Kiêu hãnh Trường Sa

Chủ Nhật, 04/06/2017 10:48  | Ngô Đồng

|

(CAO) Từ hàng chục năm nay, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo là nhiệm vụ quan trọng, vinh quang của toàn dân, toàn quân. Trong đó, Trường Sa luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam, đã và mãi là niềm tin yêu, niềm kiêu hãnh của Tổ quốc trường tồn.

Tự hào người lính đảo

Khác hẳn với hình dung ban đầu về một hòn đảo nhỏ chỉ có cát, san hô, không có cây xanh; nhưng khi tàu cập cảng Trường Sa Lớn, trước mắt chúng tôi là một màu xanh tươi mát của những loại cây đặc thù như Phong Ba, Tra, Bàng vuông và Muống biển, đặc biệt là những vườn rau xinh xắn được các chiến sĩ chăm bón cẩn thận, xanh tốt,...

Cách đây hơn 40 năm, tháng 4-1975, vào mùa hoa Phong Ba nở trắng, thơm khắp đảo, trong hào khí cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giải phóng miền Nam, chấp hành mật lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã quyết định dùng các tàu của Đoàn 125 chở bộ đội đặc công Đoàn 126 và một số đơn vị đặc công của Quân khu V ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Song Tử Tây là đảo nổi đầu tiên được bộ đội ta giải phóng. Tiếp đó, ngày 25-4 giải phóng các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết và ngày 29-4-1975, đảo Trường Sa - “thủ phủ của quần đảo Trường Sa” cũng được giải phóng.

Hơn 40 năm sau ngày được giải phóng, với phương châm “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân công tác tại quần đảo Trường Sa đã không ngừng nỗ lực cố gắng khắc phục mọi khó khăn xây dựng các đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan”.

Cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa lớn. Ảnh: NĐ
Lễ diễu binh trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: NĐ

Những ngôi nhà xây kiên cố, những công trình như Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bệnh xá, trường học, công trình Khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới,… được xây dựng kiên cố, khang trang. Đặc biệt, ngay giữa trùng khơi biển cả, ngôi chùa Trường Sa như một trái tim tâm linh của đảo, vừa thật gần gũi, chân tình, lại càng thêm linh thiêng, tha thiết.

Đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn, chiến sĩ Nguyễn Đức Hiếu (ngụ quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Được làm nhiệm vụ tại Trường Sa là niềm tự hào của người lính. Gia đình, quê hương luôn là động lực, là chỗ dựa tin cậy để em vững vàng tay súng, gắn bó với biển đảo quê hương”. Ước muốn được trở thành người lính đã thôi thúc Hiếu quyết định không ở thành phố mà làm một điều gì đó lớn lao hơn. Chính vì thế, Hiếu tình nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trường Sa. Những lần gọi điện về thăm mẹ, Hiếu luôn động viên gia đình, những người thân ở quê nhà yên tâm, bởi đã có người lính như các anh luôn vững vàng ý chí giữ biển, giữ đảo.

Chiến sĩ Nguyễn Đức Hiếu (ngụ quận 8, TP.HCM) đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: NĐ

Rời đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi tiếp tục hải trình của mình đến đảo Đá Lát, Đá Đông, Thuyền Chài, An Bang,.. Tại đảo An Bang, chúng tôi được gặp gỡ chiến sĩ Nguyễn Xuân Quang. Cũng trong niềm tự hào là người lính đảo, chiến sĩ Nguyễn Xuân Quang chia sẻ: “Bố là bộ đội, nên em cũng muốn noi gương như bố, trở thành một người lính, xứng danh ‘Anh bộ đội Cụ Hồ’ để phục vụ tốt cho nhân dân, đất nước…”. Với Quang, Trường Sa luôn là quê hương thứ 2, nơi anh sẽ nỗ lực phấn đấu hết mình để góp phần nhỏ bé của mình để bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo. Ảnh: NĐ

Ở các đảo, gặp gỡ những người lính, các anh chia sẻ, những ngày đầu ra đảo, thấy biển cả mênh mông cũng có đôi chút lo lắng, không quen tiếng sóng biển vỗ đì đùng nên có đêm các anh không ngủ được; nhưng được sự giúp đỡ của chỉ huy và các đồng đội trên đảo, các anh đã nhanh chóng làm quen được với điều kiện nơi đây. Giờ đây, với các anh, “đảo là nhà, biển cả là quê hương”; đảo thực sự cần đến sức trẻ và cũng chính là nơi để các anh thỏa sức cống hiến.

Chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo. Ảnh: NĐ
Đoàn công tác ra thăm đảo. Ảnh: NĐ

Càng nhớ về quê hương, những người lính đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa càng thêm quyết tâm phấn đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc, xứng đáng niềm tin hậu phương nơi quê nhà. Ở nơi đảo xa ấy, dù còn khó khăn và đầy thiếu thốn ấy, nhưng những người lính luôn tích cực rèn luyện, vững tay súng bảo vệ biển đảo chủ quyền của Tổ quốc. Hình ảnh người chiến sĩ hải quân đứng gác dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, nổi bật trên nền trời xanh, biển xanh bao la luôn tạo cho chúng tôi một cảm xúc tự hào khó tả. Dù không nói ra, nhưng ai cũng thấu hiểu sâu sắc rằng để có được những phút giây yên bình ấy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa đã phải đánh đổi bằng máu và nước mắt...

“Mình thành người Trường Sa rồi…”

Hôm ở đảo Trường Sa lớn, hình ảnh khiến chúng tôi xúc động là những bé trai, bé gái đang chơi đùa dưới bóng râm của những cây Tra, Bàng vuông. Trong từng ánh mắt nhìn, nụ cười hồn nhiên và cả những cử chỉ gần gũi như đang đón gặp người quen của các em khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở đất liền.

Thăm khu dân cư tại đảo Trường Sa lớn, thấy như một xóm nhỏ đẹp xinh trong thị trấn biển. Theo Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết, ở đảo Trường Sa Lớn hiện có 7 hộ dân sinh sống. Mỗi căn nhà biệt lập, tường xây ngói đỏ, có 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, khu vệ sinh khang trang. Thêm một mảnh vườn phía sau nhà có đủ loại rau trái và đàn gà, vịt thảnh thơi.

Đoàn công tác thăm và tặng quà các hộ dân trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: NĐ

Giống như nhiều hộ gia đình khác đang sinh sống tại xã đảo Trường Sa Lớn, quyết tâm ra lập nghiệp tại Trường Sa của vợ chồng anh chị Nguyễn Thành Hưng thể hiện mong muốn được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để bảo vệ và xây dựng đảo ngày càng vững mạnh. Ngày đầu ra đảo sinh sống, anh chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, phần vì điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, tinh thần, phần vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Anh Nguyễn Thành Hưng cho biết, ngày trước khi mới ra đảo, nỗi nhớ nhà cứ vò xé tâm can, phần vì thương con nhỏ phải sống trong điều kiện khó khăn, phần vì chưa quen với nền nếp sinh hoạt tại nơi ở mới. Nhưng rồi dần dần, nhờ có sự động viên, giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo, cuộc sống gia đình anh chị ngày một ổn định hơn. Hiện tại, con gái của anh chị đang theo học tại một ngôi trường được xây dựng hết sức khang trang trên đảo.

Những khi các cháu nhỏ ốm đau đều được cán bộ quân y chăm sóc tận tình. Quen nắng gió, nên bọn trẻ con lớn nhanh như thổi, quần áo chả mấy chốc chật căng. “Mặc dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các cháu nhỏ nơi đây rất ít khi đau ốm. Điều này khác hẳn với khi đang ở đất liền. Bây giờ, xã đảo đã có điện, có sóng điện thoại, đời sống vật chất, tinh thần cũng đã được cải thiện đáng kể nên rất yên tâm”, anh Hưng chia sẻ.

Tương tự là cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh chị Thái Nhật Trường, xung phong ra Trường Sa lập nghiệp nhiều năm nay. Đứa con thứ hai của anh chị cũng chào đời trên đảo Trường Sa Lớn. Từ ngày đến Trường Sa sinh sống, cuộc sống anh chị cũng có nhiều thay đổi. Được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi chẳng khác nào ở đất liền. Ngày ngày anh đi biển đánh cá, chị ở nhà chăm đàn gà, trồng mớ rau và bảo ban con học hành tử tế.

Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh chị Thái Nhật Trường. Ảnh: NĐ

Việc dạy học cho con em trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thể hiện sự cố gắng vượt bậc của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Dẫu vậy, chất lượng dạy và học nơi đây không hề thua kém so với ở đất liền.

Câu chuyện về những người dân tình nguyện ra sinh sống và làm việc tại các đảo trong quần đảo Trường Sa mà chúng tôi có dịp được nghe luôn đầy ắp tinh thần cống hiến, hy sinh vì một mục đích rất đỗi bình thường nhưng vô cùng vinh quang, đó là chung sức bảo vệ và xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh. Họ đã góp phần không nhỏ làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa bằng chính những hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân quen của cuộc sống thường nhật tưởng chừng chỉ có ở đất liền.

Trẻ em trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: NĐ
Trẻ em trên đảo hớn hởn khi được nhận quà là thùng kem lạnh được Phó Bí thư Thành ủy; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm gửi từ đất liền ra. Ảnh: NĐ

“Mình thành người Trường Sa rồi, không thể chia xa”, đó là câu nói không chỉ của những người dân sinh sống trên đảo mà còn thấy rành mạch trong trái tim của triệu triệu người Việt, luôn hướng tới Trường Sa.

Khi chia tay Trường Sa đầy nắng, gió, chia tay những người lính hải quân dạn dày phong ba, chúng tôi thấy ngập tràn niềm vui và tự hào. Những người lính đảo đang ngày đêm góp một phần vào việc canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương. Tôi xin kết bài viết bằng lời bài hát “Quê em ở Trường Sa” mà các em nhỏ trên đảo đã hát vang trong buổi giao lưu văn nghệ khiến trái tim bồi hồi xúc động đến lạ kỳ: “Quê em ở Trường Sa những đảo chìm, đảo nổi. Quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la. Sinh ra ở Trường Sa em là con của biển. Những chuyến tàu yêu thương mang hơi ấm đất liền…”.

Mang hơi ấm đất liền ra biển đảo

Sáng 18-4, đoàn công tác số 4 TP.HCM gồm hơn 160 đại biểu đã lên con tàu Kiểm Ngư ký hiệu KN 290 rời cảng Cát Lái - Lữ đoàn 125 Hải quân, bắt đầu cuộc hải trình đến với Trường Sa thân yêu. Trưởng đoàn là ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn đã dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm; đồng thời trao tặng 14 tỷ đồng hỗ trợ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, mặt trận của đảo. Tại mỗi điểm đảo, đoàn đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhiều món quà cần thiết cho cuộc sống trên đảo: lương thực thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm, giống cây trồng, phân bón, các thiết bị điện tử phục vụ giải trí và tập luyện thể dục thể thao… Bên cạnh đó là các chương trình giao lưu văn nghệ phục vụ bà con, chiến sĩ nơi đảo xa do các văn nghệ sĩ TP.HCM tham gia đoàn biểu diễn.

Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gửi tặng nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo và trao kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, mặt trận của đảo. Ảnh: NĐ

Là người đã từng đến thăm đảo Trường Sa trước đó, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Đảo của chúng ta hiện nay đã phát triển rất nhiều, bên cạnh các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, còn có các hộ dân, có các công trình hạ tầng dân cư, công trình văn hóa tâm linh,…

“Trong những năm qua, TP.HCM luôn sát cánh cùng quân dân huyện đảo cũng như đảo Trường Sa góp phần vào nhiệm vụ thiêng liêng. Không chỉ những năm gần đây, mà từ những năm 1990, hệ thống Mặt trận TP đã cùng các đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo chính quyền, nhân dân TP đến với đảo, thăm hỏi, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây. Những năm gần đây, TP cũng đã tuyển chọn những thanh niên từ TP đưa vào lực lượng Hải quân để trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã chỉ đạo các ngành và huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị hướng về Trường Sa, xây dựng những công trình thiết thực phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang