Quốc hội xem xét dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Thứ Sáu, 21/10/2016 11:27

|

(CAO) Sáng 21-10, Quốc hội xem xét dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Hai cách tiếp cận khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015

Theo tờ trình do Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, các cơ quan hữu quan đã phát hiện và phản ánh về một số sai sót kỹ thuật, một số quy định chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trong Bộ luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan hữu quan khác tiến hành rà soát tổng thể các quy định của BLHS năm 2015 để phát hiện những sai sót và đề xuất phương án khắc phục nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất BLHS năm 2015 trong thực tiễn.

Ngày 29-6-2016, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015 cùng với ba luật khác có liên quan; đồng thời, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.

Bộ trưởng Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, có hai cách tiếp cận khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015.

Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng, trên cơ sở kết quả rà soát BLHS năm 2015 của Tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và với quy mô của một Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 thì nên xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là: Sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo cách tiếp cận thứ hai thì cần xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý của BLHS năm 2015, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật, trong đó giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc lượng hóa các tình tiết mang tính định tính trong BLHS, nhất là các mức định lượng về hậu quả (tính mạng, sức khỏe, tài sản) cũng như xử lý một cách cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại mà một trong những vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với trách nhiệm hình sự của cá nhân...

Bộ trưởng Tư pháp cho biết Chính phủ đã thiết kế dự thảo Luật trên cơ sở cách tiếp cận thứ nhất.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng không nên quá lệ thuộc vào thời hạn trình dự án Luật này mà hạn chế phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015. Tinh thần chung là cần phải sửa đổi triệt để, toàn diện BLHS năm 2015.

Cần có đủ thời gian để sửa đổi luật

Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày, UBTP cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ là: sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, đề nghị Quốc hội cho phép có một vài quy định chưa thể cụ thể hóa hết được mà vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, UBTP nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong BLHS năm 2015.

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, đa số ý kiến UBTP và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đều đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại hai kỳ họp: Kỳ họp thứ 2 Quốc hội cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua.Việc thông qua dự án Luật tại hai kỳ họp của Quốc hội không làm ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 có lợi cho người phạm tội đã được quy định tại Nghị quyết số 144/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cho đến nay các lỗi kỹ thuật đã cơ bản được rà soát, để bảo đảm khẩn trương tổ chức thi hành BLHS năm 2015 và các đạo luật khác đang phải lùi hiệu lực thì cần thiết phải trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến và thông qua dự án Luật ngay tại Kỳ họp này.

Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Bình luận (0)

Lên đầu trang