nam: Một ngư dân rơi xuống biển mất tích

Chiều 3-4, trung tá Nguyễn Bá Tố - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận thông tin một ngư dân địa phương rơi xuống biển mất tích.

Sáng 3-4, Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà tiếp nhận tin báo của người nhà ông Nguyễn Văn Nghị (44 tuổi, xã Tam Quang, Núi Thành) - thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNa-91439 TS về việc một ngư dân của tàu mất tích trên biển.

Theo tin báo, vụ việc xảy ra lúc 20 giờ 30 ngày 2-4, nạn nhân là ngư dân L.V.Đ. (60 tuổi, người địa phương). Lúc này tàu QNa-91439 TS cột dù neo tại vị trí có tọa độ 14,3 độ vĩ Bắc - 112,03 độ kinh Đông thì ông Đ. bị rơi xuống biển mất tích.

Hầu hết ghe, thuyền đều bị vỡ nát, ngư dân Bình Định chỉ còn có thể lấy lại phần máy ghe để sửa chữa

Nhận thông tin, Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa đã kêu gọi tàu thuyền hoạt động gần đó hỗ trợ tìm kiếm. Đến 16 giờ 30 chiều 3-4 vẫn chưa tìm thấy nạn nhân. Tàu QNa-91439 TS xuất bến ngày 20-3, trên tàu có 12 thuyền viên.

Những ngày qua, thanh niên xã Đại Lãnh (Đại Lộc) dầm mưa cùng bà con tại địa phương hái và vận chuyển đi tiên thụ, vớt vác những vựa dưa còn lại bị ngập úng do mưa lớn kéo dài. Dù mưa liên tục không ngớt, nhưng trên cánh đồng dưa rộng khoảng 300ha, các bạn đoàn viên tất bật thu hoạch dưa hấu giúp người dân. "Ngay sau phát động giải "cứu" dưa cho bà con tại thôn Hà Dục Đông, chúng tôi đã huy động lực lượng tuổi trẻ trong xã hái và liên hệ, kết nối với các mạnh thường quân TP.Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, đã vận động các chuyến xe 0 đồng chở đi tiêu thụ giúp cho bà con" - chị Lê Thị Long Viên, Phó bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Lãnh chia sẻ.

Được biết, trên địa bàn thôn Hà Dục Đông có khoảng 513 hộ trồng dưa hấu, đa số đều bị ngập úng và coi như mất trắng trong đợt mưa kéo dài lần này. Các bạn Đoàn viên xã Đại Lãnh đã cố gắng kết nối với các nhà hảo tâm thông qua mạng xã hội và đã giải cứu, đưa đi tiêu thụ giúp người dân địa phương khoảng 67 tấn dưa, giá 1kg từ 2 - 3 nghìn đồng.

Hà Tĩnh: Nhiều vụ lật thuyền, ngư dân lâm nạn

Chiều 3-4, ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vừa xảy ra vụ tai nạn lật thuyền đánh cá trên biển khiến một ngư dân bị mất tích. Hiện chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và ngư dân đang tiếp tục tìm kiếm.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 8 giờ 30 ngày 3-4, ngư dân Nguyễn V.T. (48 tuổi, trú tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) đang điều khiển thuyền công suất 24CV trên đường đi đánh cá về, khi cách bờ khoảng trên 500m thì bất ngờ bị sóng đánh lật úp chìm thuyền. Lúc này, một số thuyền đánh cá của ngư dân địa phương ở gần đó phát hiện đã nhanh chóng đến tiếp cận để ứng cứu. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn, triều cường lên nên cứu bất thành.

Ngay sau khi nhận tin báo, chính quyền địa phương, người dân và các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường triển khai các phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đến trưa cùng ngày, chiếc thuyền bị nạn đã được trục vớt kéo vào bờ, còn ngư dân Nguyễn V.T. vẫn đang bị mất tích. Hiện chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân vẫn đang nỗ lực tìm kiếm ngư dân mất tích; động viên, giúp đỡ gia đình người bị nạn.

Lực lượng chức năng và người dân tham gia trục vớt thuyền bị nạn đưa vào bờ

Quảng Ngãi: Tàu Cảnh sát biển cứu ngư dân

Ngày 3-4, tàu cảnh sát biển CSB 2014 đã đưa ngư dân Trần Công Thọ tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào đất liền cấp cứu sau vụ tai nạn nghiêm trọng trong lúc đưa tàu đi neo đậu tránh gió. Theo đó, chiều 2-4, trong lúc đưa tàu đi tránh trú gió trên đảo Lý Sơn, ngư dân Trần Công Thọ (37 tuổi) bị tai nạn va đập nặng, dẫn đến chảy máu trong gan.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết nạn nhân được chuyển vào bệnh viện trên đảo cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng ông ngày càng xấu đi trong khi sóng quá lớn nên đến sáng 3-4, người dân dùng tàu nhỏ chở ông ra tàu CSB 2014 làm nhiệm vụ gần đó để đưa vào đất liền cứu chữa. Việc di chuyển bệnh nhân trong điều kiện thời tiết biển xấu tốn nhiều thời gian và rất vất vả. Được biết đảo Lý Sơn là huyện đảo đặc biệt khó khăn, cách đất liền 15 hải lý. Khi có thời tiết xấu, việc đưa người bệnh nặng vào bờ cấp cứu gặp rất nhiều bất lợi. Những ngày qua vùng biển Lý Sơn có gió giật cấp 7, cấp 8.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị giúp dân ứng phó thiên tai miền Trung

Ngày 3-4, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phóng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPT) Bộ Công an) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về người, tài sản. Tập trung vào các nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trọng tâm là Công điện số 298/CĐ-TTg ngày 2-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường xảy ra tại miền Trung.

2. Theo dõi sát diễn biến mưa lũ để triển khai ngay các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và hành động theo đúng phương châm "lúc dân cần, lúc dân khó, có công an".

3. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương; thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn.

4. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong chính cơ quan, đơn vị công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

5. Kịp thời thông tin về hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Tổ chức trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).

Chuẩn bị ứng phó hai cơn bão và một áp thấp nhiệt đới đang hướng vào Biển Đông

Tối 3-4, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Ban chỉ huy của các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang đề nghị ứng phó bão và áp thấp.Theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế (Windy, Ventusky...) khoảng từ ngày 7 đến ngày 8-4, có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Nam biển Đông và 2 cơn bão ở phía Đông Philippines có khả năng đi vào biển Đông. Đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện ATNĐ, bão sớm hơn so với quy luật hàng năm. Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ATNĐ, bão có thể xảy ra, tránh tâm lý chủ quan, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế về diễn biến của ATNĐ, bão có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang