(CAO) Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bãi đỗ xe ngầm, cao tầng hiện đang gặp khó khăn là quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn rất chậm.
Thời gian qua, TPHCM đã quy hoạch một số bãi đỗ xe ngầm nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong khu vực trung tâm như Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa thể triển khai.
Công viên Lê Văn tám - nơi được quy hoạch dự án bãi đậu xe ngầm. Ảnh: MXH
Hiện nay, Dự án xây dựng và khai thác tầng ngầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám đang được nhà đầu tư tổ chức thẩm tra thiết kế kỹ thuật công trình; với Dự án bãi đỗ xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng, nhà đầu tư đang điều chỉnh và hoàn thiện thiết kế cơ sở.
Trong khi các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại khu vực sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn và Công viên 23 Tháng 9, mới ở giai đoạn nhà đầu tư lập đề xuất dự án.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP, một trong những khó khăn là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bãi đỗ xe ngầm, cao tầng có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn. Tuy nhiên, nguồn doanh thu chủ yếu từ phí dịch vụ trông giữ xe, mặc dù đã có tính toán một phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại, tỷ suất lợi nhuận của dự án không cao, thời gian hoàn vốn của dự án kéo dài.
Tham khảo số liệu dự án Bãi đỗ xe Công viên Lê Văn Tám thời gian hoàn vốn của dự án là 31 năm; Bãi đỗ xe ngầm sân bóng đá Công viên văn hóa Tao Đoàn thời gian hoàn vốn dự án là 46 năm… do đó không hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư thực hiện.
Bên cạnh đó, mảng dịch vụ văn phòng cho thuê khu vực trung tâm thành phố hiện nay đang trong giai đoạn bão hòa, ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi vốn, phương án tài chính của dự án.
Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy; định mức chi phí đầu tư xây dựng cho công trình ngầm; xác định đơn giá đất thuê (ngầm) chưa có quy định cụ thể cho từng công trình, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Các vị trí quy hoạch bãi đỗ xe ngầm được bố trí lồng ghép trong các khu vực công viên, sân vận động có chức năng công viên cây xanh, thể dục thể thao… nên chỉ tiêu quy hoạch, mật độ xây dựng trên mặt đất thấp, không bố trí kinh doanh thương mại dịch vụ làm cho phương án tài chính, dự án không khả thi.
Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành một số bãi đậu, đỗ xe như nhà đậu xe cao tầng tại 121-139 đường Cô Giang (quận 1) do Tổng công ty Samco làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng tháng 5/2014 với sức chứa 500 xe ôtô, 1.500 xe gắn máy hai bánh. Bãi đậu xe cao tầng tại số 71 đường Chế Lan Viên (Tân Phú) có sức chứa 1.400 xe ôtô, 1.400 xe gắn máy hai bánh, đưa vào sử dụng tháng 4/2013.
Theo Sở Giao thông Vận tải, đa số các bãi đậu, đỗ xe công cộng theo quy hoạch đang được nghiên cứu đầu tư đều tận dụng quỹ đất hiện có của chính doanh nghiệp (như Bãi đậu xe ở Tân Phú và Bãi đậu xe số 121-139 Cô Giang) hoặc tận dụng không gian ngầm các công viên, trung tâm thương mại, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí… để xây dựng bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng. Nguyên nhân là các vị trí này có đặc điểm không phải ứng trước khoản kinh phí để thực hiện thu hồi và bối thường giải phóng mặt bằng.
Để tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án, Sở Giao thông Vận tải đề xuất cần có chính sách miễn tiền thuê đất đối với các công trình là bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng, diện tích đất được miễn được xác định bởi tỉ lệ giữa số tầng cung ứng chỗ đậu xe công cộng và tổng số tầng xây dựng so với diện tích khu đất.