Câu chuyện ‘giải cứu lợn’ làm nóng nghị trường

Thứ Ba, 13/06/2017 10:08  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng ngày 13-6, Quốc hội bắt đầu bước vào 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong 3 ngày chất vấn, sẽ có 4 nhóm vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn. Tại phiên họp, ngoài các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, quyền giơ biển tranh luận của ĐBQH cũng sẽ được thực hiện để đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại hoặc tranh luận thêm. Với mỗi nhóm vấn đề, Quốc hội đã yêu cầu 1 Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải trực tiếp giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người sẽ đăng đàn chất vấn đầu tiên với nhóm vấn đề: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững. Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đã tập trung chất vấn người đứng đầu ngành Nông nghiệp về câu chuyện phải “giải cứu lợn” thời gian qua. Bộ trường Nguyễn Xuân Cường cho rằng, về câu chuyện thừa thịt lợn thì có 2 nguyên nhân chính: sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, khối lượng khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn, trong 10 năm, từ nước có năng suất thấp nhất Đông Nam Á, hiện đã phát triển mạnh, sức tăng trưởng của thực phẩm nước ta quá nhu cầu. Trong mâm cỗ người VN trước đây 75% là thịt lợn, hiện có nhiều thực phẩm khác dẫn đến dư thừa. Khâu tiêu thụ sản phẩm, đây là khâu yếu nhất của chúng ta, làm sao thời gian tới, chúng ta phải co lại, từng bước tổ chức các ngành hàng.

“Khâu chế biến cũng rất kém, kém nhất trong các ngành hàng, làm cho khâu tiêu thụ hiện nay trên 90% là truyền thống, tức là thịt lợn tươi, không tiêu thụ hết nguồn cung. Việc mở cửa thị trường xuất khẩu cũng còn kém, mới có 3 thị trường. Dẫn đến tháng 4 vừa rồi, khi chúng ta không xuất khẩu được, thời tiết nóng tiêu thụ ít, dẫn đến tình trạng ùn ứ. Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh là mở cửa thị trường và chỉ ra đây là khâu kém nhất của chúng ta, “ngành lợn có 3 phân khúc, chúng ta mới làm được 1”, Bộ trưởng Cường thừa nhận.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, việc thừa đàn lợn không thấy bóng dáng của sự quản lý của Nhà nước, cử tri không hài lòng với giải pháp rất nhiều “tiếp tục”, rất nhiều “tăng cường” như thế.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) thì cho rằng sự phát triển đàn lợn thừa thời gian qua theo hướng khác: gia tăng quy mô đàn lợn nhưng chính quyền địa phương không nhận thấy, trong đó có trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và PTNT, dẫn đến cơn dư chấn chăn nuôi như vừa qua. Đại biểu đặt câu hỏi: “Bộ trưởng rút ra kinh nghiệm gì để chỉ đạo thời gian tới?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp thực sự đột phá cho ngành nông nghiệp để người nông dân đã phải phụ thuộc vào “ông trời” thứ nhất là thời tiết, “ông trời” thứ 2 là khách hàng, người tiêu dùng, thực sự có được phương hướng trong thời gian tới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cường cho rằng, quan trọng nhất tổ chức tốt, nếu không sẽ không thành công, thậm chí đi xuống, nên phải xác định đâu là khu vực lợi thế để phát triển. Bộ trưởng Cường chỉ ra các trục phát triển để tập trung quy mô từ sản xuất, chế biến, thương mại, phải có sự phối hợp các ngành liên quan và quan trọng là tổ chức thực hiện sao cho tốt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang