(CAO) Mấy ngày nay, dư luận xã hội đang dậy sóng sau phát biểu “Nếu không tố cáo thân chủ thì luật sư sẽ bị khởi tố về tội “che giấu tội phạm” của đại biểu tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy (TS chuyên ngành Luật hình sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viển Kiểm sát nhân dân tối cao) khi tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật hình sự 100/2015/QH13. Nhiều người đặt câu hỏi đại biểu này “Vì dân hay vì quan?”.
(CAO) Phát biểu trong phiên họp thứ 11- Quốc hội khóa XIII vào sáng ngày 28-03, đại biểu Võ Thị Dung- Đoàn đại biểu TP.HCM đã nêu lên những trăn trở của người dân đã nêu trong nhiệm kỳ vừa qua mà bà thấy Quốc hội chưa giải quyết thỏa đáng để đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Sáng 26-5, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, luật sư trước hết là nghề có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Bộ Luật hình sự 2015 đang quy định luật sư không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác thân chủ của mình, trừ trường hợp anh không tố giác tội mà thân chủ đã thực hiện là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác. “Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, đây là điều đầu tiên bất kỳ người dân nào cũng phải bảo vệ. Nếu an ninh quốc gia bị lung lay, xâm phạm, đe dọa thì không một nghề nghiệp nào có thể ổn định để mà yên tâm, chứ chưa nói đến nghề bào chữa của luật sư”- ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Thủy cũng phân tích, về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, được giới hạn ở điều 389, không liệt kê tất cả các tội đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ là một số tội đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ tội giết người khi người bào chữa không tố giác tội đó thì anh phải chịu trách nhiệm do không tố giác tội phạm.
“Luật sư trong quá trình bào chữa mà anh biết thân chủ của mình đã thực hiện hành vi giết người chôn xác ở sau nhà, trong khi đó gia đình đang đau khổ, tìm kiếm người thân của mình. Các cơ quan tố tụng cũng đang nỗ lực để tìm ra tội phạm, luật sư biết điều đó mà anh không tố thì…đó là một việc. Ví dụ thứ hai, là tội đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi. Tức thân chủ đó đã có hành vi đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi của gia đình này với con gia đình khác. Đó không chỉ là tội phạm hình sự thông thường nữa mà đó là tội ác. Bây giờ anh (luật sư- PV) biết việc đó mà anh không tố giác ra thì tôi nghĩ rằng ở góc độ đạo đức, đạo lý của một con người thông thường đã không thể chấp nhận được, chưa nói một người luật sư mang trên mình sứ mệnh bảo vệ công lý, là người có trách nhiệm bảo vệ pháp chế theo điều 3 của Luật luật sư, điều đó chúng tôi thấy không đồng tình với một số ý kiến phát biểu”- ĐB Nguyễn Thị Thủy phân tích.
Bà Thủy cũng cho rằng, những tội được liệt kê ở điều 389 không còn là tội phạm hình sự thông thường nữa mà khi hành vi đó xảy ra nó đã là tội ác rồi. “Quan điểm của tôi cho rằng, nếu phi hình sự hóa tiếp tội không tố giác tội phạm do thân chủ của mình với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong điều 389 là điều rất đáng phải cân nhắc”-bà Thủy nói.
Trả lời câu hỏi suy nghĩ gì khi phát biểu của mình không nhận được sự đồng tình của dư luận, đặc biệt giới luật gia, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Phát biểu của tôi là trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc, vì sự bình yên chung của nhân dân. Những điều đó cũng cần phải tiếp tục trao đổi tiếp. Tôi rất lắng nghe các ý kiến, để từ đó có thêm thông tin để phục vụ hoạt động người đại biểu đại diện cho nhân dân ngày càng hoạt động tốt hơn”.
Trước đó vào ngày 24-5, ngay sau phát biểu này trong phiên thảo luận dự thảo Luật hình sự 100/2015/QH13, đại biểu Quốc hội ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM), từng Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cho biết rất thất vọng khi cho rằng, luật sư không phải để hành nghề kiếm tiền: “Ở đây là trách nhiệm với những người mà Hiến pháp và luật pháp giao cho chúng tôi đi gỡ tội bào chữa cho họ, nhớ là luật sư không phải chỉ cãi cho tội phạm, luật sư còn đi bào chữa cho các nạn nhân, cho những người bị thiệt hại, cho rất nhiều đối tượng khác nhau, chứ không phải mình nói luật sư là cứ đi cãi cho những kẻ phạm tội”.
Chính vì vậy, đại biểu Nghĩa đề nghị cần nhìn nhận lại vấn đề: “Để đạt được thành tựu ngày nay trong những quy định đối với luật sư, đối với quyền có người bào chữa bị can bị cáo là một thành tựu rất lớn trong cải cách tư pháp của chúng ta, của Đảng và Nhà nước ta trong vòng mười mấy năm qua. Chúng tôi đề xuất những ý kiến này không phải dựa trên quyền lợi của luật sư mà chính là ý thức trách nhiệm đối với nền tư pháp của nước nhà”.