(CAO) Những ngày qua, Lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân (UBND) Q.1, TP.HCM cùng các lực lượng trật tự đô thị, công an, cán bộ nhân viên quận, phường đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý, lập lại kỷ cương, trật tự lòng lề đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
(CAO) Hơn 1 tháng ra quân quyết liệt ‘đòi lại
vỉa hè’, Quận 1 đã xử phạt gần 600 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, tiểu bậy, đi xe trên vỉa hè, gắn vật cản dưới lòng đường,...
Về phía người dân, các cửa hàng kinh doanh... họ cũng có những quan điểm, ý kiến riêng để cùng quận chấn chỉnh bất cập; đồng thời thuận tiện cho việc buôn bán, mưu sinh...; góp phần thúc đẩy sự phát triển và tạo ra hình ảnh đẹp trên địa bàn thành phố.
“Không đánh trống bỏ dùi”
Trong ngày 13-2, Phó Chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải trực tiếp tham gia và chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường trên các tuyến đường trung tâm quận. Trên đường Hai Bà Trưng, hàng loạt bàn ghế, xe bán hàng lấn chiến vỉa hè bị tịch thu, đưa về trụ sở xử lý. Các xe ô tô đỗ trên vỉa hè cũng bị lập biên bản xử phạt.
Cửa hàng ở góc đường Mạc Đĩnh Chi - Điện Biên Phủ để xe lấn chiến vỉa hè
Việc chiếm dụng vỉa hè trên đường Trần Quang Khải trở thành vấn đề nóng trong thời gian vừa qua. Có mặt xử lý tại đây, ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu xử lý nghiêm những xe máy đậu không đúng vị trí quy định. Nhiều cầu thang sắt kiên cố, cầu thang bê tông làm lối dắt xe lên nhà lấn chiếm vỉa hè đều bị phá dỡ ngay tại chỗ. Những người bị xử phạt đều chấp hành nghiêm và không phản ứng.
Sau khi nghe người dân phân trần, ông Đoàn Ngọc Hải nói: “Bấy lâu nay mọi người làm vậy là sai. Nay quận kiên quyết xử lý, chứ không để tình trạng lấn chiếm tiếp tục tồn tại. Người dân phải tháo dỡ, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Quận sẽ làm quyết liệt chứ không theo kiểu đánh trống bỏ dùi”.
Lực lượng chức năng đưa xe nước giải khát của người bán hàng rong ở trước Bưu điện TP về trụ sở xử lý
Trong ngày 15-2, các lực lượng chức năng quận tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh tình hình buôn bán hàng rong trên vỉa hè xung quanh khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi, Nguyễn Du... Nhiều người dân bán quà lưu niệm, nước giải khát... trước Bưu điện thành phố khi thấy lực lượng chức năng lập tức dọn hàng bỏ chạy. Tuy nhiên, những trường hợp này đều bị lập biên bản xử phạt, tịch thu hàng hoá.
Trong 2 ngày 15 và 16-2, UBND Q.1 cùng UBND các phường, trật tự đô thị, công an... liên tục tổ chức kiểm tra, xử lý xe 2 bánh vi phạm chạy trên vỉa hè các tuyến đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Con số thông kê cho thấy, có khoảng 200 trường hợp vi phạm leo lề; trong đó có cả những xe ô tô đậu trên lề đường. Theo quy định, mức phạt đối với hành vi leo lề của xe máy từ 200.000 đến 400.000 đồng, xe ô tô là 600.000 đến 800.000 đồng; đồng thời tạm giữ giấy phép lái xe.
Người dân hy vọng một biện pháp thoáng hơn
Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 17-2, tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng lề đường ở nhiều tuyến đường thuộc Q.1 vẫn diễn ra; nhiều cửa hàng buôn bán để xe máy xuống lòng đường, lấn chiếm vỉa hè. Các bậc cấp, lối lên xuống bằng sắt, bê tông kiên cố chắn ngang vỉa hè vốn rất chật hẹp vẫn xuất hiện nhan nhản.
Lực lượng chức năng Q.1 xử lý các thang sắt kiên cố làm lối dắt xe lên nhà lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Quang Khải
Nhiều chủ cửa hàng, quán cà phê, người bán hàng rong... chấp nhận chịu phạt để tiếp tục được bán; điệp khúc “xử phạt - nộp phạt” lặp lại trong nhiều năm qua, không hề có biến chuyển. Người dân mong muốn Q.1 có thêm những chính sách, hỗ trợ để việc buôn bán, mưu sinh được thuận tiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển và tạo ra hình ảnh đẹp trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Tư (63 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam; ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, ông bán hàng rong hơn 32 năm nay. Các mặt hàng ông bán chủ yếu như thiệp, nước uống… ở nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố. Dù biết chủ trương của quận là xử phạt những người buôn bán hàng rong ở vỉa hè nhưng vì miếng cơm manh áo nên ông cũng tranh thủ buổi trưa ra ngồi bán.
Lực lượng chức năng xử lý ô tô và xe máy vi phạm đậu, chạy lên vỉa hè
“Tôi bị lực lượng trật tự đô thị xử phạt hàng trăm lần rồi, mỗi lần nộp phạt là 150.000 đồng; nhưng nộp phạt xong rồi lại tiếp tục bán. Những người bán hàng rong như chúng tôi chỉ có mong muốn chính quyền sắp xếp một góc nhỏ, gọn gàng trên vỉa hè để có chỗ làm ăn buôn bán, vừa không ảnh hưởng đến người đi bộ, vừa làm đẹp thành phố”.
Vài ngày sau khi lực lượng chức năng xử lý vi phạm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe sai quy định trên đường Trần Quang Khải giảm đáng kể. Các cửa hàng kinh doanh cà phê, điện thoại... để xe ngay ngắn theo chỉ đạo của lãnh đạo quận, phường.
Anh Bùi Văn Định (Quản lý một cửa hàng điện thoại lớn trên đường Trần Quang Khải) chia sẻ, chủ trương chấn chỉnh trật tự vỉa hè là đúng, những doanh nghiệp như chúng tôi hết sức ủng hộ. Nhưng trên thực tế, vào những lúc đông khách, những cửa hàng tại đây phải đón tới 30-40 người khiến chỗ để xe bị quá tải.
“Khắp trục đường Trần Quang Khải không hề có một bãi giữ xe nào. Nhân viên cửa hàng phải gửi xe dưới hầm chung cư gần đó, với mức phí 200.000 đồng/tháng. Phần diện tích trước cửa hàng có chiều ngang khoảng 8m để dành cho khách hàng đậu xe. Tuy nhiên, dù cách nào cũng không thể giải quyết hết được, buộc phải chấp nhận để xe khách tràn ra khỏi vỉa hè, chấp nhận đóng phạt thôi. Còn nếu mình không giữ xe, khách hàng sẽ khó lòng quay lại với cửa hàng”, anh Định giải thích.
“Chỗ để xe cho khách là vấn đề đau đầu của cửa hàng mà bấy lâu chúng tôi chưa tìm ra cách giải quyết triệt để. Nếu quận có thêm chủ trương hay chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp thì tốt quá. Chẳng hạn như thêm phần diện tích sử dụng tạm vỉa hè thì doanh nghiệp sẵn sàng đóng phí theo quy định. Làm như vậy thì người đi bộ vẫn không bị ảnh hưởng do vỉa hè rất rộng và những nơi kinh doanh cũng không bất đắc dĩ vi phạm”, anh Định hy vọng vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.