Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ

Thứ Năm, 08/06/2023 21:58

|

(CAO) Từ năm 2018 đến nay, TPHCM chưa có trường hợp được thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đến làm việc.

Đây là thông tin được nêu lên tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua, do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức vào chiều 18-6.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 

Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Long - Phó phòng Công chức Viên chức (Sở Nội vụ) cho biết, từ năm 2018 đến nay, Thành phố chưa có trường hợp được thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Điều này, xuất phát bởi một số nguyên nhân như các đối tượng thu hút, tuyển dụng theo Nghị định số 140 là những trường hợp có trình độ, kết quả học tập xuất sắc và số lượng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được thu hút là rất ít. Vì vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn được các trường hợp này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, đồng thời tỉ lệ được thu hút không cao.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140 là những cá nhân có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc, có rất nhiều cơ hội nhận được học bổng đế học tập nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước nên thường ưu tiên tập trung học tập, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, chưa quan tâm nhiều đến thông tin tuyển dụng và làm việc cho các cơ quan, đơn vị thuộc TP.

Đồng thời, đây là nhóm đối tượng thường được các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tìm kiếm và mời gọi về làm việc với mức thu nhập rất hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Do đó, các cơ quan, đơn vị thuộc TP hiện nay rất khó khăn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và giữ chân được đội ngũ này do các quy định pháp luật về chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức thấp hơn nhiều so với các đơn vị ngoài khu vực công.

Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị thuộc TP chưa có nhu cầu thu hút do còn e ngại về nguồn tuyển dụng còn hạn chế. Đồng thời do cơ chế, chính sách về tiền lương và thu nhập cũng như môi trường làm việc của khu vực công chưa đủ sức hấp dẫn nên khó giữ chân được đội ngũ này.

Ông Nguyễn Sỹ Long - Phó phòng Công chức Viên chức (Sở Nội vụ) thông tin tại buổi họp báo

Để tạo bước chuyển biến tích cực trong thu hút nhân lực chất lượng cao, ông Nguyễn Sỹ Long cho biết Sở Nội vụ đang triển khai cho các cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023. Dự kiến trình UBND TP ban hành Kế hoạch tuyển chọn vào tháng 6 năm 2023 và thực hiện quy trình tuyển chọn vào Quý III năm 2023.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả thu hút và giữ chân nhân tài khi Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, Sở Nội vụ cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng sinh viên xuất sắc, người có trình độ cao để trình HĐND TP xem xét, ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.

Vì sao phí giao dịch nhà đất tăng từ 1/6?

Liên quan đến việc tăng phí giao dịch nhà đất, Văn phòng Đăng ký đất đai TP cho biết kể từ 1/6/2023 bắt đầu áp dụng thu 2 loại phí theo mức mới, đó là phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND và phí thẩm định cấp giấy chứng nhận trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND của HĐND TP.

Các mức phí mới này đều thực hiện theo qui định của Bộ Tài chính tại Thông tư 85/2019/TT-BTC có hiệu lực từ năm 2020, tuy nhiên giai đoạn 2020-2021 tại TP.HCM chưa nâng mức thu do thực hiện theo chính sách của Bộ Tài chính để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bời dịch Covid-19. Đến năm 2022, ngành Tài nguyên và Môi trường bắt đầu xây dựng đề án thu theo qui định của Bộ Tài chính và được HĐND Thành phố thông qua ngày 18/4/2023, qui định hiệu lực áp dụng từ 1/6/2023.

Phí giao dịch nhà đất tăng từ ngày 1/6/2023

Về phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất : Mức thu từ 1/6/2023 tăng 20 lần so với trước đây (dao động khoảng 1 triệu đồng/lần, trong khi trước đây là 80 ngàn/thế chấp, 20.000 đồng/xóa), nguyên nhân là mức thu trước 1/6/2023 thực hiện theo qui định cũ của Bộ Tài chính là áp theo mức trần của hoạt động thế chấp động sản, chưa phân biệt 2 hoạt động đăng ký động sản và đăng ký bất động sản. Bộ Tài chính đã sửa đổi điểm bất cập này, qui định mức thu của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bất động sản tính theo đúng chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường qui định, do đó mức thu tăng lên để bảo đảm chi phí này.

Về phí thẩm định thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Trước 1/6/2023, mức thu cũng thực hiện theo qui định trước 2019 của Bộ Tài chính là chỉ thu phí cho trường hợp chuyển nhượng (mua bán) loại hình này chỉ chiếm 40% khối lượng đăng ký đất đai. Kể từ 1/6/2023, phí thẩm định thực hiện theo qui định mới của Bộ Tài chính là áp dụng cho tất các các loại hình đăng ký đất đai gồm cấp mới, cấp lại, cấp đổi và tất cả các loại biến động gồm chuyển nhượng, chuyển đổi, chuyển quyền ... Mức thu phí thẩm định cũng được xây dựng theo động chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường qui định cho hoạt động đăng ký. Mức thu mới có tăng so với mức thu chuyển nhượng cũ từ 29%-40% do tính đến chi phí số hóa và lưu trữ hồ sơ đất đai.

“Với việc điều chỉnh thu mức thu theo đúng nguyên tắc bù chi phí cơ bản của hoạt động theo qui định chi phí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP có điều kiện bảo đảm cung ứng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức sử dụng, đồng thời tăng cường đảm bảo thực hiện công tác số hóa lưu trữ hồ sơ địa chính theo đúng qui định của Bộ tài nguyên và Môi trường nhằm nâng cao hiệu qủa quản lý đất đai trên địa bàn TP”, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TP cho biết.

Khẩn trương cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Liên quan đến nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam thông tin, TP đang sử dụng 2 loại thuốc là Immunoglobulin và Phenobarbital (truyền tĩnh mạch). Sau khi ghi nhận tình trạng thiếu thuốc của các đơn vị, Sở đã có công văn báo cáo Cục Quản lý Dược, đề nghị hỗ trợ tìm nguồn cung cấp.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam thông tin tại họp báo

Ngày 5/6, Cục đã có công văn hướng dẫn về nguồn cung ứng của hai loại thuốc này. Cụ thể, thuốc Immunoglobulin hiện còn 2.344 hộp loại 250ml, 215 hộp loại 50ml. Số lượng còn tồn kho tại các bệnh viện TPHCM là 1.371 lọ. Dự kiến nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml vào giữa tháng 8/2023, 56.000 lọ thuốc dạng khác sẽ được cung ứng vào cuối tháng 7. Đối với thuốc Phenobarbital, theo báo cáo của công ty, dự kiến vào tháng 7, 21.000 ống thuốc sẽ được vận chuyển đến Việt Nam.

“Sở đã đề nghị các đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp thực tế, đảm bảo sẵn sàng thuốc cung ứng, đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Các bệnh viện cũng cần chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để đặt hàng, mua sắm, dự trữ thuốc”, ông Nam cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang