(CAO) Các tình nguyện viên sẽ bắt đầu tham gia việc hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19.
Ngày 20/7, gần 700 người có đạo tại TPHCM tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 đã sẵn sàng lên đường.
Đây là hoạt động do Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo và Sở Y tế TPHCM phối hợp tổ chức, phát động. Những người này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo, Công giáo và Tin lành xung phong tham gia thiện nguyện đã trải qua khóa tập huấn và làm bài kiểm tra trực tuyến do Sở Y tế TPHCM tổ chức, về kỹ năng an toàn, biện pháp 5K và những kiến thức căn bản trong việc phòng ngừa COVID-19...
Một số nữ tu Công giáo hỗ trợ đăng ký tiêm vắc xin tại quận 11, TPHCM. Ảnh: TTXVN
Dự kiến ngày 22/7, các tình nguyện viên đủ tiêu chuẩn sẽ bắt đầu tham gia việc hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19.
Theo các đơn vị tổ chức, những tình nguyện viên được lựa chọn đều có sức khỏe tôt, ở độ tuổi từ 18-40, cư trú tại TPHCM, một số có kiến thức y khoa và kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Các tình nguyện viên đăng ký tham gia hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch trong thời gian 1 tháng hoặc 2 tháng và cam kết thực hiện cách ly 21 ngày tại nhà sau khi kết thúc đợt tình nguyện...
Được biết, ngay sau khi có lời kêu gọi tham gia phong trào, chỉ trong 5 ngày đầu tiên đã có hơn 1.000 chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận đăng ký tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch tại TPHCM. Tuy nhiên, do những quy định liên quan đến độ tuổi, yêu cầu về sức khỏe và nơi cư ngụ, nên chỉ khoảng 700 người được tuyển chọn.
Hoạt động tình nguyện của đồng bào có đạo tại TPHCM hỗ trợ tuyến đầu chống dịch không chỉ có ý nghĩa xã hội, củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong những lúc khó khăn mà còn thiết thực góp phần hỗ trợ giải quyết áp lực đối với lực lượng nơi tuyến đầu, chống dịch, động viên nhân dân nỗ lực vượt qua những khó khăn với mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống tại thành phố sớm trở lại bình thường.