Tiêu hủy 60 tấn cá tồn kho có chất độc

Thứ Sáu, 26/08/2016 10:22  | Hoàng Quân

|

(CAO) UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt việc tiêu hủy 60 tấn hải sản tồn kho được thu mua trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt vào tháng 4 và tháng 5-2016.

Quảng Nam: Xác định nguyên nhân cá chết trắng ở hồ Phước Hà

Ngày 25-8, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, số hải sản tồn kho được các hộ gia đình thu mua này được cho là không an toàn, nhiễm độc. UBND tỉnh giao Sở TN&MT lập kế hoạch, lựa chọn địa điểm để tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lấp, sử dụng bạt lót đáy, rắc vôi bột và hóa chất chloraminB. Chi phí thực hiện tiêu hủy dự kiến gần 100 triệu đồng.

Hải sản bị tiêu hủy gồm sứa, cá nục, cá hố… ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Số hải sản này được thu mua vào thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, bị cơ quan chức năng niêm phong trong thời gian qua và không có khả năng tiêu thụ. Trong số đó, có 20 tấn hải sản đông lạnh ở cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc của bà Lê Thị Thuộc (trú khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).

Cá đông lạnh tồn kho tại cơ sở thu mua hải sản Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh)

Vào ngày 10-6-2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan kiểm tra số hải sản đang tồn kho ở các kho đông lạnh tại huyện Vĩnh Linh thì phát hiện có chất phenol tại kho Dũng Thuộc và một số cơ sở khác. Cá nhiễm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg. Theo ngành y tế, đây là chất cực độc, không được sử dụng trong thực phẩm. Hóa chất này chỉ được sử dụng trong công nghiệp tẩy rửa, nhuộm vải.

Cơ sở Dũng Thuộc còn tồn kho 70 tấn hải sản đông lạnh khác rất khó tiêu thụ. Ngoài ra còn gần 7 tấn cá đông lạnh khác ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) tồn kho, bị niêm phong và chưa được xử lý. Các cơ sở thu mua hải sản bị thiệt hại nặng, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vẫn chưa được hỗ trợ, trong khi đó họ phải tốn kém tiền điện để đảm bảo cho việc bảo quản. Các hộ dân đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ. Theo lãnh đạo tỉnh, việc kéo dài tình trạng bảo quản số hải sản không tiêu thụ được sẽ dẫn đến tăng chi phí và có thể gây hư hỏng.

Người dân luôn bị động vì không hề biết cá thu mua có nhiễm chất độc, không nắm quy chuẩn chung về chất phenol, các quy chuẩn về An toàn vệ sinh thực phẩm. Khi Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết hậu quả sự cố cá chết, các hộ thu mua hải sản nghiêm chỉnh chấp hành việc niêm phong và trình báo đầy đủ về nguồn gốc, thời điểm đánh bắt, khối lượng thu mua cá… để công tác kiểm tra, xác minh, kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng được chính xác, khách quan nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, quyền lợi doanh nghiệp và ngư dân. Tuy nhiên, thiệt hại trước mắt đã thấy rõ nhưng các hộ dân vẫn chưa được hỗ trợ xứng đáng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang