Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính.
Thực phẩm bẩn bủa vây trường học
Đây là lo lắng của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho biết: Cả nước hiện đang có trên 20 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, chiếm hơn 20% dân số của cả nước. Trong khi xã hội đang lo ngại về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) thì với 1/5 người Việt là những người trẻ, vấn đề không chỉ nằm ở bữa ăn hàng ngày mà còn tiểm ẩn hàng giờ ngay trước cổng trường nơi các em đang theo học.
Quốc hội thảo luận về chính sách pháp luật về ATTP 5 năm qua
Đại biểu Thảo cho rằng, sở dĩ thực phẩm bẩn bủa vây quanh trường học như hiện nay, kéo theo một loạt hệ lụy tiềm ẩn đang đầu độc thế hệ trẻ, trách nhiệm còn nằm ngay ở chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng và các cơ quan quản lý.
Chỉ ra các nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường, đại biểu Thảo nhấn mạnh: “Điểm then chốt là thời gian qua, vấn nạn này chúng ta đã biết nhưng chưa được xử lý triệt để vì chưa có được sự quy tụ của các ban, ngành liên quan thành một chuỗi xuyên suốt và khép kín để xử lý, đồng thời quy trách nhiệm khi có sai sót”. Bà Thảo còn kiến nghị tăng chế tài xử phạt cao hơn nữa đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo VSATTP.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì đánh giá: hóa chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào, câu hỏi đặt ra là những hóa chất đó đến từ đâu? Dẫn ra các con số như: hàng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau và có 90% số đó được nhập từ Trung Quốc (đáng nói là Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành), chưa kể số lượng được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu từ biên giới,... đại biểu Nhân nêu: “Số lượng hóa chất đó đi đâu, được sử dụng làm việc gì, câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng. Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình?”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình về ý kiến các đại biểu nêu
Đại biểu Nhân cũng kêu gọi: “Tại diễn đàn hôm nay, tôi tha thiết kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính. Nhân dân hãy tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với những hành động sai trái trong an toàn thực phẩm”.
Đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu, ông Cường nhấn mạnh: “Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì sự thỏa hiệp, bắt tay với cái ác và cũng đáng bị lên án”.
Phải thiết lập hệ thống quy chuẩn về thực phẩm an toàn
Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị phải có phân tích vì sao thấy rõ tồn tại về ATTP mà vẫn không giải quyết được. Chỉ ra nguyên nhân từ việc phân công bộ máy còn chưa phù hợp, đặc biệt cơ chế phối hợp chưa tốt, đại biểu Lan đề nghị, trước hết cần cải cách hành chính trong lĩnh vực ATTP bởi hiện nay, một doanh nghiệp khi muốn sản xuất thực phẩm phải lo đủ 59 loại giấy tờ, 47 thủ tục phân cấp cho các địa phương.
Bà Lan cho rằng điều này dễ dẫn đến tiêu cực, trong khi việc có đủ giấy tờ chỉ để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra. Ngoài ra, đại biểu Phong Lan cũng lo lắng tình trạng bếp ăn tập thể rất báo động và đề nghị, ngoài thanh kiểm tra còn gắn trách nhiệm của các cấp quản lý và doanh nghiệp cung cấp bữa ăn tập thể. Công tác thông tin truyền thông cần đầu tư nhiều hơn, sâu hơn, chuyên nghiệp hơn, tức là không chỉ tuyên truyền thực phẩm bẩn mà phải chỉ ra thực phẩm sạch ở đâu.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) phát biểu ý kiến
Cũng tại phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay, mỗi người dân cần phải là “người tiêu dùng thông thái” để bảo vệ chính mình, các đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau), Nguyễn Thái Học (Phú Yên)…tranh luận: đừng đòi hỏi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái vì thực phẩm bẩn len lỏi khắp nơi, trong khi chúng ta làm chưa tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP bởi chỉ có 20% thực phẩm bẩn được phát hiện, vậy thì người dân làm thế nào để phân biệt được thực phẩm bẩn?
Tiếp thu, giải trình về vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, về hệ thống pháp luật nói chung của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là đứng đầu các nước trong khu vực, vấn đề là năng lực thực hiện còn hạn chế. Phó Thủ tướng cũng thừa nhận cơ chế điều phối chung nhiều ban ngành ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thực hiện được.
Liên quan đến khái niệm người tiêu dùng thông thái, Phó Thủ tướng cho biết các tổ chức quốc tế đã khuyến nghị chúng ta thiết lập các hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn để biết thực phẩm nào an toàn, sau đó huy động hệ thống phòng thí nghiệm đưa danh sách thực phẩm đạt chuẩn để người dân biết lựa chọn.
Về công tác thanh kiểm tra, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cho thí điểm thanh tra liên ngành ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tới đây sẽ xin chủ trương mở rộng ra toàn thể các quận huyện và dựa trên đặc thù các địa phương khác mở rộng thí điểm này. Ngoài ra, sẽ đưa ATTP vào tiêu chí thi đua như làng văn hóa, nông thôn mới…
5 năm, chỉ khởi tố được 1 vụ vi phạm ATTP Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, 5 năm qua, cả nước đã thành lập 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016). Cùng với việc xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không đảm bảo ATTP, cũng như thu hồi các loại giấy phép, giấy xác nhận. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân chỉ khởi tố được 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP. Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 1-1-2010 đến 30-9-2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã xét xử 313 vụ. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. |