Cần tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế xã hội

Thứ Sáu, 09/06/2017 21:38  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 9-6, Quốc hội dành trọn cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Còn nhiều nỗi bất an

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) đánh giá: 5 tháng qua, Chính phủ đã chủ động, nỗ lực cao trong chỉ đạo điều hành và đã giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội đáng ghi nhận như tập trung xử lý các nút thắt của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, giải quyết những vấn đề đầu tư dàn trải, chú trọng hiệu quả đầu tư, từng bước cải thiện dần năng suất lao động, chú trọng phát huy mọi nguồn lực.

Đại biểu Đặng Thuần Phong

Chia sẻ với Chính phủ những khó khăn, thách thức phải đương đầu thời gian qua, nhưng đại biểu “hy vọng Chính phủ và Quốc hội chú trọng thêm những vấn đề bất an mà nhân dân luôn bức xúc”. Đó là: Tại sao chỉ có 1 mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị? Tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa bị chặn đứng. Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, nợ công cao, làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng.

Thương mại hóa các quan hệ xã hội, đồng tiền chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. “Thực tế rất đau lòng, trong lòng mẹ đã "chạy" chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã "chạy" trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; khi tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy được ra; truy tố thì chạy án, thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa kí kết về dẫn độ tội phạm để an tâm” - đại biểu Phong thẳng thắn.

Ngoài ra, dân không thể an tâm khi rừng hết, biển dần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc còn trong lịch sử. Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá, từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi.

Rồi bất an về an toàn sống: bữa cơm trong nhà lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ ATGT, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì bị vạ lây. Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến trong ứng xử của con người.

Kết thúc những lời “gan ruột”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, còn nhiều vấn đề bức xúc nhưng thời gian có hạn “tôi xin nêu 6 vấn đề bất an để Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo điều hành nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong ổn định phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời gian tới”.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) còn ví von những bất ổn, nỗi lo của người nông dân khi “được mùa mất giá, được giá mất mùa” là bài ca muôn thuở, nhưng bài ca đó “hát mãi mà không cần ai cấp phép”, hết giải cứu lợn đến giải cứu hoa quả, nông dân rơi vào ma trận phân bón giả mà không biết kêu ai… Lấy ví dụ vụ công ty sản xuất phân bón giả Thuận Phong bao lâu nay mà không xử lý được, ông Cương xót xa: “Đúng là kỳ lạ quá, và như vậy thì nông dân vẫn luôn là người phải chịu khổ”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho biết bà tôn trọng ý kiến của đại biểu Đặng Thuần Phong, song để có cái nhìn nhiều chiều hơn, từ thực tiễn của TP.HCM, đại biểu muốn phát biểu để góp thêm câu trả lời cho câu hỏi "Sao chỉ có Chính phủ liêm chính còn hệ thống chính trị thì ở đâu?".

Đại biểu Quyết Tâm cho rằng: Có thể chưa được như mong muốn, nhưng qua tiếp xúc, cử tri ở TP rất phấn khởi với kết quả bước đầu. Hiệu ứng về vấn đề này đang rất tốt, chứ không chỉ có Chính phủ tuyên bố liêm chính thì Chính phủ liêm chính mà cả hệ thống chính trị đang quyết tâm phải thực hiện để Đảng mạnh, dân tin và để đất nước phát triển. TP.HCM đang thực hiện rất mạnh mẽ vấn đề này và bà tin rằng nhiều cấp uỷ khác cũng vậy.

Cần chính sách, đầu tư thỏa đáng cho đồng bằng sông Cửu Long

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, là vùng đất trù phú, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu nhất nước, tuy nhiên hiện nay đây vẫn là vùng nghèo nhất, nhì của cả nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp chia sẻ: Mỗi lần được đi trên những con đường rộng rãi, thoáng mát, ngắm nhìn đàn trâu, đàn bò ung dung tìm thức ăn thì tôi lại chạnh lòng cho quê mình, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với 13 tỉnh mà có tới 11 tỉnh phải đi chung một đoạn đường vì không có con đường nào khác là QL1A từ cầu Mỹ Thuận đến Trung Lương nhỏ hẹp; còn các tuyến đường khác thì vừa nhỏ vừa gồ ghề, hay sụt lún, xóc đến “đụng trần xe”. Là vựa lúa, vựa tôm, vựa trái cây mà nơi đây vẫn chỉ có nền kinh tế phát triển trung bình.

Theo đại biểu, nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ sở hạ tầng và có rất ít nhà đầu tư chịu bước chân vào khu vực này, dẫn đến nông sản sản xuất ra phải bán cho thương lái với giá bấp bênh, dễ bị ép giá. Mặt khác, biến đổi khí hậu dẫn đến bấp bênh trong sản xuất diễn ra từng ngày, nên dân vùng này nghèo là đương nhiên.

Từ một vùng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nguồn nguyên liệu phong phú, do đường xá khó đi, cơ sở hạ tầng yếu kém, các nhà đầu tư ngại đầu tư vào nên càng ngày vùng này càng tụt hậu so với vùng khác trong cả nước.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành TW đầu tư nhiều hơn nữa cho vùng này: nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch sản xuất theo hướng phù hợp với biến đối khí hậu; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân như kè sông, đê biển, cảng biển nước sâu nhằm rút ngắn quãng đường từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ; có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực này.

Nếu có cơ chế chính sách đúng đắn và sự đầu tư thỏa đáng, ông Hòa tin rằng vùng này sẽ phát triển năng động, góp phần lớn vào ngân sách nhà nước. “Đừng để vùng này đã là vùng trũng lại trở thành dòng sông trong sự phát triển của cả nước”- đại biểu thiết tha đề nghị.

Các đại biểu tham dự

Chung quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư nhanh chóng xây dựng cầu Đại Ngãi và tuyến quốc lộ 60 nối liền các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nhằm rút ngắn được khoảng cách giữa các tỉnh ven biển phía Đông của vùng với TPHCM vừa thúc đẩy liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, vừa ngăn triều cường hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu sớm xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ mở nút thắt cho cả vùng tạo động lực thúc đẩy cả vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Phát huy lợi thế vùng sông nước cần đầu tư phát triển giao thông đường thủy, cảng biển đủ năng lực phục vụ cho xuất nhập khẩu của toàn vùng, nhất là xuất khẩu nông sản nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế.

Đầu tư các công trình thủy lợi lớn kênh, đê, cống ngăn mặn, trạm bơm để trữ ngọt hạn chế tác động của biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. Tập trung đầu tư hạ tầng, đường giao thông vào các khu kinh tế trọng điểm quốc gia ở trong vùng, như khu kinh tế Định An tỉnh Trà Vinh, khu kinh tế Năm Căn ở Cà Mau để thu hút đầu tư phát triển kinh tế của toàn vùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang