Đi tìm nguồn nông sản sạch cho 10 triệu dân TP.HCM

Thứ Hai, 28/08/2017 02:18  | Ngô Đồng

|

(CAO) Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay 80% thực phẩm vào TP.HCM nhập vào từ các tỉnh thành. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân là một bài toán khó.

Theo PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư, với khoảng 10 triệu dân, tuy nhiên TP chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau, trong đó một phần lớn nông sản được nhập từ tỉnh Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng.

Sau chuyến đi tham quan thực tế các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, PGS Phạm Khánh Phong Lan đánh giá cao những mô hình chuẩn đang được các cơ sở triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Các cơ sở tại đây đang hướng tới mục tiêu cung cấp nông sản cho thị trường trong nước và quốc tế những mặt hàng đảm bảo chất lượng bằng mô hình nhà kính khép kín, các nông trại đang hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật.

Từ khâu trồng trọt, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển... đều được thực hiện theo quy trình khép kín. Sản phẩm rau củ được sản xuất khép kín từ khâu ươm cây con cho tới đóng gói sau thu hoạch. Có hệ thống truy nguồn gốc và xuất xứ của từng loại sản phẩm ra quả rõ ràng từ người tiêu dùng đến thửa ruộng và truy xuất ngược lại…

Thu hoạch cà chua tại VinEco Đà Loan, một dự án sử dụng toàn bộ hệ thống nhà màng trong nước, đồng thời áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động Israel. Ảnh: NĐ

Tuy nhiên, bà Lan bày tỏ lo ngại rằng: "Nông sản tỉnh Lâm đồng vào TP.HCM với số lượng lớn, có mặt từ kênh hiện đại đến chợ truyền thống. Chính vì uy tín nông sản Lâm Đồng nên chúng tôi cũng lo ngại trước thực trạng nhiều mặt hàng rau của quả kém chất lượng, hàng Trung Quốc đang được tuồn về TP.HCM tiêu thụ dưới “mác” sản xuất tại Đà Lạt hoặc các huyện khác của tỉnh Lâm Đồng nhằm đánh lừa người tiêu dùng".

Theo bà Lan, việc này cần chấm dứt và làm sao sản phẩm của người nông dân Lâm Đồng đến với TP vẫn còn nguyên giá trị. Để làm được việc này, ngoài việc quản lý giám sát của cơ quan chức năng thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải trách nhiệm hơn nữa về sản phẩm của mình; đồng thời phải thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và toàn xã hội cùng hướng đến một nền sản phẩm nông nghiệp xanh, bền vững vì sức khỏe người dân Việt và tương lai cho thế hệ sau.

PGS Phạm Khánh Phong Lan thử ăn rau sạch tại vườn của cơ sở cơ sở nông sản Phong Thúy, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn". Ảnh: NĐ

Theo bà Phong Lan, nhiệm vụ của Ban là đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn của người dân TP. Biện pháp hữu hiệu để triển khai nhiệm vụ này là tăng cường phòng chống thực phẩm bẩn, xây dựng thực phẩm sạch. Trong đó đặc biệt chú trọng đến chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến chế biến, kinh doanh, phân phối…

Các cơ sở tại tỉnh Lâm Đồng đang hướng tới mục tiêu cung cấp nông sản cho thị trường trong nước và quốc tế những mặt hàng đảm bảo chất lượng bằng mô hình nhà kính khép kín. Ảnh: NĐ

Để đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khỏe cộng đồng, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã và đang chủ động “bắt tay” với các tỉnh cung cấp thực phẩm sạch, trong đó tỉnh Lâm Đồng là một trong những đối tác chiến lược.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm tỉnh sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 2,5 triệu tấn rau củ quả các loại, ngoài ra còn có hoa, cà phê, bò sữa... khoảng 60% sản lượng trên được tiêu thụ tại TP.HCM. Việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với TP.HCM sẽ tạo tiền để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế của tỉnh.

TP.HCM và Lâm Đồng 'bắt tay' sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang