TP.HCM: 'Bắt tay' loại bỏ thực phẩm bẩn khỏi bữa ăn công nhân

Thứ Năm, 17/08/2017 15:23  | Ngô Đồng

|

(CAO) PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM: "Không thể chấp nhận tình trạng các doanh nghiệp tùy ý đặt suất ăn cho người công nhân mà không quan tâm xem nó đi qua bao nhiêu tầng nấc trung gian để khi đến tay người công nhân thì suất ăn không đảm bảo an toàn và chất lượng".

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ, TP.HCM Là nơi tập trung đông dân cư, với mục tiêu xây và chống (xây dựng nguồn thực phẩm sạch, an toàn; chống thực phẩm bẩn), Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã và đang tiến hành kiểm tra, giám sát thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng để thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn. Song, nguy cơ về thực phẩm không an toàn vẫn còn lơ lửng, đặc biệt là ở các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), nơi tập trung đông công nhân, những người đang sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: NĐ

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết, thời gian vừa qua, có một số vụ việc được phản ánh trên báo chí là chất lượng suất ăn công nghiệp cung cấp cho công nhân rất kém. Tuy nhiên, có một thực tế là, bản thân những người nấu suất ăn cũng là công nhân nhưng nấu thực phẩm không an toàn, cơ sở không đủ điều kiện mà không phản ánh cho công đoàn để có biện pháp ngăn chặn. Là công nhân với nhau thì phải biết bảo vệ nhau.

Về phần các doanh nghiệp, bà Lan cho rằng, khi đặt suất ăn chế biến sẵn thì cần rà soát nơi cung cấp có đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay không, thực phẩm mua có nguồn gốc, có chất lượng hay không? Làm những điều này là bảo vệ công nhân, hơn hết là bảo vệ chính doanh nghiệp mình.

"Trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho công nhân không chỉ của cơ quan quản lý và của cơ sở cung cấp suất ăn mà còn có trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động cần mua suất ăn cho công nhân. Vì theo quy định của pháp luật thì sức khỏe và tính mạng của người công dân cũng là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó, không thể chấp nhận tình trạng các doanh nghiệp tùy ý đặt suất ăn cho người công nhân mà không quan tâm xem nó đi qua bao nhiêu tầng nấc trung gian để khi đến tay người công nhân thì suất ăn không đảm bảo an toàn và chất lượng", TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho công nhân không chỉ tại các bếp ăn tập thể mà còn phải đảm bảo ở cả bếp ăn gia đình của chính người công nhân. Tuy nhiên, do mức thu nhập của công nhân còn khó khăn, nên họ thường chọn mua thực phẩm ở các chợ chiều, chợ cóc, chợ tự phát, nơi buôn bán những thực phẩm không rõ nguồn gốc.

"Vấn đề chợ tự phát, chúng tôi đề nghị UBND các quận huyện cũng cần phải vào cuộc phối hợp để xử lý. Về phía Ban quản lý an toàn thực phẩm, chúng tôi tăng cường làm cầu nối đến các doanh nghiệp đưa thực phẩm sạch, an toàn có giá thành có thể cạnh tranh với các chợ tự phát đến các cửa hàng thực phẩm tiện lợi để công nhân có thể mua.

Tuy nhiên, cửa hàng thực phẩm tiện lợi hiện nay vẫn chưa thu hút được công nhân vì nhiều lý do có thể là giá cả còn đắt, thói quen đi chợ,... Do vậy, bữa ăn cho công nhân nấu tại nhà làm sao được đảm bảo?.

Tôi nhận thấy hiện nay trên thị trường có những doanh nghiệp, có những siêu thị mà sản phẩm của họ còn rất an toàn, đủ điều kiện nhưng vì lý do nào đó không bán tiếp được. Hay như tại các chợ đầu mối, giá cả của hàng hóa chỉ cần đến tầm 6 giờ sáng là giá rẻ đi rất đáng kể... Chúng ta không làm gì phi thị trường, nhưng chúng ta cần có những cầu nối, tổ chức để đưa được những hàng hóa đó đến cho công nhân với những mức giá có thể cạnh tranh với các chợ tự phát. Như vậy bữa ăn cho công nhân nấu tại nhà sẽ được đảm bảo", TS Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

TS Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết, trong năm 2016, tại các KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 4 vụ ngộ độc, với 311 người bị ngộ độc. Từ bây giờ bằng mọi giá phải kéo giảm xuống. "Mới đây nhất, khi chúng tôi kiểm tra một đơn vị thì phát hiện họ mua thực phẩm của một công ty chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn cho công nhân khiến suýt xảy ra tình trạng ngộ độc cho công nhân ở quận 7. Vấn đề này khi kiểm tra phát hiện, chúng tôi phạt rất nặng. Tuy chưa có kết luận khoa học là công nhân bị ngộ độc, nhưng phòng ngừa cho các trường hợp đáng tiếc xảy ra là cần thiết và quan trọng", bà Lan nói.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Quản lý các khu Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có 17 KCX - KCN, có 1.167 doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động là 285.768 người. Trong đó có 217 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, (124 doanh nghiệp có bố trí nhân sự tổ chức nấu ăn tại chỗ và 93 doanh nghiệp thuê nhà thầu bên ngoài vào nấu), 364 doanh nghiệp nhận suất ăn sẵn từ các cơ sở bên ngoài và 424 doanh nghiệp hỗ trợ tiền cơm cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, hiện nay, việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Do khống chế giá thành nên các đơn vị cung cấp suất ăn đã chọn mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Vì thế nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và hoạt động sản xuất bị đình trệ.

'Bắt tay' loại bỏ thực phẩm bẩn khỏi bữa ăn công nhân

Chiều 17-8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) và Liên đoàn lao động TP.HCM đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX-KCN trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2019.

Lễ ký kết. Ảnh: NĐ

Mục đích của việc ký kết là nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trong khu chế xuất - khu công nghiệp và đặc biệt nhằm giảm thiểu các vụ ngộ độc xảy ra.

Theo đó, mục tiêu sẽ kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm qua các năm 2017, 2018, 2019 giảm 30% so với năm 2016; 100% bếp ăn tập thể tự tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% bếp ăn tập thể thuê nấu, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tự tổ chức vận hành hệ thống tự kiểm tra; 80% quản lý bếp, nhân viên tiếp xúc thực phẩm được cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và được khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, tuy việc đảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ chính của Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhưng một mình Ban thì sẽ làm không nổi nên cần sự hỗ trợ của KCX - KCN và Liên đoàn lao động TP. Chương trình ký kết một mặt xây dựng thực phẩm an toàn, mặc khác là chống thực phẩm bẩn - đó là xem lại toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông phân phối, chế biến, sử dụng thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không.

Thời gian tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm không chỉ tập huấn, cung cấp kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tự kiểm tra bếp ăn mà còn rà soát cấp phép và giám sát hậu kiểm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm. Bên cạnh đó là tuyên truyền cho công nhân trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe cho mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang