Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV:

Ưu tiên tối đa cho chuyển giao công nghệ

Thứ Sáu, 02/06/2017 23:56  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Sáng 2-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Mở đầu phiên làm việc Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

ĐB Lê Quang Trí - Tiền Giang cho rằng: về chính sách của nhà nước, về chuyển giao công nghệ tại Điều 4, tôi đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Khoản 2 điều này nhằm đảm bảo nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng, chịu hạn, kháng mặn đang rất cần phải chuyển giao để phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Tôi đề nghị chuyển nội dung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ quy định tại Khoản 6 điều này vào nội dung quy định tại Chương V cho phù hợp vì nội dung này thuộc về nội dung quản lý nhà nước được quy định tại Điều 57. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị bổ sung một khoản vào cuối của điều này vào Điều 4 với nội dung quy định Chính phủ quy định chi tiết điều này để tạo thuận lợi cho Chính phủ khi ban hành các chính sách về chuyển giao công nghệ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

ĐB Lê Quân - Hà Nội nhận định: Cùng với Luật Khoa học công nghệ, dự án Luật Quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Quốc hội cho ý kiến, dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có ý nghĩa đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tháo gỡ khó khăn cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, các đơn vị nghiên cứu.

So với các dự thảo trước, dự thảo lần này của Luật có sự chuyển biến tích cực, bổ sung nhiều nội dung, đặc biệt liên quan đến khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước gắn với phát triển các tổ chức khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp.

ĐBQH Lê Quân - TP. Hà Nội

ĐB Lê Quân cho rằng, điều quan trọng của Luật này là cần tháo gỡ những khó khăn trong chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp với các trường, sở, viện nghiên cứu; khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước; tuy nhiên, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tránh chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, dự án Luật quy định mọi dự án khi sử dụng công nghệ phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng và nhiều báo cáo khác. Theo ông Quân, nội dung này nên thay bằng quy định cần thẩm định về mặt công nghệ; lược giản hóa về các tài liệu, hồ sơ doanh nghiệp phải nộp để thẩm định, bởi đối với các doanh nghiệp không sử dụng vốn Nhà nước không cần thiết phải báo cáo hồ sơ.

Có như vậy, tự doanh nghiệp cân nhắc và quan tâm đến vấn đề thẩm định đặt ra. Dẫn chứng kinh nghiệm thực tế công tác tại Đại học Quốc gia phải đi xin phép nhiều đầu mối khác nhau, ĐB Lê Quân đề nghị, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và nên có ''một cửa, một đầu mối'', trong đó gắn với mối quan hệ giữa các bộ, ngành, sở. Thực tế, doanh nghiệp phải xin giấy phép nhiều đầu mối khác nhau.

Ví dụ trong vấn đề nông nghiệp phải đi qua Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến Bộ Khoa học và Công nghệ, rồi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, cần quy định rõ bao nhiêu ngày xin ý kiến các sở, ban, ngành phải trả lời cho doanh nghiệp. Việc khuyến khích chuyển giao trong nước cần bổ sung vai trò của nhà khoa học, trường học và cho phép góp vốn cùng với doanh nghiệp để thử nghiệm công trình khoa học.

ĐB K'Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng: về chính sách nhà nước đối với hoạt động công nghệ quy định tại Điều 4, Luật chuyển giao công nghệ đã được thực hiện 10 năm nhưng thực tiễn hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn còn trầm lắng, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội, chính sách của nhà nước đối với chuyển giao công nghệ của dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn chưa rõ, chưa thể chế hóa đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng thành quy định pháp lý.

ĐBQH K'Nhiễu - tỉnh Lâm Đồng

ĐB này kiến nghị, dự án Luật cần bổ sung các chính sách đồng bộ để khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, trường, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc thu hút công nghệ từ các nước tiên tiến là một nhu cầu cấp thiết.

Hiện nhiều trí thức của Việt Nam đang làm trong lĩnh vực công nghệ ở các nước tiên tiến, vì vậy, cần có chính sách thu hút, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nguồn này. Bên cạnh đó, cần có các định chế trung gian trên thị trường công nghệ để hình thành, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, cơ sở dữ liệu công nghệ; xây dựng cơ chế riêng cho hoạt động chuyển giao công nghệ để phát triển nông nghiệp nông thôn.

ĐB Nguyễn Phi Long (Bình Dương) cho rằng: quy định về các chính sách của Nhà nước trong dự án Luật còn mang tính chung chung, chưa có chính sách đột phá trong việc ưu tiên chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, phục vụ cho phát triển sản xuất sản phẩm trọng điểm, đặc biệt là trong công nghệ phục vụ quốc phòng an ninh.

ĐBQH Bùi Thu Hằng - tỉnh Hòa Bình

Trong thời gian qua, việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ý tưởng công nghệ, ươm tạo công nghệ, doanh nghệp đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp khăn, dự án Luật cần có các chính sách cụ thể hơn về những nội dung này, giao cho Chính phủ quy định; xem xét, bổ sung thêm nội dung ưu tiên chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ sạch... để phục vụ cho việc phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia.

Quan tâm đến việc thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nêu vấn đề: Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường Đại học tham gia tích cực vào chuyển giao công nghệ.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Lan - tỉnh Bắc Ninh

"Cần có chính sách trọng dụng thực sự hấp dẫn, thiết thực, thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có ''bí quyết'' công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để chuyển giao vào nước ta ; ''Việt Nam hóa'' các công nghệ này, ưu tiên các lĩnh vực trong nước có lợi thế và nhu cầu lớn.

Nhà nước cần quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ mạnh thực sự về đội ngũ, cơ sở vật chất và môi trường làm việc; có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo, chuyển giao công nghệ và thử nghiệm các công nghệ mới'' - đại biểu nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang