Tỉ lệ rác thải chôn lấp lớn, làm thế nào bảo đảm tăng trưởng xanh?

Thứ Sáu, 02/06/2023 17:39

|

(CATP) Từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã đưa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn 7% lượng rác thải chôn lấp, số còn lại phải đốt rác thành điện một cách bền vững. Nhưng đến nay, 70% lượng rác thải vẫn phải chôn lấp, gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng.

Chôn lấp rác thải đang đe dọa môi trường

Ngày 31/5/2023 và 01/6, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH An Giang) cho rằng hiện nay, việc kiểm soát chất thải ở nước ta còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chất thải rắn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh ở nước ta có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác thải, nhưng chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng. Cả nước hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Điều đáng lo nhất là tỉ lệ chôn lấp chất thải rắn còn ở mức cao, chiếm khoảng 70%, nhưng nhiều bãi chôn lấp không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Xuất hiện một số khu vực chôn lấp tự phát, gây mất mỹ quan đô thị và khu dân cư, ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, chỉ có 13% số rác ở nước ta được đốt cháy để thu hồi năng lượng.

Cần rất nhiều nhà máy điện rác

Cách xử lý rác bền vững nhất vẫn là đốt rác thành điện. Công nghệ này là xu hướng mới, được các nước phát triển áp dụng để giảm thải rác và ô nhiễm môi trường, cùng với khả năng xử lý triệt để rác trở thành năng lượng tái tạo, được xem là hướng đi cho tương lai phát triển bền vững. Xu hướng này đang được áp dụng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Tại Hà Nội, 2 nhà máy điện rác ở huyện Sóc Sơn (đã đi vào hoạt động) và ở TX.Sơn Tây (đang xây dựng), dự kiến cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố này là khoảng 7.000 tấn/ngày (hiện phần lớn vẫn đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp).

Tại TPHCM, Sở TN-MT định hướng đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, TPHCM phải chuyển đổi ít nhất 50% lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2019, 3 dự án nhà máy đốt rác phát điện ở TPHCM đã khởi công, dự kiến xử lý 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại rác tại nguồn và hoàn thành vào cuối năm 2020. Đó là Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar của Công ty cổ phần (CP) Vietstar, Nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (H.Củ Chi), Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Môi trường Tasco (H.Củ Chi). Tuy nhiên đến nay, cả 3 nhà máy đều chưa hoàn thành.

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) được khởi công từ năm 2022, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng

Lãnh đạo Công ty CP Vietstar cho biết, đã hoàn thiện lắp đặt, vận hành 3 dây chuyền phân loại rác, làm đường dẫn vào nhà máy đốt rác phát điện, san lấp mặt bằng 45.000m2, ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính nhập từ nước ngoài, nhưng vẫn phải chờ Quy hoạch điện VIII. Đến tháng 6/2023, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và chất thải rắn. Đó là cơ sở cho các nhà máy điện rác có điều kiện phát triển. Còn 2 nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Môi trường Tasco chưa thể hoàn thành do vướng nhiều thủ tục. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 80% rác trên địa bàn TPHCM được xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện hoặc tái chế, giảm dần và tiến tới không còn chôn lấp. Nếu chậm tiến độ như hiện nay, mục tiêu đốt rác phát điện để giảm thiểu ô nhiễm của TPHCM sẽ khó trở thành hiện thực trong 5 năm tới.

Tại các địa phương khác, những nhà máy điện rác cũng cần sớm xây dựng. TP.Hải Phòng đang muốn làm, còn tỉnh Quảng Ninh đã có doanh nghiệp của Hà Lan thăm dò... Tỉnh Bắc Ninh đang triển khai 4 dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại các huyện Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài, với tổng công suất khoảng 1.800 tấn/ngày đêm. Nhiều địa phương khác vẫn phải chôn lấp và đốt thông thường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Vấn đề lớn khác mà nhiều ĐBQH rất quan tâm là mô hình xử lý rác an toàn, bền vững ở các vùng dân cư có khoảng 30.000 dân, được đặt ra từ Quốc hội khóa trước (năm 2018), nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp công nghệ. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các ĐB kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ những giải pháp, xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Bình luận (0)

Lên đầu trang