(CATP) Ngày 19-7, Công an TP.Thủ Đức, TPHCM cho biết, từ ngày 9-7 đến 17-7 đơn vị đã xử lý 219 trường hợp ra ngoài không cần thiết, 23 trường hợp không đeo khẩu trang, 1 trường hợp không thực hiện áp dụng biện pháp cấm kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 492 triệu đồng.
Vừa chống dịch vừa đảm bảo an ninh trật tự
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức về siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch, lực lượng Công an TP.Thủ Đức đã phối hợp UBND các phường tổ chức các đội tuần tra, thành lập các chốt kiểm soát tại các khu phố, những tuyến đường trọng điểm, giám sát hoạt động 24/24 để giải tán các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp theo quy định, không có lý do chính đáng.
Theo đó, từ ngày 9 đến 17-7, đơn vị đã xử phạt với 219 trường hợp vi phạm với số tiền 492 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an TP.Thủ Đức chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các phương án chống dịch như: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, các ban, ngành địa phương triển khai đảm bảo an ninh, trật tự các khu vực cách ly tập trung và khu vực cách ly trong cộng đồng dân cư; Phân công, bố trí lực lượng cán bộ, chiến sỹ luân phiên tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự, giám sát, cách ly người, khu vực có dịch bệnh một cách phù hợp cũng như chủ động phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ, chiến sỹ để đảm bảo tham gia phòng, chống dịch bệnh lâu dài, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác công an; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là những người nước ngoài, công dân Việt Nam đến từ vùng có dịch; Nắm chắc những địa điểm, khách sạn, cơ sở lưu trú... được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung để triển khai công tác đảm bảo an ninh, trật tự; Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhắc nhở, kiểm soát việc tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố về việc tạm ngưng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ truyền thống, hội nghị, họp, tổ chức lễ hội đông người...
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM và đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an TP.Thủ Đức kiểm tra công tác chốt chặn trên địa bàn TP.Thủ Đức
Song song đó, lực lượng Công an TP.Thủ Đức tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như phát loa di động, loa phát thanh phường, đăng tin qua mạng xã hội (Zalo, Facebook)... cho nhân dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn, hoạt động của loại tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, góp phần thực hiện hiệu quả cách ly xã hội trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao
Nhằm chủ động phòng chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an TP.Thủ Đức đã chủ động phối hợp với tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP.Thủ Đức để tuyên truyền phổ biến cho các nhân viên biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển khoản, tài khoản ngân hàng; thành lập nhóm Zalo giữa lực lượng Công an với ngân hàng để kịp thời trao đổi thông tin phòng ngừa tội phạm; niêm yết cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng này tại các quầy giao dịch, nơi khách hàng, người dân dễ nhìn, dễ đọc để nâng cao cảnh giác.
Nạn nhân mà các đối tượng thường nhắm đến là phụ nữ, người già trên 60 tuổi, những người ít cập nhật thông tin, báo chí với các thủ đoạn phổ biến như : Mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án ... yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng lừa đảo chỉ định vì nghi ngờ nạn nhân có liên quan đến vụ án nghiêm trọng đang được điều tra hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin. Trong trường hợp đã chuyển tiền đến tài khoản có dấu hiệu lừa đảo nhanh chóng thông báo ngân hàng và trình báo Công an phường gần nhất để được hỗ trợ điều tra, xử lý.