(CAO) Ngày 17-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước
Tới dự hội nghị còn có Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng... cùng lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành liên quan.
Chủ trì Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc gỡ bỏ các rào cản kinh doanh, giải quyết triệt để nạn thanh tra, kiểm tra chồng chéo tại các doanh nghiệp. Hội nghị năm nay có quy mô gấp 4 lần năm 2016 với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó, khoảng 1.500 đại biểu là các doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Thủ tướng đánh giá, trong năm 2017, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, Thủ tướng đánh giá, áp lực lên 9 tháng cuối năm là rất lớn khi phải đạt mức tăng trưởng 7%. Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc thực hiện và đạt được các mục tiêu trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Tại báo cáo đầu Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành tháng 5-2016, đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện, nhằm mục tiêu nhà nước kiến tạo; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Báo cáo sơ kết một năm tình hình thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là những điểm đáng ghi nhận.
Chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35 đã lan tỏa rộng rãi. Hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều tổ chức, địa phương triển khai; gần 30 “không gian làm việc chung” và sáng tạo thuộc khu vực tư nhân được thiết lập; mạng lưới các nhà đầu tư cho khởi nghiệp dần hình thành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa (DNNVV), trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 3 sắp tới với nhiều chính sách đột phá cho doanh nghiệp; Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế; Bộ Công Thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước…
Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân phát biểu tham luận về chủ đề "Các chi phí của doanh nghiệp", cho biết, dù đã có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức (chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, chấp hành pháp luật thuế, môi trường, an toàn thực phẩm, PCCC... còn cao).
Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Theo ông Thân, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến. Từ phía doanh nghiệp, chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh; một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía cán bộ, công chức nên phải “chi ngầm” để được việc.
Để khắc phục hiện tượng này phải có sự chung tay, thực tâm từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững...