Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13:

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau

Thứ Tư, 24/05/2017 21:19  | Thanh Hoà

|

(CAO) Dành cả ngày 24-5 để thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, dù đánh giá cao dự án Luật đã tiếp thu đầy đủ, khách quan các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhưng các đại biểu vẫn tranh luận khá gay gắt.

Pháp luật phải bảo vệ số đông

Vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận nhất chính là phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo tờ trình trước Quốc hội, hiện có 2 phương án: Một là đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng; Hai là chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.

Ủng hộ phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích: những vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây bức xúc hầu như không thuộc độ tuổi này mà thuộc từ 16 đến dưới 18 tuổi, đơn cử như vụ án Lê Văn Luyện (Bắc Giang) kém hai tháng tròn 18 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường

Về nguyên nhân, đại biểu Thủy nêu chủ yếu các em phạm tội do chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình, do vậy phải tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội đối với lớp người đang trưởng thành này.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng khẳng định: loại tội phạm này không phức tạp và gia tăng như điều luật lo lắng; thực tế các trại giam, nhà tạm giữ thì không có chỗ giam giữ vì quá tải, không có chỗ giam riêng, trong khi cơ sở giáo dục bắt buộc của Bộ Công an thì không đủ học viên.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Nếu chúng ta chỉ giáo dục đơn thuần thì không đủ sức để răn đe và phòng, chống tội phạm. Tất cả các quy định của pháp luật đều có chức năng rất quan trọng đó là dự liệu, dự báo có tính chất phòng ngừa”.

Chọn phương án 2, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu thực tế, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ rất phức tạp, nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm. Theo đại biểu, đã là pháp luật thì phải nghiêm, như vậy mới có tác dụng tốt trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế tái phạm sau khi thi hành án.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) còn nêu thêm lý do: tội phạm này tuy cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, đối tượng này gần đây cũng bị một số kẻ xấu lợi dụng trong kích động, bạo loạn.

“Luật xử nghiêm đối tượng này chính là xử một người nhưng cứu muôn người, đó chính là điều nhân văn. Trong trường hợp không đến mức nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì luật có căn cứ tình tiết giảm nhẹ, đấy là đạo đức pháp luật” - ông Phương lý giải.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Về quan điểm cho rằng, thu hẹp trách nhiệm hình sự của tuổi đủ 14-16 là phù hợp với nguyên tắc “những lợi ích tốt đẹp nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”, đại biểu Phương nhận xét: “Điều này đúng nhưng không phù hợp trong trường hợp này vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được quan tâm hàng đầu trong trường hợp này chính là phải xây dựng một môi trường lành mạnh, một xã hội an toàn bình yên cho số đông trẻ em, chứ không phải là số ít tội phạm”.

Phản bác lại phương án 2, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cảnh báo: “Nếu được thông qua lần này, tôi dự báo tội phạm do người thành niên gây ra sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp hơn”. Trước những quan điểm khác nhau của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nếu đa số chọn phương án nào thì dự thảo sẽ lựa chọn theo phương án đó.

Kinh doanh đa cấp sẽ bị xử lý hình sự

Tại buổi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung điều luật mới (Điều 217a) về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự, tránh khi xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (Hòa Bình) đề nghị thiết kế theo hướng xử lý nghiêm người đứng đầu tổ chức vì kinh doanh đa cấp có nhiều tầng nấc, còn nếu qui định xử lý người tham gia phạm vi sẽ rất rộng và phức tạp.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) lại cho rằng loại tội này ngay từ đầu đã mang dấu hiệu lừa đảo, dùng các thủ đoạn gian dối như: không phải sĩ quan quân đội cao cấp nhưng lại mặc trang phục quân đội, đi xe biển xanh rồi về các địa phương “trống giong cờ mở” phối hợp với một số cán bộ cơ sở địa phương mở các cuộc gặp mặt, quảng cáo rất rầm rộ; đưa ra những “miếng bả” siêu lợi nhuận… rất dễ làm người dân địa phương bị mắc lừa.

“Đây không phải là việc kinh doanh trái phép mà ngay từ đầu đã mang dấu hiệu lừa đảo” - đại biểu Thức đề nghị: “Nếu chúng ta quy định tội danh này thì sẽ dễ trốn tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội có khung hình phạt nặng hơn, nghiêm khắc hơn”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang