Tích cực thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tạo nguồn xử lý nợ xấu

Thứ Tư, 07/06/2017 21:27  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng 7-6, tại kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội đề nghị, việc xử lý nợ xấu cần phải tuân theo các nguyên tắc và ghi rõ trong nghị quyết.

Cấp thiết giải quyết “cục máu đông”

Tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, phù hợp với nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại thị trường tài chính, đồng thời khắc phục những khó khăn, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt quan tâm đến dự thảo nghị quyết về giải quyết nợ xấu, các đại biểu đều nhấn mạnh nợ xấu là “cục máu đông”, nếu không giải quyết triệt để sẽ dẫn đến “đột quỵ” cả nền kinh tế. Hiện tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã lên tới 5.500 ngàn tỷ và nợ xấu chiếm 10,08%; từ năm 2012 - 2016, toàn hệ thống đã xử lý được 611 ngàn tỷ nợ xấu, trong đó tổ chức tín dụng xử lý được 55,4% và VAMC 44,6%.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình các ý kiến đại biểu nêu

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ khái niệm nợ xấu, vấn đề quyền thu giữ tài sản, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và nhấn mạnh không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, không dùng cơ chế thuế, phí để xử lý nợ xấu; mặc dù chúng ta cho phép các ngân hàng trích tăng dự phòng rủi ro có nghĩa là giảm thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu còn đề nghị làm rõ thêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu và không được coi nghị quyết này là đặc quyền cho các tổ chức tín dụng tiếp tục lại gây ra nợ xấu mới.

Nhấn mạnh sự cấp thiết của nghị quyết từ góc độ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Viettinbank) cho biết, trong 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu này, có 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%, do vậy vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng và làm sao chúng ta vận hành đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế.

“Với con số này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn, với con số trên 200 ngàn tỷ thôi chúng ta đã thấy rất khó khăn rồi, còn đây là 600 ngàn tỷ”. Đại biểu Thắng cũng đánh giá, mặc dù nghị quyết về nợ xấu, nhưng vấn đề cốt lõi chính là ban hành các cơ chế để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

“Nghị quyết xử lý nợ xấu nếu Quốc hội phê chuẩn sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn” - đại biểu Thắng kỳ vọng.

Xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho rằng, nhiều đại biểu yêu cầu phải quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này, “Nhưng theo tôi điều quan trọng hơn cả là tìm cách để xử lý, tìm cách để khắc phục, không để ngày càng xấu đi mới là ưu tiên số 1”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, qua thực tiễn nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, trong đó có nợ cá nhân và nợ các tổ chức tín dụng mới thấy “dở khóc, dở cười”. Bởi vì người đi vay thì tìm mọi cách vay cho được, nhưng đến hẹn lại không chịu trả, tìm cách chây ỳ để lách luật. Đại tá Cầu cho rằng đây là một thói hư, tật xấu mà cả xã hội phải lên án.

Và để hạn chế tình trạng chủ nợ tìm mọi cách để đòi nợ, thậm chí dùng luật rừng và thuê đòi nợ, dẫn đến băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê diễn biến phức tạp và xã hội bất ổn, đại tá Cầu mong muốn pháp luật phải nghiêm minh, hiệu quả để mọi người dân ai cũng dùng pháp luật trong giải quyết các mối quan hệ xã hội.

Ngoài các nguyên tắc mà nghị quyết đã đề cập, đại tá Cầu còn đề nghị quy định thêm 3 nguyên tắc: không dùng công cụ ngân sách để trả nợ xấu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm; yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng thêm quỹ trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.

Chung quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng đây là nghị quyết xử lý nợ xấu, không phải nghị quyết xử lý trách nhiệm về nợ xấu, còn trách nhiệm dân sự và hình sự của các tổ chức, cá nhân về các khoản nợ đó giải quyết và xử lý theo pháp luật hiện hành.

Quốc hội cần ghi rõ trong nghị quyết này là giao cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu. Đặc biệt yêu cầu Chính phủ truy tìm, thu hồi tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có và đang được tẩu tán.

Việc này sẽ tạo thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu. Quy định cụ thể trách nhiệm và cơ chế Quốc hội giám sát việc thi hành nghị quyết như thế nào. Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần soạn thảo đề án kế hoạch chi tiết thực hiện nghị quyết, nói rõ khoản nợ xấu nào của ngân hàng nào và vì sao để các Ủy ban của Quốc hội theo dõi, giám sát và Quốc hội phải quy định về tính giải trình tại mỗi và giữa các kỳ họp.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được tiếp tục thảo luận vòng 2 vào chiều ngày 12-6 trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp thứ 3. Giải trình tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến 31-12-2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng hiện nay là trên 150.000 tỷ, chiếm 2,52% tổng dư nợ.

Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08%, trong đó, nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%.

Từ năm 2011-2016, theo thống kê của Bộ Công an, riêng các cơ quan điều tra của Bộ Công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng, nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các tổ chức tín dụng, trong đó có nhiều bị cáo bị tuyên phạt tử hình, chung thân và trên 20 năm tù.

Riêng Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ; trong giai đoạn tái cơ cấu đã điều tra xử lý 65 vụ án, xử lý hình sự 122 cán bộ, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các lãnh đạo của Ngân hàng Nông nghiệp. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang