(CAO) Khuya 20, rạng sáng 21-2, hàng trăm cán bộ công nhân ngành đường sắt vẫn dầm mình giữa trời sương cùng đại diện chính quyền, các ngành chức năng để cứu hộ cứu nạn đường sắt.
Clip: Hàng trăm cán bộ công nhân ngành đường sắt cứu nạn trong đêm:
Hàng trăm người của các đơn vị, lực lượng chức năng căng mình để thực hiện cứu hộ cứu nạn tại khu vực quanh vị trí km738+245 tuyến đường sắt Bắc – Nam (đoạn thuộc thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế)
. Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ các đơn vị và Công an huyện Phú Lộc cùng các phương tiện, trang thiết bị bảo vệ, điều tra hiện trường, cứu hộ cứu nạn, phân luồng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A (nằm song song với được sắt). Lực lượng này cũng gồng mình từ chiều đến thời điểm hiện tại
Hiện tại, thi thể 3 nạn nhân tử vong đã được đưa ra khỏi hiện trường, bàn giao cho gia đình những người xấu số để tổ chức an táng. Hơn 200 hành khách trên tàu SE2 bị nạn đã được di chuyển đến ga Huế để tiếp tục hành trình ra Bắc
Tại vị trí xảy ra tai nạn, mọi người vẫn gồng mình để thực hiện các thao tác cứu hộ với mong mỏi sớm thông tuyến đường sắt, đảm bảo giao thông thông suốt
Trước đó, vào lúc 21 giờ 20, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, động viên cán bộ công nhân ngành đường sắt cố gắng khắc phục sự cố. Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng đến hiện trường động viên các nạn nhân cùng gia đình, bàn bạc, thống nhất phương án cứu hộ cứu nạn với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và các đơn vị chức trách
Lãnh đạo các bộ, ngành đã yêu cầu các đơn vị chức năng, ngành đường sắt chăm lo đời sống chính sách tốt nhất cho gia đình anh Phạm Hồng Phượng (SN 1984, quê tỉnh Yên Bái, ngụ tại TP.Hà Nội) – lái tàu phụ, phụ trách an toàn chuyến tàu SE2 đã tử vong trong vụ tai nạn; đề nghị cơ quan công an xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, nguyên nhân chính xác nhất vụ tai nạn để có hướng giải quyết, xử lý
Đến 0 giờ 30, hàng trăm công nhân vẫn cần mẫn, tất bật gia cố để sữa chữa các đoạn đường sắt hư hỏng. Dưới ánh sáng leo loét từ vài chiếc máy nổ và những cái đèn pin đeo trên trán, nọi người hò nhau nâng các thanh gỗ dưới đường ray bị hư hỏng, chọn lựa thanh tốt rồi khoan để bắt ốc, vít cố định lại đường ray. Chiếc xe cẩu chuyên dụng đang dần tiếp cận các toa tàu vẫn nằm bên dưới đường ray
Với khối lượng công việc khổng lồ, để đảm bảo kỹ thuật là điều khó khăn nhưng lực lượng chức năng đã nỗ lực hết mình để hoàn thành từng khâu, từng bước. Công việc khó khăn, mệt mỏi thì ai cũng thấu hiểu nhưng sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, công nhân là sự cố gắng, nhiệt huyết để cùng chung tay khắc phục sự cố, giảm thiểu rủi ro, góp phần vơi bớt thương đau và để thông lại tuyến giao thông huyết mạch của đất nước. Đến 9 giờ ngày 21-2, các toa tàu đã được đưa khỏi đường ray để ngành đường sắt sữa chữa đường sắt bị hư hỏng