Chiếm dụng vỉa hè, chèo kéo nhậu đêm
Để chỉnh trang đô thị, nhiều năm nay, TPHCM tích cực ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, sau lệnh giãn cách xã hội, nhiều chủ cửa hàng, quán ăn, quán nhậu cho cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe kín mít nhiều đoạn vỉa hè. Cạnh đó, đường sá cũng bị chiếm dụng, làm nhếch nhác, mất mỹ quan. Dù Chính phủ tiếp tục yêu cầu cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó cấm tụ tập quá 30 người nơi công cộng, nhưng nhiều người lại có tâm lý "xả hơi", rủ nhau nhậu nhẹt tràn lan.
Quán nhậu mở lại nhan nhản sau lệnh bỏ giãn cách xã hội
Chiều tối, vừa đổ dốc cầu Bình Lợi, hướng Q.Thủ Đức đi Q.Gò Vấp, người lái xe máy thường xuyên bị cả chục nhân viên quán nhậu băng ra đường chèo kéo. Hai bên vỉa hè, hàng chục quán ăn, quán nhậu đã bày biện bàn ghế, đồ ăn, thức uống tự bao giờ. Hàng trăm mét vuông vỉa hè bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, kê bàn ghế, đặt dụng cụ nấu nướng. Xen lẫn với tiếng xe cộ rầm rập là tiếng cười nói ầm ĩ, tiếng cụng ly cùng tiếng "zdô! zdô!..." vang trời của các "sĩ tửu". Gần đó là tiếng nhạc xập xình của người bán hàng rong, kẹo kéo. Lúc cao hứng, nhiều "dân nhậu" đứng dậy nhảy nhót, uốn éo, hò hét ì xèo...
Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết, nhiều hôm chị đang điều khiển xe máy đổ dốc cầu Bình Lợi thì bất chợt bị những nhân viên trên băng ra đường dang tay chặn đầu xe, kì kèo. Họ xuất hiện đột ngột, liều lĩnh, làm chị bị giật mình trớ tay lái, có lúc bị té xe, trầy trụa. Khi từ chối, chị bị "tra tấn" bởi tiếng nói cười suồng sã, thậm chí cả những tiếng chửi thề tục tĩu.
Nhân viên, bảo vệ của quán tràn ra đường chèo kéo khách vào nhậu
Chẳng kém đường Phạm Văn Đồng, đường Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp) cũng có hàng chục nhà hàng, quán nhậu lớn, nhỏ hoạt động xôm tụ, nhân viên quán nhao nhao tràn ra đường chèo kéo khách. Thấy chúng tôi chạy xe máy chầm chậm, bảo vệ của một quán nhậu gần ngã tư Nguyễn Văn Lượng - Nguyễn Oanh vội lao ra chặn đầu xe, lôi kéo vào quán. Bảo vệ kiêm "cò" khách này quảng cáo, quán có đủ món nhậu, từ hấp, nướng, tái cho đến áp chảo, tươi sống; các món đặc sản đồng quê, rừng, biển... đều có đủ!
Để phục vụ các "đệ tử lưu linh", nhiều quán ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường để bày biện bàn ghế. Có lúc, họ còn để thùng bia, bể đựng hải sản tươi sống, bếp nướng và nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh khác trên lề đường, trông rất nhếch nhác. Nhiều quán còn tận dụng các hẻm "xương cá" hai bên đường lớn để giữ xe và bày biện bàn ghế.
Thường đi tập thể dục qua đường Nguyễn Văn Lượng, anh Lê Thanh Bình (ngụ Q.Gò Vấp) ngao ngán: "Dịch Covid-19 chưa được dập dứt điểm thì tình trạng ăn nhậu hai bên đường Nguyễn Văn Lượng lại bùng phát rầm rộ trở lại. Họ ngang nhiên chiếm dụng hết vỉa hè để bày biện bàn ghế, chén bát, thùng bia, sọt rác... Sau mỗi chầu nhậu, đồ ăn, thức uống, vỏ chai, lon bia nằm ngổn ngang, lăn lóc trên vỉa hè, bốc mùi tanh tưởi". Hàng trăm mét vuông vỉa hè nhiều tuyến đường khác trên địa bàn Q.Gò Vấp, như: Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Chiêu... cũng bị nhiều nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, shop bán giày dép, quần áo... chiếm dụng vô tội vạ, khách ăn nhậu đông nườm nượp.
Quán nhậu ở vỉa hè đông nghẹt người.
Sau khi lệnh nới lỏng giãn cách xã hội có hiệu lực, nhiều quán nhậu đêm tại "mũi tàu" Ba Tháng Hai - Lò Siêu - Hàn Hải Nguyên (Q11) hoạt động nhộn nhịp trở lại. Hàng trăm mét vuông vỉa hè được nhiều chủ quán bày biện bàn ghế từ trong nhà ra lề đường, choán hết lối đi. Để có khách, những quán này cho nhân viên tràn ra đường đứng lố nhố, chèo kéo khách. Phía mặt đường, nhiều tài xế ôtô trưng dụng làm nơi dừng, đỗ. Xe cộ để tràn xuống lòng lề đường, làm những đoạn đường nối vào ngã ba này bị ùn ứ thường xuyên. Mùi bia rượu, thức ăn thừa và mùi rác thải, nước thải, cống xộc lên nồng nặc. Cách đó không xa, cả trăm mét vuông vỉa hè một số tuyến đường, như: Nguyễn Chí Thanh, Tạ Uyên, Nguyễn Tri Phương... cũng bị nhiều quán nhậu chiếm dụng.
Sau lệnh giãn cách xa hội, "thủ phủ" ăn nhậu trên 2 tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa qua các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận tấp nập trở lại. Chạy xe chầm chậm trên 2 tuyến đường này, chúng tôi được hàng chục nhân viên của các quán ăn, quán nhậu tràn xuống đường chặn lại, núi kéo vô quán. Trên vỉa hè xếp nhiều bàn ghế và người ngồi ăn nhậu, còn dưới lòng đường có hàng chục chiếc xe đẩy bán cá viên chiên, bắp xào, trứng gà nướng, khô mực... ken dày thành từng dãy. Những khu vực tập trung nhiều quán nhậu nhất trên 2 tuyến đường này phải kể đến là: khu vực Miếu Nổi, khu chung cư 18 tầng, khu vực giáp với đường xe lửa; quán sá hoạt động nhộn nhịp từ chiều tới khuya. Các quán dạng beerclub, pub cũng trong tình trạng kín bàn vào cao điểm từ 20 giờ đến 21 giờ.
Khảo sát các tuyến đường Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh (Q10), Nơ Trang Long, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn (Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp)..., nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng bày la liệt đủ loại hàng hóa, biển hiệu, bàn ghế lên vỉa hè. Xe cộ dựng ngổn ngang, choán hết lối đi bộ, không chỉ gây kẹt xe mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đáng lo ngại là sau khi uống bia, rượu xong, đa số dân nhậu vẫn tự lái xe về.
Từ đầu tháng 5-2020 đến nay, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đã xử lý hơn 488 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 281 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn so với thời gian liền kề. Trong nhiều lỗi như: không đi đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát; chuyển hướng không đúng quy định... thì lỗi vi phạm do sử dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ diễn ra khá nhiều. Do đó, để tránh bị phạt nặng và nguy cơ bị TNGT hoặc gây ra TNGT, người dân không nên chủ quan nhậu nhẹt quá chén.
Vi phạm giao thông tăng
Vừa qua, tại buổi làm việc về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020 trong lĩnh vực giao thông, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, năm nay phải xem lại cách quản lý lòng đường, vỉa hè, tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm. Sau lệnh giãn cách xã hội, bên cạnh tình trạng người kinh doanh ra sức lấn chiếm vỉa hè, chợ "cóc", chợ "chồm hổm" tái họp bát nháo, số người ăn nhậu say xỉn tái vi phạm luật giao thông có dấu hiệu tăng trở lại.
Sau khi "chén tạc, chén thù" tại một quán nhậu vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Lượng, một nhóm khoảng chục thanh niên rủ nhau đi "tăng hai". Nhóm này không đội mũ bảo hiểm, khật khưỡng "tống ba, tống bốn" trên những xe gắn máy lao vun vút trên đường. Lúc cao hứng, có người nẹt pô, goằm máy ầm ĩ, làm những người đi đường khác hoảng hồn.
Vỉa hè bị "xẻ thịt" để kinh doanh quán nhậu
Chứng kiến nhiều "đệ lử lưu linh" phóng xe vun vút trên đường, ông Trần Văn Hòa (ngụ Q.Gò Vấp) ngao ngán: "Mặc dù xỉn "ngoắc cần câu", nhưng sau chầu nhậu, nhiều người vẫn lái xe máy trên đường. Không làm chủ được bản thân, họ cua quẹo, đánh võng, lạng bên này, lách bên kia, làm người khác hú vía. Có lúc họ va quẹt xe với xe khác hoặc tông vào dãy phân cách, bó vỉa hè..., té chổng vó. Nhẹ thì trầy xước, sứt đầu, mẻ trán, nặng thì gãy tay, chân, phải đi cấp cứu. Ham hố nhậu nhẹt kiểu đó thì sớm có ngày ra nghĩa địa!".
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, trong 4 ngày dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, cả nước xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 79 người chết, 76 người bị thương; tăng 18 vụ, giảm 2 người chết và 2 người bị thương so với dịp nghỉ lễ này năm trước. Nguyên nhân do một bộ phận người tham gia giao thông có tâm lý "xả hơi" trong dịp nghỉ lễ.
Từ ngày 15-5 đến 16-6-2020, lực lượng CSGT toàn quốc tổng kiểm soát, kiểm tra giấy tờ tất cả các phương tiện lưu thông trên đường, sau thời gian giãn cách xã hội. Tối 15-5, các Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM tất bật tuần tra kiểm soát giao thông tại các giao lộ, cửa ngõ ra vào thành phố. Từ 22 giờ cùng ngày, Đội CSGT Tân Sơn Nhất triển khai chốt chặn, kiểm soát nhiều xe qua lại ngã tư Phú Nhuận. Chỉ trong 30 phút, đơn vị kiểm tra hàng chục trường hợp, phát hiện và lập biên bản các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không mang theo giấy tờ xe... Bên cạnh xe máy, CSGT sẽ tổng kiểm soát xe khách, xe container, ôtô..., đồng thời phối hợp chặt với Tổ 363 xử lý triệt để các hành vi vi phạm khác.
Một cán bộ CSGT cho biết, thời điểm Nghị định 100 vừa có hiệu lực, lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát cả buổi tối có khi không phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm nào. Thế nhưng hiện nay, trong một ca 4 tiếng xử lý tới 10 - 15 trường hợp.