TP.HCM: Linh kiện lắp ráp mũ bảo hiểm phải đạt chuẩn

Thứ Tư, 27/07/2016 11:39

|

(CAO) UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện rà soát Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy. Trong đó, cần quy định thêm các yêu cầu kỹ thuật đối với các linh kiện dùng để lắp ráp mũ bảo hiểm.

Động thái này nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.

UBND TP cũng kiến nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ ban hành quy định chế tài đối với các trường hợp người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải là mũ bảo hiểm.

Mũ bảo hiểm giả chỉ cần đập nhẹ thì phần vỏ mũ bị vỡ nát - Ảnh minh họa

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 661 cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và tập trung chủ yếu tại các Q.5, Q.6, Q.Bình Tân, Q.Tân Bình và huyện Bình Chánh.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN đối với mũ bảo hiểm dành cho người đi xe mô tô, xe máy:

- Mũ bảo hiểm phải có các bộ phận sau: Vỏ mũ; Lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ); Quai đeo.

- Mũ phải được sản xuất bằng các vật liệu không gây ảnh hưởng có hại đến da và tóc của người sử dụng.

- Khối lượng của mũ, kể cả các bộ phận kèm theo, không được lớn hơn:

+ Đối với loại che cả đầu, tai và hàm: Mũ cỡ lớn: 1,5kg; Mũ cỡ trung và cỡ nhỏ: 1,2kg.

+ Đối với loại che cả đầu, tai và loại che nửa đầu: Mũ cỡ lớn: 1,0kg; Mũ cỡ trung và cỡ nhỏ: 0,8kg.

- Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh sắc. Không được sử dụng đinh tán, bu lông, đai ốc, khoá quai đeo có các gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu lông không được cao hơn 2mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ.

- Vỏ mũ và lớp đệm hấp thụ xung động phải che chắn được phạm vi cần bảo vệ trên dạng đầu thử tương ứng.

- Mũ phải chịu được va đập và hấp thụ xung động khi thử nghiệm. Sau khi thử, vỏ mũ không bị vỡ tách rời và gia tốc dội lại khi bị va đập không được lớn hơn:

+ Gia tốc dội lại tức thời đối với mũ có chu vi vòng đầu: < 500mm : 225g; ≥500mm : 300g.

+ Gia tốc dư sau 3 mili giây đối với mũ có chu vi vòng đầu: < 500mm : 175g; ≥500mm : 200g.

+ Gia tốc dư sau 6 mili giây đối với mũ có chu vi vòng đầu: < 500mm : 125g; ≥500mm : 150g.

Chú thích: Các giá trị gia tốc tính bằng m/s2 được xác định trên cơ sở đơn vị gia tốc trọng trường g= 9,80665 m/s2.

- Mũ phải chịu được thử nghiệm độ bền đâm xuyên. Sau khi thử, đầu đâm xuyên không được chạm vào dạng đầu thử bên trong mũ.

- Quai đeo phải chịu được thử nghiệm. Khi thử, độ dịch chuyển của gá móc quai đeo giữa hai lần đặt tải ban đầu và tải thử nghiệm không được vượt quá 25mm.

- Kết cấu của mũ bảo hiểm phải đảm bảo tầm nhìn của người đi mô tô, xe máy trong khi sử dụng, cụ thể:

+ Góc nhìn bên phải và bên trái của mũ không được nhỏ hơn 1050

+ Góc nhìn phía trên, α, không được nhỏ hơn 70, góc nhìn phía dưới, β, không được nhỏ hơn 450.

+ Kính chắn gió, nếu có, phải thoả mãn: nếu kính bị vỡ, không được tạo thành các mảnh sắc nhọn có góc nhỏ hơn 600; Hệ số truyền sáng không được nhỏ hơn 85%.

- Nội dung ghi nhãn mũ thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

+ Nhãn phải được ghi một cách rõ ràng, bền vững (không phai mờ) trên bề mặt trong hoặc ngoài mũ.

+ Nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau: Tên sản phẩm phải có cụm từ ″Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy″; Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.

+ Nhãn phụ của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau: Tên sản phẩm: Phải có cụm từ ″Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy″; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; Xuất xứ hàng hoá; Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang