Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP hiện có tổng số đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến năm 2016 là 1.871 đơn vị với số lượng nhân sự khoảng 119.000 người. Sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông đô thị, TP đã huy động được nguồn vốn cho đầu tư phát triển tăng trưởng khá, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế TP.
Bên cạnh đó, TP cũng nhận xét một số hạn chế của cơ chế quản lý và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn như cơ chế quản lý và phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đổi mới đồng bộ, tư duy ở một số cán bộ, viên chức trong ngành còn chậm đổi mới, còn trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước …
Về tinh giản biên chế, TP đã có kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10%. Tuy nhiên, kết quả tinh giản biên chế đến nay đạt tỷ lệ còn thấp.
Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị: “Để phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị tại TP, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực GD-ĐT, dạy nghề, y tế, văn hóa, TT-DL, TT-TT và báo chí”.
Còn bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính TP cho biết tỷ lệ chi thường xuyên của TP dự kiến sẽ giảm từ 53% (năm 2016) xuống còn 48% vào cuối năm nay. Năm 2018 toàn TP sẽ có 55 bệnh viện sẽ tự chủ được chi phí thường xuyên. Còn với các trung tâm, trạm y tế thì phải hoàn thiện đầu tư thêm chứ chưa tự chủ được. Đối với các đơn vị sự nghiệp ngành VH-TT và DL, tới năm 2021 có từ 30- 40% đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp thuộc các lĩnh vực khác sẽ có khoảng 60% bảo đảm chi thường xuyên.
“Riêng với GD-ĐT thì hệ thống đơn vị này chiếm 76% tổng số đơn vị công lập trên địa bàn TP. Hiện nay mới có 0,7% tổng số đơn vị GD công lập bảo đảm chi thường xuyên. Với số lượng đơn vị sự nghiệp lớn nhưng khó đáp ứng được nhu cầu của người dân khi tăng dân số cơ học mỗi năm là 2,87%” - bà Thắng cho hay.
Liên quan tới GD-ĐT, ông Lê Văn Làm - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP, thông tin năm học 2017-2018 TP sẽ tăng khoảng 60.000 HS vào lớp 1. Sở Nội vụ đã xây dựng vị trí việc làm, bổ sung số lượng người làm việc trong lĩnh vực GD và y tế, đã trình Bộ Nội vụ nhưng hiện nay Bộ chưa giao số lượng người làm việc cho TP nên TP tạm giao số lượng người làm việc cho trường học, bệnh viện để đủ giáo viên, bác sỹ cho các cơ sở GD, y tế đã được đầu tư xây dựng mới.
Ông Làm chia sẻ: “Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tại TP phát triển rất mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đáng kể của xã hội trong dịch vụ công, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động; trình độ và tỷ lệ đào tạo HSSV ngày càng tăng; khám chữa bệnh, cấp cứu cho hàng triệu lượt người, góp phần giảm tải cho khối công lập”.
Thực tế, TP.HCM vừa là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm hợp tác công tư trong vận hành trạm y tế cấp phường, xã. Cụ thể, UBND Q.3 đã thực hiện hợp tác công tư (PPP) với một doanh nghiệp tư nhân trong vận hành Trạm Y tế P.11.
Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng về cơ chế hợp tác của hai bên, Trạm trưởng Trạm Y tế P.11 cho biết ngoài việc doanh nghiệp này đầu tư thêm trang thiết bị máy móc (chụp X-Quang, CT,…) thì hai bên còn phối hợp thực hiện y tế dự phòng (Nhà nước cấp toàn bộ vật tư y tế dự phòng và kinh phí truyền thông) và khám chữa bệnh theo quy định của nhà nước và dịch vụ chất lượng cao. “Chúng tôi không tách bạch công tư ra mà lại hỗ trợ bổ trợ nhau và lợi nhuận thu được qua khám chữa bệnh thì được tái đầu tư cho Trạm”, Trạm trưởng Trạm y tế P.11 cho biết.
Phó thủ tướng cho rằng, chủ trương của chính quyền là không được phân biệt đối xử đơn vị sự nghiệp nào là công hay tư nhưng phải rành mạch công - tư trong hợp tác, phân chia nguồn thu cho hợp lý và nghiên cứu xây dựng một pháp nhân cho sự hợp tác này.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trăn trở: “TP có đề án đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế, giáo dục nhưng khó khăn hiện nay là các ngành phải có hướng dẫn thực hiện nên làm không khéo thì bị thổi còi ngay”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc đổi mới, sắp xếp lại ĐVSNCL không phải là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị mà là xóa bỏ bất cập, cắt giảm lãng phí ngân sách nhà nước cấp phát cho việc thực hiện dịch vụ công, tinh giản biên chế và mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công. Địa phương cần phải phân loại các dịch vụ hành chính công mà Nhà nước phải trực tiếp thực hiện, dịch vụ nào ĐVSNCL đảm nhiệm và lĩnh vực nào có thể tiến tới giao cho tư nhân tham gia thực hiện.
Phó thủ tướng cũng đề nghị TP phải xây dựng danh mục các loại hình dịch vụ công cần sử dụng 100% ngân sách nhà nước và danh mục dịch vụ công không sử dụng ngân sách để làm tiền đề cho các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai đổi mới hoạt động.
Phó thủ tướng cũng chia sẻ thực hiện tự chủ tài chính trong hoàn cảnh hiện nay không dễ thực hiện khi liên quan tới việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và các vấn đề bảo đảm các yếu tố kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đi liền với đó là tăng cường yêu cầu giám sát của nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và tự quản lý của các ĐVSNCL.
Tại buổi làm việc, TP.HCM kiến nghị Chính phủ phân cấp cho HĐND TP được quyết định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của TP bởi hiện nay, về mặt pháp lý chưa chính thức phân cấp cho HĐND TP được quyết định.TP cũng muốn được quyết định, tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP, đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương khi Chính phủ tăng lương theo lộ trình. Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho TP được thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP để phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của một đô thị đặc biệt