Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng:

Tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCC

Thứ Tư, 31/05/2017 19:19  | Lê Ngân

|

(CAO) Sáng 31-5-2107, UBND TPHCM tổ chức hội nghị về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh. Đến dự có Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh- Cục Trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an; Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng.

300.000 cơ sở, nhà ở kết hợp kinh doanh có nguy cơ cháy cao

Báo cáo tại hội nghị, đại tá Trần Thanh Châu- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, hiện trên địa bàn thành phố có gần 2 triệu hộ gia đình, trong đó có trên 300.000 hộ gia đình kết hợp với kinh doanh, dịch vụ; có 397.000 cơ sở kinh doanh sản xuất trong đó có gần 28.700 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đa phần nhà ở được xây dựng trước năm 1975, tập trung xung quanh các chợ, tuyến phố kinh doanh mua bán hàng hóa dễ cháy; nhà ống liền kề, san sát nhau không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói dẫn đến khi cháy xảy ra làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Nguyên nhân do ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn thấp; người dân còn chủ quan, lơ là với công tác PCCC, xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình. Chẳng hạn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh chật hẹp, nơi đun nấu, thờ cúng gần sát với vật liệu dễ cháy; để bảo vệ tài sản, chủ nhà thường làm nhiều lớp cửa kiện cố, rồi lắp đặt bảng quảng cáo che kín, ban-công, mặt tiền nhà khi xảy ra cháy không thể thoát nạn, khó tiếp cận chữa cháy, cứu hộ; hệ thống điện nhà dân câu móc tùy tiện, vỏ dây điện lão hóa mất khảng năng cách điện, thiết bị tiêu thụ điện kém chất lượng, bố trí không hợp lý để gần vật liệu dễ cháy.

Hệ thống lưới điện trên địa bàn TP ở một số khu vực do quá tải nên thường xảy ra cháy nổ; hệ thống dây dẫn điện trong các khu dân cư, các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ câu móc chằng chịt, dây điện ải mục, lão hoá, một đồng hồ điện dùng chung cho nhiều hộ gia đình, thiết bị điện có chất lượng kém, không đảm bảo an toàn PCCC dễ xảy ra quá tải và chạm chập điện dẫn đến cháy, nổ. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu xảy ra cháy (khoảng 70% số vụ cháy xảy ra). Bên cạnh đó, tại các cột điện hậu thế dây dẫn điện, chiếu sáng đô thị, dây thông tin, cáp viễn thông, điện thoại đấu mắc chằng chịt gây mất an toàn về PCCC” – đại tá Châu khẳng định.

Đáng chú ý là các vụ cháy gây thiệt hại nghiệm trọng như: vụ cháy xảy ra vào ngày 10-6-2016 tại nhà ở kết hợp kinh doanh bếp từ Tân Phú Gia (đường Luỹ Bán Bích, phường Hiệp Thành, quận Tân Phú), đã làm 4 người chết. Hay vụ cháy xảy ra vào ngày 4-10-2016 tại nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ cưới hỏi (đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12) đã khiến 3 người chết. Mới đây nhất xảy ra cháy tại nhà dân vào ngày 12-3-2017, tại Tỉnh lộ 10, khu phố 1, phường Tân Tạo, quận Bình Tân đã làm chết 4 người, thiệt hại tài sản chưa ước tính được thành tiền.

“Phải tuyên truyền phòng cháy chữa cháy bằng email”

Tại hội nghị, đa số đại biểu cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú-Phó Chủ tịch UBND quận 12, đề xuất TP kiến nghị Bộ Công an ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn về PCCC đối với hộ gia đình và nhà ở kết hợp với kinh doanh, đồng TP phân cấp quản lý nhà nước đối với loại hình này.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh- Cục Trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn-cứu hộ, Bộ Công an, cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường quản lý nhà nước về công tác đảm bảo an toàn PCCC, nhất là đối với loại hình nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Thiếu tướng Mạnh đề nghị Cảnh sát PCCC TP cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền các biện pháp, giải pháp về công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo đảm an toàn PCCC; hướng dẫn nghiệp vụ PCCC hộ gia đình, khu dân cư; diễn tập PCCC ở khu dân cư; phối hợp cơ quan báo chí tuyên truyền về pháp luật và kiến thức PCCC với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nội dung sâu sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân...

Phát biểu kết luận, ông Huỳnh Cách Mạng- Phó Chủ tịch UBND TP, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cảnh sát PCCC TP trong công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh. Phó Chủ tịch đề nghị cần tập trung tham mưu, hướng dẫn UBND các quận, huyện, chính quyền địa phương khẩn trương tiến hành công tác điều tra cơ bản, nắm thật chắc tình hình toàn bộ công tác an toàn PCCC đối với hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP, nhất là các đối tượng tập trung ở các khu vực, địa bàn có nguy cơ cháy, nổ cao để có giải pháp ngăn chặn, xử lý.

Cảnh sát PCCC TP cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC, cứu nạn, cứu hộ gắn với phương châm “4 tại chỗ”; phát huy hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ trong việc ngăn chặn, cứu chữa các vụ cháy, nổ ngay từ khi mới hình thành, phát sinh. Công tác tuyên truyền cần phải thay đổi phương thức trước sự phát triển của công nghệ thông tin, Ông Mạng yêu cầu lãnh đạo phường, xã-thị trấn phải nắm cho được các hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh và địa chỉ email, qua đây chuyển tải thông tin PCCC đến người dân.

Trước kiến nghị của lãnh đạo quận 12, Phó Chủ tịch Huỳnh Cách Mạng khẳng định trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh là của Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn; chủ các hộ gia đình và chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn PCCC tại gia đình và cơ sở kinh doanh của mình; lực lượng Cảnh sát PCCC TP chịu trách nhiệm hướng dẫn nội dung công tác kiểm tra và tham mưu cho UBND các cấp trong công tác quản lý nhà nước về PCCC. “Một hội nghị quan trọng như vậy mà lãnh đạo một số phường- xã- thị trấn vắng mặt là không chấp nhận được, Tôi đề nghị lãnh các quận huyện về mời các lãnh đạo các địa phương này lên quán triệt, giao nhiệm vụ nội dung hội nghị hôm nay”, ông Mạng nhấn mạnh.

Đại tá Lê Tấn Bửu- Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và triển khai thực hiện, đồng thời đề xuất TP đầu tư trang thiết bị đảm bảo công tác chữa cháy tại các địa hình đặc thù, hiểm trở; đẩy mạnh công tác huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho CBCS nhuần nhuyễn các thao tác, triển khai chữa cháy đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 2.216 tai nạn sự cố liên quan đến cháy, nổ; làm chết 67 người, bị thương 137 người, thiệt hại về tài sản hơn 815 tỷ đồng. Trong đó, cháy hộ gia đình, hộ kinh doanh xảy ra 1.091 vụ, làm chết 56 người, bị thương 92 người, thiệt hại về tài sản hơn 11,6 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 576 tai nạn sự cố liên quan đến cháy, nổ; làm chết 20 người, bị thương 30 người, thiệt hại về tài sản gần 44 tỷ đồng, trong đó cháy hộ gia đình, hộ kinh doanh xảy ra 224 vụ, làm chết 19 người, bị thương 20 người, thiệt hại về tài sản hơn 1,3 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang