Huyện Bình Chánh: Quyết liệt xử lý tình trạng xây dựng không phép, sai phép

Chủ Nhật, 08/09/2024 10:59  | Tấn Chính

|

(CATP) Là huyện ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, thu hút số lượng lớn người dân từ các nơi khác đến sinh sống, lao động và học tập, dẫn đến áp lực rất lớn về nhà ở và nhu cầu xây dựng, thế nên từ nhiều năm qua, Bình Chánh luôn là "điểm nóng" về vi phạm trật tự xây dựng (TTXD). Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn thành phố, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, số vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại địa bàn huyện Bình Chánh đã được giảm sâu.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch về tập trung các giải pháp tăng cường ngăn chặn và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, TTXD trên địa bàn. Định kỳ hàng tuần, UBND huyện duy trì họp giao ban quản lý đất đai, TTXD với 16 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị thuộc khối đô thị để kịp thời chỉ đạo những vấn đề phát sinh trong tuần và giải quyết các vụ việc còn tồn đọng.

Qua theo dõi tiến độ xử lý hàng tuần đối với các công trình vi phạm đất đai, xây dựng phát sinh sau Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy, các đơn vị phối hợp đều thống kê, kiểm tra, lập danh sách quản lý, theo dõi và xử lý các trường hợp nghi vấn phân lô trái phép trên đất nông nghiệp, xử lý hàng rào quây tole, kiểm tra thực tế tình hình đất đai, TTXD trên địa bàn theo các thông tin phản ánh.

Từ nguồn tin tiếp nhận qua đường dây nóng, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, xác minh và lập đầy đủ hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn như Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, tiến hành độc lập các nghiệp vụ chuyên môn để kiểm tra, đối chiếu pháp lý hồ sơ địa chính, xây dựng, số nhà, biến động đất đai, không ảnh Lidar, tham khảo không ảnh vệ tinh và hỗ trợ xã, thị trấn xác định thời điểm xây dựng, lập hồ sơ xử lý vi phạm bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định. Phối hợp thông tin cho Cảnh sát khu vực để quản lý cư trú tại các công trình vi phạm.

Một công trình xây dựng vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ

Đối với các trường hợp chậm xử lý, chậm thực hiện theo chỉ đạo, huyện có văn bản nhắc nhở, thông báo phê bình và tổ chức họp Hội đồng kỷ luật để xem xét kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có liên quan...

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TTXD trên địa bàn cũng được triển khai cho các xã và phổ biến rộng rãi đến người dân trên "Cổng cung cấp thông tin quy hoạch". Theo đó, người dân có thể tra cứu thông tin quy hoạch một cách dễ dàng, thuận tiện ngay tại khu đất bằng thiết bị điện thoại thông minh. Ngoài ra, các đơn vị tuyên truyền còn biên tập tài liệu, sổ tay hướng dẫn về các thủ tục, trình tự cấp phép xây dựng nhà ở, nhà xưởng; quy trình cấp phép cải tạo, sửa chữa nhà ở, công khai quy hoạch... để phát đến từng hộ dân, công bố trên cổng thông tin điện tử của huyện. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cắm bảng cảnh báo, nêu rõ các công trình đã vi phạm nhiều lần, đã tổ chức cưỡng chế, khu vực san lấp, mở đường, nghi vấn phân lô trái phép trên đất nông nghiệp...

Về phía Công an huyện cũng đã biên tập và cấp phát đến từng cơ quan, đơn vị xã, thị trấn thông tin tuyên truyền, cảnh báo các thủ đọan lừa đảo phân lô, mua bán đất trái pháp luật, dự án "ma" và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cho người dân, thông qua các buổi họp ban nhân dân ấp để người dân nắm vững các quy định của pháp luật nhằm tránh trở thành nạn nhân (người mua nhà, đất hay trực tiếp xây dựng) hoặc tiếp tay, bao che cho các đối tượng vi phạm.

Để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp quản lý TTXD, UBND huyện đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Đội Quản lý trật tự đô thị và đề nghị Đội Thanh tra địa bàn Huyện tăng cường thực hiện tuần tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm TTXD ngay từ ban đầu, không để xảy ra tình trạng vi phạm TTXD mà không được kiểm tra, xử lý. Tập huấn triển khai bộ không ảnh số Lidar cho các cán bộ, công chức xã, thị trấn thuộc lĩnh vực đô thị để sử dụng vào công tác quản lý đất đai.

Chấn chỉnh hiệu quả vi phạm về xây dựng

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp như trên, có thể nói các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đã thực thi khá hiệu quả Chỉ thị 23/CT-TU của Thành ủy. Ông Trương Thái Ngọc, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ phát sinh 42 trường hợp vi phạm TTXD (gồm 26 sai phép, 16 không phép). Cơ quan chức năng đã xử lý 19 trường hợp, đang xử lý 13 trường hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện chỉ xảy ra 2 trường hợp vi phạm TTXD sai phép.

Những biển báo như thế này giúp hạn chế đáng kể vi phạm về đất đai, xây dựng

Song song với công tác kiểm tra kết hợp tuyên truyền, huyện Bình Chánh còn tổ chức lắp đặt 66 camera để giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tái vi phạm, các trường hợp cố ý xâm phạm, phá hoại tài sản công (bảng cảnh báo, camera đã gắn). Xây dựng và triển khai rộng rãi đến cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn huyện về ứng dụng "Bình Chánh trực tuyến", giúp người dân kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự đô thị, TTXD, môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông và các lĩnh vực khác. Đến nay, đã có 799 cán bộ, công chức đăng ký và được cấp tài khoản để đăng nhập, sử dụng ứng dụng này với 43 đơn vị sử dụng; có 3.747 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gần 9.719 nhân dân tải, cài đặt ứng dụng "Bình Chánh trực tuyến".

Việc triển khai ứng dụng "Bình Chánh trực tuyến" đã mở ra thêm kênh thông tin để người dân kịp thời phản ánh và giám sát về tình hình quản lý đất đai, TTXD. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng thông qua việc sử dụng rộng rãi, thường xuyên và phổ biến của ứng dụng trực tuyến trên nền điện thoại thông minh. Mặt khác, việc phản ánh kịp thời với kết quả xử lý được cập nhật công khai trên ứng dụng đã tạo được niềm tin của nhân dân, huy động được sự tham gia phối hợp của người dân đối với công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.

Từ tháng 11/2022 đến nay, UBND huyện Bình Chánh còn triển khai dán mã code QR trên Giấy phép xây dựng và bản vẽ xin phép được duyệt kèm theo, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng của người dân, doanh nghiệp.

Ngay từ khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành, UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung rà soát các nguồn lực để triển khai thi hành bảo đảm hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã có sự chuẩn bị bước đầu về nhân lực, cơ sở vật chất và dự thảo quy trình tạm giải quyết hồ sơ thủ tục liên quan đến đất đai trong thời gian chờ UBND Thành phố ban hành bộ thủ tục hành chính theo quy định.

Nhìn chung, trong những năm qua UBND huyện Bình Chánh đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả tất cả các giải pháp, nhiệm vụ theo Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời quản lý chặt chẽ về tình hình quản lý đất đai, TTXD trên địa bàn. Công tác phối hợp quản lý đất đai, TTXD có sự phối hợp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nghiêm túc, quyết liệt, nhiều giải pháp, kế hoạch quản lý TTXD được thực hiện và phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng sâu rộng trên toàn huyện, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, TTXD của người dân.

Thời gian qua, tại "điểm nóng" về vi phạm xây dựng thuộc xã Vĩnh Lộc B, công tác thí điểm bay viễn thám để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm TTXD được triển khai đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. "Sau thời gian thí điểm, huyện đang xây dựng đề án để trình thành phố, với kinh phí gần 15 tỷ đồng để áp dụng trên toàn địa bàn huyện" - ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang