Thanh Hóa:

Khai thác đá, chặt cây khiến rừng Xuân Lẹ cạn kiệt

Chủ Nhật, 23/04/2017 06:59  | Minh Tiến

|

(CAO) Cánh rừng Xuân Lẹ vẫn đang ngày đêm chống chịu với nạn đá tặc, lâm tặc tàn phá. Giấc mộng săn lộc rừng để được đổi đời đã khiến bao mạng người nằm lại chốn rừng thiêng nước độc. Những cánh rừng trước đây bạt ngàn màu xanh, cây cối um tùm giờ đây trở nên xơ xác, tiêu điều, chỉ nghe tiếng kêu thống thiết từ rừng xanh đang chảy máu.

Giấc mộng đổi đời

Xuất phát từ trung tâm xã Xuân Lẹ (huyện Thường Xuân – Thanh Hóa), chúng tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ để đánh vật với những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lúc thì vượt dốc cao chót vót, khi lội suối, lúc đu dây. Bên cạnh đó, vắt rừng đang đói máu cũng là nỗi ám ảnh đối với những người đi rừng.

Men theo các con đường mòn được lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, chúng tôi tiến vào các ngã rừng đang có nạn đá tặc hoành hành tại đây. Dọc hai bên các lối mòn là những hố sâu bị đá tặc đào bới tung tóe. Cuối cùng chúng cũng đến được thác Trai Gái, nơi được coi là địa đầu cho cuộc tìm kiếm đá xanh.

Những vết tích của một thời cơn lốc đá xanh tràn qua vẫn còn đó. Hàng trăm người tứ phương đổ về Xuân Lẹ đem theo đó là ước vọng đổi đời từ đá xanh. Những cánh rừng nguyên sinh màu mỡ chỉ trong chốc lát đã tiêu điều, xơ xác vì hoạt động khai thác đá.

Những phu đá chắc hẳn còn nhớ như in vụ sập hầm đào đá xanh xảy ra vào ngày 8-2-2015, tại khu vực thuộc đồi Tỷ, xã Xuân Lẹ khiến 3 người tử vong. Sau đó, các ngành chức năng huyện Thường Xuân đã tổ chức cuộc truy quét, dẹp bỏ các lán trại đào đá quý. Mọi nỗ lực của chính quyền huyện Thường Xuân rồi cũng chỉ làm im ắng nạn đào đá xanh được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Cái chết, nguy hiểm luôn cận kề thế nhưng giấc mơ đổi đời vẫn được các phu đá đặt lên hàng đầu.

Đóng vai nhóm người đi tìm kiếm lan rừng, sau nửa ngày băng rừng, lội suối chúng tôi mới tiếp cận được “công trường” khai thác đá xanh. Trước mắt chúng tôi là một nhóm 5 người đang hì hục đào khoét tìm kiếm đá xanh. Thấy có người lạ, một người đàn ông đứng tuổi đứng lên bắt chuyện hỏi: Các chú đi đào khu vực mô đó? Chúng tôi đáp: Đang tìm kiếm khu vực đào anh ơi.Chúng tôi hỏi tiếp: đào được mấy ngày ở đây rồi anh? Người đàn ông đáp: 10 ngày rồi chú, nhưng chưa trúng được mánh nào cả.

Theo quan sát của chúng tôi tại “công trường” này thì có nhiều hố đang được đào với đủ mọi hình thức, từ đào theo phương thẳng đứng, lại có những mỏ đào kiểu hàm ếch, càng vào sâu diện tích càng hẹp dần như thắt cổ chai. Thế nên, khi hầm bị sập thì người bên trong dễ mắc kẹt dẫn đến ngạt khi rồi tử vong.

Sau một hồi bắt chuyện, phu đá C.B.T, trú tại Vạn Xuân, Thường Xuân kể cho chúng tôi nghe về nghề: “Chúng tôi là người Vạn Xuân lên đây khai thác đá xanh được gần 2 năm, hằng tháng chỉ về nhà một lần để lấy đồ ăn, thức uống, sản phẩm đá khai thác được chủ yếu bán cho người Nghệ An và dân Bái Thượng (Thọ Xuân). Ở cái chốn rừng thiêng nước độc này, việc tìm kiếm vận may cũng khác nhau lắm. “Trời thương thì chạm tay vào đất là hốt tiền tỷ, trời mà không thương thì bám ở đây có khi chết đói, cũng có khi cũng chỉ đủ ăn. Nhiều người giàu lên nhưng nhiều người cũng bỏ mạng tại đây. Bạc bẽo lắm các chú ạ”- anh T. tâm sự.

Mỗi đội lên đây khai thác đều đi theo anh em, họ hàng từ nhiều vùng địa phương trong và ngoài huyện Thường Xuân, Như Xuân, Nghệ An.... Công việc nặng nhọc phải đào rồi vận chuyển đất lên khỏi hầm nên đòi hỏi người có sức khỏe mới làm được. Trước khi đi, cả nhóm phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, quần áo cho cả chuyến đi.

Theo như quan sát, mỗi công trường khai thác đá xanh đang diễn ra thì cây cối nằm ngổn ngang, nguyên nhân được cho là phu đá đào lồng dưới gốc, khi gặp gió thì cây sẽ bị bung rễ. Vì vậy, có hàng chục cây nhỏ nằm đổ trộn lên nhau.

Nhiều cây gỗ được lâm tặc đốn hạ đang chờ để vận chuyển ra khỏi rừng

Lâm tặc và trách nhiệm của chính quyền

Suối làng Vèn được xem làm khởi nguồn của việc phá rừng. Theo quan sát của chúng tôi, dọc 2 bên bờ suối nhiều gỗ xẻ, gỗ tròn được giấu ở đây. Lâm tặc cũng rất tinh vi khi phủ cây rừng lên trên nhằm tránh bị phát hiện.

Sau hàng giờ đồng hồ vật lộn với các cung đường, chúng tôi cũng đã tiếp cận với những khu vực rừng bị phá. Ghi nhận thực tế cho thấy, bắt đầu từ địa phận thác Trai Gái đến khu vực thác Xà Pạc, địa điểm giáp ranh với xã Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An), tình trạng rừng bị phá vẫn diễn ra.

Hình thức phá rừng cũng được lâm tặc thay đổi, thay vì phá tập trung, ồ ạt tại một điểm như trước kia thì giờ lâm tặc chặt thành nhiều điểm lẻ. Sau khi cắt cây hạ xuống, chúng rút ra ngoài chờ động tĩnh của kiểm lâm, nếu thấy im ắng chúng lại quay vào vận chuyển gỗ ra. Thủ đoạn chúng thường dùng là cột gỗ vào ách trâu, phòng khi bị lực lượng chức năng phát hiện là lập tức tháo ách rồi cả người lẫn trâu chạy tuốt vào rừng, khi bị tịch thu thì số lâm sản trên lại trở thành vô chủ.

Trong địa phận khoảng 2km, hàng loạt cây to nhỏ các loại đã bị đốn hạ. Có những cây đã mục nát, có những cây một vòng tay người ôm không xuể dài đến hai chục mét. Những khu vực có người khai thác đá xanh thì cây cối nằm đổ ngổn ngang do bị đào dưới gốc dẫn đến bung rễ.

Trao đổi với ông Hoàng Trọng Lưu – Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ được biết: Tình trạng khai thác gỗ trái phép trước đây có xảy ra, đặc biệt là năm 2015. Đến khi thực hiện chính sách giao đất, khoán rừng thì tình trạng khai thác rừng đã được khắc phục triệt để. Về vấn đề khai thác đá quý, không chỉ người dân bản địa mà nhiều trường hợp khác từ xã Vạn Xuân (Thường Xuân), Bái Thượng (Thọ Xuân), huyện Như Xuân, tỉnh Nghệ An cũng tham gia, tuy nhiên việc này cơ bản đã chấm dứt từ năm 2014. Hiện nay trên địa bàn không có điểm nóng về rừng, nhân dân sinh hoạt, canh tác sản xuất ổn định.

Trong khuôn viên trụ sở xã Xuân Lẹ có rất nhiều gỗ xẻ xếp thành chồng lên nhau. Khi được hỏi, ông Lưu cho biết đây là gỗ tạp, không có giá trị về kinh tế. Thế nhưng sau khi chúng tôi đưa ra lập luận thuyết phục, vị chủ tịch lại quay sang nói: “Đây là gỗ vô chủ do các đối tượng lâm tặc bỏ lại, gồm tổng cộng 12 tấm, trong đó có 2 tấm gỗ sến, 3 tấm gỗ táu”.

Trước cách trở lời chắc nịch của vị chủ tịch xã Xuân Lẹ, chúng tôi đã đưa ra những hình ảnh, video mà chúng tôi đi thực tế cho vị này xem. Khi này vị chủ tịch xã lúng túng: “Tất nhiên vẫn còn xảy ra nhưng tình hình đã có nhiều chuyển biến”.

Trao đổi với ông Phạm Thăng Long – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân được ông cho biết: Hiện tôi đã cử đồng chí hạt phó xuống địa bàn để nắm bắt và giám sát công tác bảo vệ rừng. “Sau khi về đây nhận công tác, sau khi đi địa bàn nắm bắt tình hình, tôi cũng có nhận định rằng rừng tại khu vực xã Xuân Lẹ đang còn bất ổn”.

Giấc mộng đổi đời với đá quý chưa biết khi nào mới dừng lại, cánh rừng xanh bạt ngàn Xuân Lẹ đang ngày đêm kêu cứu không biết còn chống chọi được với lâm tặc, đá tặc đang ngày đêm hoành hành được bao lâu?

Bình luận (0)

Lên đầu trang