TPHCM: Những tuyến đường, dòng kênh bao giờ hết rác?

Thứ Ba, 19/05/2020 16:01  | Nam Anh

|

(CATP) Ngày 17-5-2020, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức "Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và tổng vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh năm 2020" trên toàn thành phố. Sau những lần ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch đẹp, ý thức người dân được nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng kênh rạch và nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm vẫn còn tồn đọng rác. Nguyên nhân không chỉ vì ý thức của một bộ phận người dân còn kém khi xả rác ra môi trường, mà có nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải, cũng như khó khăn trong việc phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm.

Rác thải từ chợ nổi trên kênh

Người dân mỗi lần có việc đi trên đường Trần Xuân Soạn (Q7), sẽ thấy xuất hiện "chợ nổi" trên kênh. Chợ này do những người nhập cư đến từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long... kéo dài từ cầu Tân Thuận đến cầu kênh Tẻ khoảng 1,5km. Hàng trăm ghe đậu san sát nhau cập bờ Trần Xuân Soạn, buôn bán đủ loại trái cây. Đứng trên cầu Tân Thuận nhìn xuống, dòng kênh Tẻ với hàng trăm ghe đậu gần kín mặt kênh, trông rất nhếch nhác. Do người bán sống trên ghe nên hàng ngày họ thải lượng lớn rác và xú uế thẳng xuống dòng kênh, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ghe buôn bán trên dòng kênh Tẻ góp phần làm ô nhiễm môi trường

Những ngày trung tuần tháng 5-2020, phóng viên ghi nhận tại đường Trần Xuân Soạn, dòng kênh Tẻ đoạn từ cầu Tân Thuận kéo dài đến cầu Chữ Y (Q8) cũng tràn ngập rác. Không chỉ rác thải của những người dân buôn bán trên kênh, mà rác thải sinh hoạt của những hộ dân sinh sống dọc đường Trần Xuân Soạn hàng ngày cũng bị vứt ra kênh. Bịch nylon, chai nhựa, thùng xốp, bao tải chứa xác động vật chết... nổi lềnh bềnh khắp mặt kênh. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh nồng nặc.

Rác ngập ngụa trên kênh Tẻ

Một người sống tại đường Trần Xuân Soạn cho biết, nhiều hộ dân trong khu vực này vô ý thức, vẫn xả rác xuống kênh thay vì hợp tác với phía thu gom rác. Từ rác sinh hoạt, cây cối, thậm chí bàn ghế hư hỏng cũng được mang ra kênh vứt bỏ. Rác từ thượng nguồn theo dòng nước chảy về, mang theo lượng rác lớn. Cộng với số rác từ các cống ngầm tích tụ lâu ngày, sau mưa lớn cũng bị dòng nước cuốn ra kênh, dẫn đến phía hạ lưu ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiền (ngụ địa phương) cho biết, từ nhiều năm nay, tình trạng rác thải ngập hai bên vệ đường Trân Xuân Soạn và dòng kênh Đôi - Kênh Tẻ thuộc địa bàn hai quận 7, 8 đang đáng báo động, nhất là mức độ ô nhiễm trên kênh Đôi, kênh Tẻ. Người dân rất bất an vì môi trường ngày một ô nhiễm nặng hơn, khi một lượng lớn rác thải tích ngày một nhiều. Rác vứt xuống kênh làm nguồn nước bị ô nhiễm, cá chết nổi lên mặt nước. Đi dọc đường Trần Xuân Soạn tiếp giáp đường Phạm Thế Hiển (Q8), đâu đâu cũng thấy bịch nylon, thùng xốp, quần áo cũ, rác hữu cơ... được người dân mang ra vứt ở bờ kênh. Khi thủy triều lên cao, những thứ rác này trôi ra giữa dòng, nổi lềnh bềnh.

Rác ngập ngụa trên kênh Tẻ

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Xuyến (ngụ khu Cư xá Ngân hàng, Q7) nói: "Lâu nay, người dân có thói quen vứt rác ra bờ kênh Tẻ. Cứ chỗ nào có bãi đất trống là họ đem rác ra vứt. Đặc biệt, từ khi chính quyền các quận 4, 7, 8 ra quân dọn dẹp những khu nhà "ổ chuột" dọc hai bên bờ kênh, lộ ra những bãi đất trống thì lại bị biến thành bãi tập kết rác gây ô nhiễm. Trên các đường Trần Xuân Soạn, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Thuyết... xuất hiện những bãi rác khổng lồ. Vào những ngày nắng nóng, khu vực này bốc lên mùi đặc trưng bởi dòng kênh ô nhiễm. Khi thủy triều xuống thấp, mùi hôi thối cũng nồng nặc vô cùng".

Theo Sở TNMT TPHCM, mỗi năm, lượng rác do người dân thải ra môi trường tăng từ 10 - 15%/năm. Ước tính, mỗi ngày người dân thành phố thải ra môi trường gần 10.000 tấn rác. Đây là lượng rác đã được đưa về các nhà máy để xử lý.

Ngoài ra, thành phố còn có lượng rác phát sinh do bị người dân lén đổ ra môi trường. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, lượng chất thải trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng nhanh. Nguyên nhân do dân số đông, với hơn 10 triệu người. Mỗi năm, thành phố còn phát sinh từ nguồn dân số tự nhiên và còn tiếp nhận thêm 200 nghìn người từ các tỉnh, thành, quốc gia khác đến làm ăn, sinh sống. Theo đó, nguồn rác thải sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Người dân đi qua, rác ở lại

Tương tự, đại lộ Nguyễn Văn Linh được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố, hai bên cũng tràn ngập rác. Đường này đã được UBNDTP quy hoạch thành tuyến Metro Bến Thành - Nam Sài Gòn chạy giữa mặt đường rộng tới 70m. Do dự án chưa được triển khai nên khu đất trống ở giữa chạy song song với tuyến đường được tận dụng trồng nhiều cây xanh rợp bóng. Do đây là tuyến đường đẹp, người dân mỗi khi có dịp đi ngang qua thường dừng lại để hóng mát. Nhiều người còn hẹn nhau đến đây để vui chơi.

Tuy nhiên, do một số người thiếu ý thức, mỗi khi tụ tập lại đem theo trái cây, thức ăn, chai nước để ăn uống rồi vất rác ven đường. Lượng rác thải ngày càng nhiều. Đoạn đường Nguyễn Văn Linh chạy qua khu Nam Sài Gòn được công nhân vệ sinh môi trường của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đảm nhiệm, nên khu vực này khang trang, sạch đẹp. Còn đoạn từ Trường Đại học RMIT (P.Tân Phong, Q7) hướng về H.Bình Chánh dài khoảng 12km, vệ đường rất nhếch nhác. Có cả tình trạng người dân từ nơi khác chở rác ra đây, chất thành đống, bất kể ngày đêm.

Rác thải bị người dân "tuồn" ra đường Nguyễn Văn Linh

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ khu Nam Sài Gòn) bức xúc: "Có hôm, tôi còn chứng kiến hơn chục thanh niên kéo nhau ra đây tổ chức ăn nhậu rồi xả rác ra đường. Đang vào mùa mưa, nếu số rác này không được xử lý kịp thời, gặp mưa thì nước rỉ từ những bãi rác chảy xuống hệ thống ao tù, kênh rạch, sẽ gây ô nhiễm lâu dài".

Chạy dọc tuyến đường, chúng tôi ghi nhận trung bình khoảng 300m là có một bãi rác tự phát. Dù chính quyền nhiều lần ra quân dọn dẹp các bãi rác này, nhưng sau một thời gian ngắn thì tình trạng đổ trộm rác lại tái diễn. Theo chị Hương, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém. "Đường Nguyễn Văn Linh đẹp là thế, nhưng nay những hàng cây lại trở thành những đống rác tự phát, mà chẳng thấy công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom. Rác tích tụ lâu ngày, bốc mùi hôi thối, không chịu nổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh, mà còn mất mỹ quan đô thị" - Chị Hương chia sẻ.

Tại những khu dân cư như: Đồng Diều, Phong Phú, Chánh Hưng..., có những lô đất trống cũng bị biến thành nơi tập kết đủ thứ rác. Để giải quyết một phần rác này, một số hộ dân kinh doanh trên lề đường chủ động gom thành từng đống nhỏ và đốt, tạo ra những vệt cháy nham nhở.

Biển báo vô hiệu.

Theo chị Nguyễn Thị Hà (bán quầy nước trên đường Nguyễn Văn Linh), do quãng đường từ Q7 đến H.Bình Chánh còn thưa dân sinh sống, theo đó nhiều người dân ở nơi khác cũng mang rác ra đây đổ. Ít thì vài món đồ, nhiều thì cả bao lớn, có khi gà, vịt chết cũng đem ra tuyến đường này vứt bỏ. Riết rồi tuyến đường Nguyễn Văn Linh có rất nhiều bãi rác lộ thiên. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng tình trạng trên vẫn không giảm.

Trong một cuộc họp của HĐND TPHCM gần cuối năm 2019, liên quan đến việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Văn Thạch cho biết, năm 2019, toàn thành phố đã xử phạt hơn 4.600 trường hợp vi phạm về môi trường, với số tiền phạt hơn 46,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt còn khó khăn do hạn chế về lực lượng xử phạt, chưa có cơ chế "phạt nguội" và chưa cho công khai các trường hợp xử lý.

Sở TNMT đã đề xuất giải pháp cho phép các cơ quan, địa phương được sử dụng hình ảnh trích từ camera an ninh để phát hiện hành vi xả rác bừa bãi; ban hành quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đổ, bỏ rác, chất thải xây dựng không đúng quy định. Sở cũng xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin, do người dân cung cấp hành vi vi phạm...

Bình luận (0)

Lên đầu trang