Thảo luận dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Đừng là 'vòng kim cô' kiềm tỏa sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp

Thứ Ba, 23/05/2017 19:09  | Trà My

|

(CAO) Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung có ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN).

Tại phiên thảo luận, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nhận xét: “Những quy định trong luật là phù hợp, tuy nhiên còn rất chung chung, chưa rõ biện pháp thực hiện, nếu được ban hành, các DN cũng không biết sẽ được hỗ trợ gì, có đủ điều kiện hỗ trợ hay không”.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng phàn nàn: “Dự án Luật chưa quy định rõ ràng, ví dụ có hỗ trợ về ngân sách nhưng không quy định mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ”.

Ông Hàm cho rằng, hiện nay tình trạng ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, ngân sách nhà nước cũng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Bởi vậy giai đoạn này và giai đoạn tới, nếu cứ duy trì được thế này tôi nghĩ là đã rất đáng mừng rồi, còn quy định thêm mà luật thì lại chưa cụ thể và rất khó khăn để thực hiện” - đại biểu bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình về các ý kiến của đại biểu Quốc hội

Còn đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu ý kiến về việc cần đưa quy định hoạt động thanh, kiểm tra vào luật, coi “đây thực sự là một nội dung chính sách vô cùng quan trọng về tổ chức, kiến tạo môi trường phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Dẫn chứng việc ngày 17-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp và ngay trong ngày Thủ tướng đã ký chỉ thị số 20 chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra để phần nào giải tỏa bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Hiền nhận xét: “Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, sự chồng chéo của các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn như “vòng kim cô” kiềm tỏa sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm méo mó quan hệ của doanh nghiệp với cơ quan chức năng”.

Đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội cần thể hiện sự đồng hành với Chính phủ bằng việc luật hóa việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Việc “giảm sự can thiệp cơ quan quản lý Nhà nước vào các hoạt động bình thường của doanh nghiệp có thể mang lại hiệu quả ngay” - đại biểu Hiền đánh giá và khẳng định quan điểm “phải coi đây là một chính sách bảo vệ doanh nghiệp và phải được quy định ngay trong văn bản này”.

Thay mặt các cơ quan soạn thảo, trình và thẩm tra dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đại biểu, tinh thần chung là cố gắng tạo kiều kiện tốt nhất cho DN.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành luật hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ nên không thể quy định cụ thể toàn bộ nội dung hỗ trợ DN mà sẽ có 4 nghị định hướng dẫn kèm theo.

“Cách tiếp cận của chúng ta hiện nay là xem các DN cần gì chứ không phải mình có gì thì ban hành. Chúng tôi đã rà soát tất cả các nhu cầu của các DN, tổng hợp và khái quát lên thành các nội dung trong luật, có sự chuyển hóa tinh thần của Chính phủ kiến tạo để phục vụ DN”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang