Vừa qua, Báo CATP đăng hai bài viết liên quan đến “những chiếc bàn tự xoay kỳ bí” khiến dư luận, bạn đọc rất quan tâm. Phóng viên Báo CATP đã về nơi gốc tích, làng mộc Văn Hà danh tiếng xứ Quảng để tìm hiểu thêm về quá khứ và hiện tại của ngôi làng hiện đang làm ra được chiếc bàn xoay kỳ bí này.
Trục bàn, yếu tố tối quan trọng để bàn xoay, vẫn còn là một bí ẩn
Nguồn gốc phát minh chiếc bàn tự xoay
Làng Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) là một trong hai làng nổi danh nghề mộc từ bao đời nay (khoảng 10 đời). Từ xưa, nhà nhà làm mộc, đàn ông thanh niên, già trẻ hầu như lấy nghề mộc mưu sinh. Nhưng do thời đại công nghệ hóa, làng mộc Văn Hà cũng “chìm nổi” thăng trầm.
Mới đây, những người yêu nghề của làng mộc đã lập nên tổ hợp, đẩy mạnh phát triển làng nghề và được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2013. Người giữ kỷ lục làm mộc lớn tuổi nhất Việt Nam chắc phải kể đến cụ Đinh Thạch (thường gọi cụ Thẩm), năm nay 94 tuổi. Tuy đã nặng tai, nhưng ngày ngày cụ vẫn cầm đục, cưa, bào, xẻ tạo nên những tuyệt phẩm mà hiếm có người từng trải trong nghề, trong đời từng biết đến hoặc làm được… Đặc biệt, cụ là người góp công lớn nhất cho việc làm nên chiếc bàn xoay kỳ diệu nổi danh của làng Văn Hà.
Anh Phạm Miên (SN 1968) - Tổ trưởng tổ hợp làng nghề mộc truyền thống Văn Hà cho biết: "Làng nghề mộc có từ lâu đời, từ thủơ các cụ từ gốc gác Thanh - Nghệ Tĩnh vào. Do đất đai ruộng vườn ít, có chút tài hoa nghề mộc từ trước nên họ lấy nghề mộc làm nghề trọng yếu để nuôi sống gia đình. Ai dang dở con đường học vấn thì cầm cưa, cầm đục mưu sinh. Từ đó, cha truyền con nối, người làng Văn Hà tạo nên nhiều sản phẩm mộc hết sức tinh xảo, hào hoa.
Chiếc bàn tự xoay, người làng Văn Hà gọi đó là bàn “độc xoay” (bàn một trụ và xoay được). Mục đích các cụ xưa làm nên chiếc bàn này là để cúng ở ngoài sân, khi muốn xoay các hướng để khấn vái thổ thần… thì lấy tay xoay cho nó tiện, khỏi phải sắp xếp lại đồ đạc. Với mục đích như thế, nên chiếc bàn này không dùng cho mục đích nào khác, nên những thứ ô uế, xằng bậy không được bỏ lên bàn".
Cụ Thạch (tức Thẩm), anh Miên bên sản phẩm là chiếc bàn tự xoay do họ mới làm
Với làng Văn Hà xưa - nay, chiếc bàn “độc xoay” gắn với tâm linh và tâm hồn của họ, đặc biệt với những người làm nghề. Chiếc bàn này chỉ có những gia đình có điều kiện hoặc những gia đình làm mộc lâu năm mới có. Nhưng thời hiện đại đến quá nhanh, nhiều bàn ghế đẹp ra đời nên chiếc bàn “độc xoay” không còn là đồ quý trong các gia đình, người đặt mua thưa dần.
Năm 1985, ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) có người đàn ông phát hiện bàn “độc xoay” (do người làng Văn Hà làm nên) tự xoay khi đặt tay lên bàn chứ không cần phải lấy tay quay như trước. Điều kỳ bí trên được lan truyền, ngay lập tức có một doanh nghiệp ở Thuận Tình (Hội An) đến mua về với giá rất đắt đỏ. Thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị Đãi (làng Văn Hà) còn một cái nguyên vẹn và tự xoay theo ý nghĩ nên có người về mua hai cây vàng ; sau đó người này về bán lại bốn cây vàng, rồi sau đó mua đi bán lại nhiều lần không còn rõ giờ nó ở xứ nào, nhà nào… Từ thời điểm này, bàn “độc xoay” có thêm tên gọi - chiếc bàn “ma” (ma thuật).
Cụ Thạch tuy đã 94 tuổi nhưng cụ vẫn tha gia làm bàn tự xoay
Trước thông tin kỳ bí về chiếc bàn “độc xoay”, nhiều người đổ về mua cũng không có. Nhiều cái hư hỏng, sửa lại, làm mới… đều không xoay được, kể cả cụ Thạch mày mò suốt một thời gian dài vẫn… bí. Mọi chuyện lắng xuống, đến hơn 25 năm sau, chiếc bàn “độc xoay” lại được rộ lên trước những thông tin có người làm được chiếc bàn độc xoay kỳ bí này.
Đó là vào năm 2011, khi Tổ hợp làng nghề mộc Văn Hà được thành lập, gồm 7 người, cụ Thạch (thành viên chủ chốt) rất trăn trở về chiếc bàn độc xoay kỳ bí, cũng sợ đến tuổi gần đất xa trời, nhỡ có mất đi mà không làm được sản phẩm độc, lạ để lại cho đời con cháu nên cụ đã quyết tâm mày mò, thử nghiệm.
Cụ Thẩm gọi thêm anh Miên và anh Trần Ngọc Tuấn (SN 1976), hai người được xem là lành nghề nhất nhì làng ở thời điểm hiện tại. Sau nhiều tháng cùng mày mò, thử nghiệm, năm 2013, cụ Thẩm, anh Miên, anh Tuấn đã làm được chiếc bàn độc xoay.
Nhiều doanh nghiệp, người dân ở Hội An và một số tỉnh lân cận đã tìm về đặt mua, đến nay, tổ hợp nghề mộc đã làm khoảng trên 20 cái theo đơn đặt hàng. Chỉ có 3 thành viên trong tổ, gồm cụ Thẩm, anh Miên, anh Tuấn là có thể làm bàn tự xoay, bốn thành viên còn lại làm các công đoạn khác của những chiếc bàn.
Tác giả (Xuân Hoài) trực tiếp thử nghiệm chiếc bàn xoay tại nhà anh Miên
Theo anh Miên, để làm được chiếc bàn độc xoay, người thợ lành nghề làm khoảng 1 tuần đến 10 ngày, tùy theo độ tinh xảo, họa tiết.
Các công đoạn phải làm thật chuẩn đến từng chi tiết. Cái này chính là bí quyết. Thường bàn cao chỉ 76 hoặc 81 cm, công thức phải rập khuôn; mặt bàn có thể 1 tấm ván hoặc 2, 3 tấm tùy kích thước và giá cả người đặt. Phía dưới làm một trục (độc trụ), có thể tháo bàn ra được, nhưng công đoạn này phải thật chuẩn và phải có thần mới làm được. Đây chính yếu tố quyết định bàn tự xoay hay không. Cái này trong nghề gọi là mẹo mực (mẹo là năng khiếu của người thợ, mực là chỉ sự mực thước, đúng mực). Phía dưới có một chân chính giữa và 3 chân phụ chạm đất.
Trước đây, các cụ làm rất đơn giản, không có hoạ tiết cầu kỳ. Nay làm bắt mắt hơn nhiều nên giá cả cũng cao hơn, tùy theo họa tiết tinh xảo, loại gỗ… giá dao động từ 15 đến 25 triệu đồng/chiếc. Có những chiếc “độc” (mặt bàn chỉ 1 tấm gỗ, dùng gỗ quý), giá 38 triệu đồng. Loại gỗ làm tốt nhất vẫn là gỗ mít (vườn) hoặc là loại gỗ khác nhưng phải là danh mộc (tức gỗ có tên tuổi, nhóm gỗ… ) như: sưa vàng, táu, lim, sến…
Công đoạn quan trọng là phải làm cho bàn có thể tự xoay, việc này, các anh chỉ làm trong vòng 1 ngày. Anh Miên khẳng định: làm cho bàn tự xoay là việc trong tầm tay của 3 thành viên, không có chuyện may rủi, chỉ có xoay nhanh hay chậm mà thôi. Từ khi biết làm bàn xoay đến nay, bản thân anh Miên chưa thất bại cái nào.
Nghệ nhân làm được bàn tự xoay nhưng không lý giải được
Anh Miên cho biết: “Trước đây chúng tôi nghĩ nó rất phức tạp nhưng khi làm được rồi thì thấy rất đơn giản, nhưng nói như thế không phải ai cũng làm được, mà ngoài lành nghề phải có niềm tin nào đó mà ngay chính bản thân chúng tôi cũng không thể lý giải”.
Theo anh Miên, làm được điều này là lộc của làng nên ai đặt hàng thì cả tổ cùng làm chung. Chiếc bàn độc xoay của nhóm thợ mộc làng Văn Hà đã đạt giải C tại Hội thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014.
Chiếc bàn lấy ra khỏi trụ, bỏ lên ghế bình thường, áp tay nhẹ vẫn xoay như thường theo ý nghĩ
Nói về việc có hay không chuyện bí ẩn về chiếc bàn tự xoay, anh Miên tâm niệm: “Trước hết thợ phải lành nghề, thành tâm, có nguyên lí của nó thì mới xoay được nhưng không loại trừ yếu tố bí ẩn mà ngay cả chúng tôi cũng không thể lí giải vì sao mình lại làm được thế và vì sao nó lại quay được như thế. Vì nghĩ là lộc, phúc của Tổ nghề, của làng, chúng tôi không khuếch chương mưu lợi lớn, luôn nhắc nhau thành tâm, rèn luyện để tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo, đặc biệt là chiếc bàn tự xoay để làng nghề Văn Hà ngày càng có tiếng vang xa hơn”.
Hiện trong nhà anh Miên có 3 cái bàn tự xoay, 1 cái để trưng bày, 1 cái có người đặt hàng 38 triệu đồng, bàn đã xoay được nhưng chưa được như ý nên còn tiếp tục sửa để “nhạy” hơn, còn 1 chiếc đã làm xong cơ bản, nhưng chưa làm công đoạn cuối cùng để nó tự xoay được theo ý nghĩ. Những chiếc bàn này trông khá giống với những chiếc bàn xoay ở Đà Lạt.
Chúng tôi xin phép thử, thấy chiếc bàn do nhóm anh Miên làm có điểm giống với những chiếc bàn ở TP. Đà Lạt là khi chúng tôi thử mộtngười hay nhiều người cùng đặt tay vào bàn, điều khiển, chiếc bàn đều xoay, dù để tay sấp hay ngửa. Càng nhiều người thì chiếc bàn càng nhạy, quay càng nhanh. Nhưng khác ở chỗ: trong khi những chiếc bàn ở Đà Lạt, nam hay nữ cùng đặt tay lên bàn đều xoay; bàn nhà anh Miên, cụ Thạch, khi một nam, một nữ cùng đặt tay thì chiếc bàn không xoay (!?). Và nữa, khi chúng tôi lấy mặt bàn ra khỏi trụ, đặt lên một chiếc ghế bằng phẳng nó vẫn xoay, nhưng xoay chậm, khi thử đặt ngửa mặt bàn thì bàn dường như không xoay.
Anh Miên cho biết: vào mùa hè, nóng chiếc bàn xuay nhanh, nhạy; mùa đông thì lâu xoay và khi xoay thì chậm chạp hơn. Trong khi đó, chiếc bàn của ông Hưởng tại số nhà 34 đường Khe Sanh, TP. Đà Lạt, dù tháo mặt bàn ra khỏi trụ, đặt sấp, ngửa thế nào, bàn vẫn xoay theo ý người điều khiển.
Với cách lý giải như trên của chủ nhân những chiếc bàn, các nhà khoa học và thực tế khi nghiên cứu kết cấu, khả năng tự xoay của những chiếc bàn này ở hai vùng khác nhau, chúng tôi cho rằng, vẫn còn điều gì đó rất bí ẩn về những chiếc bàn tự xoay và cần sự lý giải thuyết phục nhất.