Nạn phân lô, xây nhà trái phép ở TPHCM: Phải xử nghiêm "đầu nậu"

Thứ Tư, 20/05/2020 17:36  | Quang Hà

|

(CATP) Thời gian qua, tại TPHCM, nhiều trường hợp phân lô đất nông nghiệp, xây nhà rồi chuyển nhượng trái phép liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện. Các "đầu nậu" thường tổ chức san lấp đất nông nghiệp rồi mới tiến hành phân lô, bán nền.

Để xử lý một cách hiệu quả, cơ quan chức năng cần ngăn chặn "đầu nậu" ngay từ khâu san lấp mặt bằng, không thể để kéo dài đến khi phát hiện hậu quả và xử phạt như hiện nay. Đồng thời, phải có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm hoặc "bảo kê" cho sai phạm.

Nhiều dự án bị vướng vì "đầu nậu"

Tại TPHCM, tình trạng phân lô đất nông nghiệp, xây nhà và chuyển nhượng nhà trái phép tới nay vẫn chưa thực sự "hạ nhiệt". Từ trước và sau ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật Xây dựng năm 2003 có hiệu lực), trên địa bàn thành phố có hàng trăm ngàn căn nhà xây dựng không phép, sai phép. Để chấn chỉnh tình trạng trên, những năm gần đây, thành phố liên tục có các quyết định nhằm hạn chế tình trạng phân lô, bán nền trái phép.

Đơn cử Quyết định số 60/2017/ QĐ-UBND thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND của UBNDTP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, về chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền tràn lan. Song Quyết định 60 vẫn có kẽ hở, bị giới đầu cơ lợi dụng, làm tình hình phân lô, tách thửa tại một số quận vùng ven và các huyện có chiều hướng gia tăng. Theo Quyết định 33, khi tách thửa, lô đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên phải lập dự án, nhưng Quyết định 60 không quy định bắt buộc điều này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát tình hình xây dựng nhà trái phép tại H.Bình Chánh

Sau khi Quyết định 60 có hiệu lực, giới "đầu nậu" nắm được kẽ hở của Quyết định 60 và lùng sục, tìm những khu đất có diện tích 2.000m2 để phân lô, bán nền, nhất là tại các quận, huyện: 9, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè... Nhiều khách hàng mua đất nền của các "đầu nậu", doanh nghiệp bất động sản trong thời gian Quyết định 60 có hiệu lực, bị vướng nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý.

Như nhóm khách hàng của Công ty Thiên Ân Phát tại các dự án: Bưng Ông Thoàn 2, Nguyễn Xiển 1, 2, 3 (Q9)..., sau khi giao tiền cho chủ đầu tư, họ bị chủ đầu tư tìm nhiều cách né tránh, hứa hẹn, cam kết để kéo dài thời gian, không giao đất, nhưng không trả lại tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng, dẫn đến tình trạng khách hàng gửi đơn tố cáo khắp nơi.

Về tình trạng bát nháo của các dự án "ảo", UBND các quận, huyện: 12, Hóc Môn... đã ra thông báo cảnh báo tình hình vi phạm trong hoạt động xây dựng, san lấp, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đính ghi trên "sổ đỏ" để phân lô, bán đất "ảo" tại những khu đất trên địa bàn. Như thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62 được UBND Q12 cấp "sổ đỏ" sử dụng vào mục đích làm phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật và nghiên cứu khoa học, được nhà nước cho thuê, trả tiền thuê đất hằng năm. Tuy nhiên, sau đó thửa đất này bị một số đối tượng tự ý phân lô, rao bán đất nền.

Hình ảnh về xây dựng trái phép tại H.Bình Chánh và các quận, huyện vùng ven TPHCM

Trường hợp khác, theo phản ánh của một số người dân, Công ty cổ phần King Home Land (địa chỉ tại Khu dân cư Cityland Center Hills, P7, Q.Gò Vấp) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, công ty này ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất Dự án King Home 2 thuộc thửa đất số 592, tờ bản đồ số 58 (địa chỉ số 752/38, KP5, P.Thạnh Xuân, Q12). Qua rà soát, UBND P.Thạnh Xuân nhận thấy, tại thửa đất số 592 chưa được giải quyết tách thửa hoặc lập dự án nhà ở nào do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, địa phương này khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cuối tháng 4-2020, TPHCM đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện tham mưu để thành phố điều chỉnh Quyết định 60 cho phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn.

Thanh tra xây dựng: chuyển lên rồi… chuyển xuống?

Để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, TPHCM từng tổ chức thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) quận, huyện và phường, xã, thị trấn (theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), với lực lượng nòng cốt là các thành viên tổ, Đội Quản lý trật tự đô thị (thành lập từ năm 2001). Thời điểm đó, lực lượng TTXD tại các quận, huyện hoạt động gắn liền với lực lượng quản lý về xây dựng, như: địa chính ở phường, xã, thị trấn, trật tự đô thị ở quận, huyện và TTXD ở Sở Xây dựng.

Tuy nhiên, trong thời gian dài, vai trò của lực lượng TTXD không phát huy được, dẫn tới hiệu quả về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng chưa cao, mà còn phát sinh nhiều tiêu cực, nên sau đó lực lượng này được chuyển từ quận, huyện về Sở Xây dựng từ năm 2013. Hiện nay, đang có ý kiến điều chuyển TTXD về lại quận, huyện, nhưng chưa biết việc điều chuyển sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, hay chỉ là... "bình mới, rượu cũ"?

Trên thực tế, việc Sở Xây dựng duy trì hay điều chuyển lực lượng TTXD về quận, huyện cũng khó có thể tác động đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng. Mặc dù duy trì 24 Đội TTXD, nhưng trong hai năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố vẫn có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm: hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép; hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.

Ở những khu vực vùng ven, như: các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), xã Bình Mỹ (H.Củ Chi), xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn), các phường Phú Hữu, Phước Long B (Q9), phường Linh Trung, Tam Phú (Q.Thủ Đức)..., có tình trạng xây dựng trái phép thành từng khu, với hàng chục công trình. Bình quân số vụ vi phạm về xây dựng cụ thể như sau: năm 2017 là 7,8 vụ/ ngày, năm 2018 là 6,6 vụ/ngày, 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ ngày, từ đầu năm 2020 tới nay là 2 vụ/ngày.

Hình ảnh về xây dựng trái phép tại H.Bình Chánh và các quận, huyện vùng ven TPHCM

Có dấu hiệu bao che

Trong quá trình thanh tra, lực lượng Thanh tra Q12 từng phát hiện một số hạn chế, thiếu sót của Phòng Quản lý đô thị Q12 và UBND P.Đông Hưng Thuận đối với công trình tại thửa đất số 733, tờ bản đồ số 05 (P.Đông Hưng Thuận). Thanh tra quận nhận định, tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn P.Thạnh Xuân cũng diễn biến rất phức tạp, với nhiều dạng vi phạm, như: công trình xây dựng phân căn, trổ thêm cửa, tăng thêm cầu thang so với giấy phép xây dựng (GPXD), xây dựng tăng hoặc giảm diện tích công trình so với GPXD, hợp khối các công trình xây dựng theo các GPXD được cấp trên các thửa đất liền kề...

Theo Thanh tra Q12, nhiều chủ đầu tư trên địa bàn P.Thạnh Xuân tổ chức thi công xây dựng công trình sai GPXD được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới, với quy mô lớn, đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính nhiều lần mà vẫn tái phạm. Cạnh đó, công tác quản lý trật tự xây dựng của Đội Thanh tra địa bàn Q12 (Thanh tra Sở Xây dựng) trên địa bàn P.Thạnh Xuân thực hiện không đúng quy định, có dấu hiệu bao che, buông lỏng quản lý, dẫn đến việc chậm phát hiện và xử lý vi phạm, không ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm đối với các chủ đầu tư, hậu quả khó khắc phục.

Với vai trò quản lý ở địa phương, UBND P.Thạnh Xuân cũng có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, như: hồ sơ xử lý vi phạm xây dựng không phép làm không đúng về trình tự, thủ tục; chậm cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm không phép; không chuyển biên bản vi phạm hành chính xây dựng không phép đến cơ quan có thẩm quyền để xử phạt kịp thời, gây thất thu ngân sách Nhà nước... Dẫn đến tỷ lệ công trình vi phạm xây dựng sai phép được phát hiện và kiến nghị xử lý rất thấp. Việc này dẫn đến chậm hoặc không có hồ sơ xử lý, phức tạp trong công tác khắc phục hậu quả. QUANG HÀ

Ngày 17-5-2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch UBNDTP Võ Văn Hoan cùng lãnh đạo các sở, ngành, Công an TP, UBND H.Bình Chánh... có buổi thị sát thực tế tình trạng xây dựng nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh).

Tại thực địa, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo xử lý tận gốc vấn đề, trong đó có những người được cấp quyền sử dụng đất rồi phân lô bán, bởi những người này đã vi phạm pháp luật về sử dụng đất. Ông Nhân còn yêu cầu xử lý nghiêm "đầu nậu", "cò" đất, nhà thầu xây dựng và đặc biệt là những người "bảo kê" cho xây dựng không phép, trái phép. Bí thư nhấn mạnh: "Tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã tồn tại quá lâu ở H.Bình Chánh. Nếu để tình trạng này kéo dài, chính quyền "mất" cán bộ, người dân lại "mất" tiền".

Tại buổi làm việc, báo cáo lãnh đạo Thành ủy TPHCM, đại diện H.Bình Chánh cho biết, hiện trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A có nhiều "đầu nậu" đất nông nghiệp ngang nhiên, lộng hành; thậm chí khi nhà trái phép bị cưỡng chế, một số đối tượng còn tấn công lực lượng thi hành công vụ. Theo thông tin từ Công an TP, đối với 38 "đầu nậu" đất có trong danh sách, Công an TP đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt xử lý, kể cả cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Có thể xử lý hình sự về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa - nhận hối lộ, vi phạm quy định về xây dựng, quản lý đất đai...

Bình luận (0)

Lên đầu trang