Nghe chuyên gia lý giải vì sao giá heo tăng chóng mặt?

Thứ Tư, 19/07/2017 01:18

|

(CAO) Những ngày qua giá heo (lợn) hơi trên cả nước liên tục tăng, đến nay tính trung bình ở các vùng trọng điểm chăn nuôi như Hải Dương, Đồng Nai đã ghi nhận ở mức giá từ 4 - 4,1 triệu đồng/tạ.

Như vậy, chỉ trong khoảng 2 tuần, giá heo hơi đã tăng gấp đôi khiến người nuôi heo trên cả nước rất phấn khởi.

Một tuần giá tăng gấp đôi

Tại huyện Hải Hậu Nam Định, thương lái đang lùng mua heo tận chuồng với giá dao động gần 4 triệu/tạ, so với 1 tuần trước chỉ khoảng 2,5 triệu/tạ.

Bà Lan, chủ hộ chăn nuôi lâu năm tại huyện Hải Hậu cho biết, thương lái liên tục gọi điện thu mua và nhờ giới thiệu các trại lợn còn heo tồn, có uy tín. Ở các địa phương chăn nuôi heo lớn tập trung của miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên cũng ghi nhận tình trạng tương tự, người mua kẻ bán xe vận chuyển đến các cửa khẩu (Lạng Sơn) rất nhộn nhịp.

Ở các tỉnh phía Nam, cơn sốt tăng giá cũng diễn ra không kém. Tại Bến Tre, ông Lê Văn Liêm, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, ông mới bán 23 con heo cho thương lái với giá 4 triệu đồng/tạ. Với giá này, người chăn nuôi đã thoát cảnh lỗ triền miên và đang có lãi. Đây cũng là mức giá cao nhất từ cuối tháng 11-2016 đến nay, thậm chí chỉ trong 1 ngày giá heo hơi đã tăng lên 3.000 đồng/kg.

Đông đảo bà con mua thịt heo giải cứu tại thành phố Cần Thơ

Đồng Nai – thủ phủ của ngành chăn nuôi cũng nhanh chóng “lướt sóng”. Theo ghi nhận của PV từ ngày 14-7 đến nay, giá heo hơi loại 1 (từ 90-110kg/con) xuất bán tăng liên tục dao động từ 32.000-36.000 đồng/kg, tăng 9.000-15.000 đồng/kg so với trước đó, đến sáng 18-7 có nhiều nơi nông dân đã xuất chuồng được trên 45.000 đồng/kg. Đây là lần tăng giá nhanh và cao nhất trong bảy tháng trở lại đây, dù vẫn thấp hơn khoảng 4.000 đồng/kg so với một số tỉnh thành phía Bắc.

Giá tăng, liệu có bền vững?

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thì heo tăng giá trở lại là kết quả của nỗ lực "giải cứu" thịt heo từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, người dân trong suốt thời gian qua, cộng thêm nhu cầu nhập khẩu của các nước đang tăng đặc biệt là Trung Quốc.

“Chúng ta đừng vội mừng, không vội tăng đàn, tăng quy mô chăn nuôi, phải hết sức bình tĩnh", vị lãnh đạo cơ quan quản lý ngành chăn nuôi khẳng định.

Nỗ lực "giải cứu" thịt heo

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thì cho rằng, đây là "tín hiệu tốt cho người chăn nuôi cả nước sau hơn 3 tháng chật vật đối mặt với đợt rớt giá sâu". Tuy nhiên, ở chiều ngược lại diễn biến tăng giá diễn ra nhanh trong vòng vài ngày cũng được nhà chức trách lưu ý cần xem xét thận trọng, là "tín hiệu có tốt nhưng bền vững hay không". Bởi, hiện Trung Quốc nhập thịt heo từ Việt Nam chủ yếu qua đường tiểu ngạch, chứ không phải chính ngạch. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường này sẽ rủi ro.

"Cần xem xét một cách thận trọng tín hiệu đó có bền vững hay không. Nếu tăng đàn nhanh chóng có thể dẫn tới nguồn cung dư thừa, tiếp tục quay lại thực tế giải cứu heo như hiện tại", Thứ trưởng Công Thương nói.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, TGĐ Công ty DSF Việt Nam – Phó trưởng BTC Chương trình “giải cứu thịt heo” Hỗ trợ hộ chăn nuôi – Trợ giá người tiêu dùng (do TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức) khẳng định việc giá heo hơi tăng cao trong những ngày gần đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho cả ngành chăn nuôi đặc biệt với bà con nông dân.

“Có ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc giá heo hơi tăng liên tục là do thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc, điều này mới chỉ đúng một phần, bởi sau hơn 2 tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và người dân thì số lượng heo tồn đã giảm rõ rệt. Lượng cung giảm trong khi nhu cầu ngày càng tăng, cộng thêm sức hút từ thị trường xuất khẩu qua đường tiểu ngạch là yếu tố quyết định giúp giá heo tăng liên tục đem đến niềm hy vọng cho người chăn nuôi như những ngày qua”, ông Khởi chia sẻ thêm.

Có hay không chuyện “thổi giá”

Giá heo hơi tăng chóng mặt cũng đặt ra nhiều câu hỏi lo ngại chuyện có hay không các “ông lớn” là các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô cùng “bắt tay” đẩy giá thị trường lên cao.

Trả lời câu hỏi này, Ông Lục Văn Thủy,  Trưởng phòng thương mại Sở Công thương Đồng Nai cho biết, thị trường heo trên địa bàn hiện đã ổn định, lượng heo tồn hầu như đã hết, còn heo thịt hiện ngang bằng với nhu cầu của thị trường.

Về thông tin các doanh nghiệp “thổi giá”, ông Thủy cho rằng “không phải” mà do nhu cầu của thị trường khi cung đã bằng cầu. “Với giá hiện tại người chăn nuôi mới chỉ hòa vốn. Tuy nhiên, hiện phần lớn heo của các hộ chăn nuôi cá thể đã hết, lượng heo giảm mạnh có thể đẩy giá tiếp tục tăng”, ông Thủy dự đoán.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia đồng hành trong chương trình “Hỗ trợ hộ chăn nuôi – Trợ giá người tiêu dùng”, Ông Lê Xuân Huy, Phó TGĐ Công ty chăn nuôi CP Việt Nam cho biết thêm, việc “làm giá” của các doanh nghiệp là rất khó xảy ra, bởi đa phần lượng heo được nuôi tại Việt Nam là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quản lý. Ngay như với CP Việt Nam, dù được xem là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành chăn nuôi heo nhưng với tổng số lượng heo nuôi hiện nay chỉ chiếm khoảng 5% thì vai trò của việc điều tiết giá là điều không tưởng.

“Là công ty đại chúng nên CP Việt Nam hiện là đơn vị chăn nuôi gần như là duy nhất ở Việt Nam công khai giá bán ở mọi thời điểm. Chính vì vậy có nhiều nơi hay nhìn vào giá niêm yết heo hơi của CP Việt Nam để đưa ra nhận định chung về mặt bằng giá cả. Thông thường giá niêm yết của Cty sẽ nhỉnh hơn thị trường bởi CP Việt Nam áp dụng chăn nuôi theo quy trình khép kín, sử dụng công nghệ cao giám sát kĩ từ con giống đến chất lượng thức ăn, kiểm soát dịch bệnh an toàn, truy xuất nguồn gốc từ khâu đầu đến sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra còn bao gồm chi phí vận chuyển đến trung tâm bán heo và thuê trung tâm vì thế chi phí sản xuất cao kéo theo giá thành cao hơn thị trường. Ngay lúc này người dân cần phải hết sức tỉnh táo, cân nhắc chi phí đầu tư để bán ra hoặc tái đàn theo khả năng, tránh chạy theo thông tin rồi ghim hàng hoặc tái đàn đầu tư ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng như thời gian qua” ông Huy trăn trở.

Câu chuyện ‘giải cứu lợn’ làm nóng nghị trường
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang