Bác sĩ phân tích lợi hại về việc cho sữa mẹ miễn phí

Thứ Ba, 21/02/2017 08:57  | Ngô Đồng

|

(CAO) Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ; tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng cần có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này để việc cho nhận sữa được đảm bảo chất lượng cũng như đem lại an toàn cho trẻ.

Với mong muốn giúp các em bé được sử dụng nguồn sữa mẹ quý giá, giàu dinh dưỡng, một người phụ nữ giàu lòng nhân ái ở phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM đã lập ra “Tủ sữa mẹ miễn phí” nhằm hỗ trợ cho các bà mẹ chăm sóc con.

"Tủ sữa mẹ miễn phí” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bà mẹ “bỉm sữa”. Người lập ra "Tủ sữa mẹ miễn phí" chia sẻ đây là nguồn sữa nhận trực tiếp từ những bà mẹ không mắc bệnh truyền nhiễm được xác định qua các kiểm tra trong thời kỳ mang thai. Đồng thời, sau khi vắt ra, sữa được bảo quản trong tủ lạnh và vận chuyển đảm bảo được chất lượng.

"Tủ sữa mẹ miễn phí” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bà mẹ “bỉm sữa”

Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 khẳng định sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo cho trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy sữa loài động vật nào thì sẽ tốt cho loài động vật đó. Nếu sữa của bò, dê, ngựa mà dùng cho con người thì sẽ không bao giờ tốt bằng sữa mẹ. Chưa kể, trẻ sơ sinh hấp thu chất béo trong sữa mẹ tốt hơn trong sữa công thức cũng như trong sữa mẹ còn có thêm kháng thể giúp con mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, ý tưởng “tủ sữa mẹ miễn phí” là việc làm nhân văn, xuất phát từ mục đích tốt đẹp. Nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn.

Bác sĩ Tín phân tích, trẻ có thể bị lây viêm gan B, HIV… nếu như uống nguồn sữa từ phụ nữ mắc bệnh này. Với những bà mẹ bị mắc bệnh mạn tính phải uống thuốc thường xuyên thì thuốc có khả năng được bài tiết qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng đến trẻ. Hơn nữa, cách bảo quản đảm bảo chất lượng sữa ra sao cũng phải tuân thủ rất nghiêm ngặt chứ không phải cứ cho vào tủ đông là được.

Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phân tích lợi hại về việc cho nhận sữa mẹ miễn phí

Bác sĩ Tín khuyến cáo, chỉ nên thực hiện việc cho – nhận tại Ngân hàng sữa mẹ, nơi đã được kiểm định đủ điều kiện, đủ trang thiết bị, đủ nhân lực và được tập huấn để lấy, bảo quản, kiểm soát chất lượng, sử dụng sữa an toàn.

Ở các nước tiên tiến, người cho sữa ngoài việc phải được xét nghiệm để loại trừ các bệnh lây nhiễm thì phải viết giấy thỏa thuận cho sữa, không được uống rượu (nếu có phải dùng dưới 30ml/ngày), cà phê nếu uống cũng phải dưới mức 240ml/ngày.

Đó là chưa kể việc bảo quản và vận chuyển cũng tuân theo một số nguyên tắc. Chẳng hạn, nếu sữa không để đông đá thì chỉ dùng được trong vòng 2 giờ. Bình sữa lưu trữ không để ở cánh cửa tủ lạnh mà phải để sát bên trong lòng tủ. Nếu sữa lưu trữ để trong tủ đông dưới 70 độ C thì mới lưu trữ được 1 năm. Nếu sữa đã rã đông rồi thì không nên bảo quản lại nữa.

Bác sĩ Hoàng Thị Tín chia sẻ cách nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ tại BV Nhi Đồng 1

Việc đứng ra thu nhận sữa và chia sẻ cho các mẹ khác sẽ làm tăng thêm các bước vận chuyển và thời gian bảo quản cũng như tiếp xúc với môi trường. Điều này tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và giảm chất lượng sữa do sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình vận chuyển và bảo quản.

Không thể phủ nhận rằng “tủ sữa mẹ miễn phí” đã giúp các bà mẹ giảm bớt nỗi lo, sự gian nan trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc làm này mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong khi chờ một ngân hàng sữa mẹ chính thức ra đời, có sự kiểm duyệt chặt chẽ về quy trình y tế thì lựa chọn tốt nhất sẽ là những gì ít có hại nhất cho trẻ em.

Bình luận (0)

Lên đầu trang