(CAO) Sở TN-MT TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP về nội dung xử phạt về tiếng ồn. Trong đó, cho phép cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra được sử dụng thiết bị đo tiếng ồn để phát hiện và làm cơ sở xử phạt; đồng thời, kiến nghị rà soát, sửa đổi quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020…
Thời gian qua tại TPHCM, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn ở cộng đồng dân cư đã diễn ra tràn lan, phổ biến, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự và chất lượng sống của người dân.
Ngày 19/3/2021, UBND TP đã ban hành Công văn 787 yêu cầu các sở ngành, quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn. Sau một năm thực hiện, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn tại TPHCM đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Loa thùng tại một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, TPHCM để phục vụ khách
hát karaoke. Ảnh: Ngọc Bích.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, sau một năm thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đến nay, 22/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn.
Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động bước đầu được triển khai đồng bộ, sâu rộng và thường xuyên trên toàn địa bàn với các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng.
100% quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tổ chức tiếp nhận kịp thời các phản ánh về tiếng ồn thông qua ứng dụng trực tuyến, các kênh thông tin trực tuyến, các đường dây nóng của quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
100% Ban Công tác Mặt trận thực hiện tuyên truyền, phát thông báo về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếng ồn đến các khu phố, tổ dân phố, mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ… trên địa bàn được biết và chấp hành theo quy định.
Ngoài ra, trên toàn TP đã tổ chức hơn 8.000 buổi truyền thông, toạ đàm, tập huấn, hội nghị tuyên truyền; 1.989 quy ước liên quan đến việc thực hiện công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn được ban hành.
Thông qua phần mềm trực tuyến, đường dây nóng, zalo, Cổng tiếp nhận thông tin 1022 của Sở Văn hóa và Thể thao chuyển về…, đã tiếp nhận 4.645 trường hợp phản ánh của người dân về tiếng ồn. Qua kiểm tra, xác minh, các lực lượng chức năng phát hiện 3.697 trường hợp vi phạm, trong đó nhắc nhở 3.537 trường hợp và xử phạt 102 trường hợp với tổng số tiền hơn 172 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành, Công an TP đã kiểm tra, xử phạt hàng trăm vụ gây tiếng ồn với số tiền xử phạt hàng chục triệu đồng. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 26 trường hợp điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, bấm còi, rú ga liên tục trong khu dân cư…
Nhờ những nỗ lực trong việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn của các cấp, ngành, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại nhiều khu vực đã có những biến chuyển rõ rệt. Như tại các tuyến đường tập trung nhiều trung tâm điện máy, cửa hàng điện thoại, thời trang như Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh và TP.Thủ Đức), Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức), Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi (Quận 5)… trước đây cứ khoảng 15-16 giờ là các cơ sở kinh doanh kê loa thùng sát mặt đường phát nhạc, quảng cáo âm lượng lớn, gây ảnh hưởng đến người đi đường và cư dân xung quanh.
Sau khi lực lượng chức năng, Công an khu vực nhiều lần ra quân xử lý, việc phát nhạc quảng cáo gây ồn ào gần đã giảm hẳn, hoặc nếu có thì cũng được phát với âm lượng vừa phải và trong thời gian ngắn.
TPHCM sẽ tiếp tục các giải pháp tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư và doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tiếng ồn gắn với phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và quyết liệt các hành vi vi phạm về tiếng ồn trong điều kiện bình thường mới.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP về nội dung xử phạt về tiếng ồn. Trong đó, cho phép cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra được sử dụng thiết bị đo tiếng ồn để phát hiện và làm cơ sở xử phạt; đồng thời, kiến nghị rà soát, sửa đổi quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020…