(CAO) Hai côn trùng “sâu đục thân mình trắng” và “sâu đục thân mình hồng” đang tấn công hằng trăm ha cà phê đang chuẩn bị thu hoạch trên TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo thống kê sơ bộ những tháng đầu năm 2015, khoảng 3.400 ha cà phê trên toàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thì diện tích cà phê chè và cà phê vối bị sâu đục thân gây hại là khoảng 540 ha (chiếm 18,5% đến 70%), riêng xã Tà Nung chiếm nhiều nhất là 400,58 ha (chiếm 30% đến 70%). Tăng thêm 60ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Thiệt hại nặng nề
Chúng hoạt động quanh năm, nhưng xuất hiện vào 2 đợt là tháng 5 và tháng 11hằng năm, điểm đặc biệt 2 loại côn trùng này phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng. Đang gây hại cho nhiều vườn cà phê trên vùng ven TP Đà Lạt như xã Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành.
Sâu đục thân mình hồng đang gây thiệt hại nặng nè cho vườn cà phê của bà con nông dân tại TP Đà Lạt
Hiện nay, loại côn trùng này tấn công trên 2 loại cà phê chủ yếu tại Đà Lạt là cà phê chè và cà phê vối, độ tuổi cà phê thường bị tấn công là 4 năm tuổi đến khi trưởng thành.
Sâu đục thân mình trắng cũng phá hoại tương tự
“Năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 4 bắt đầu bỏ phân cho cà phê là những cây cà phê có hiện tượng ủ rủ lá, hoặc vàng có đốm nâu, là biết có sâu đục thân phá hoại, chỉ cần cầm đọt cà phê bẻ nhẹ là gãy ngang xương, đa phần sâu ăn tính từ gốc lên khoảng 30cm, cứ bình quân 1 cây 2 kg cà phê tươi.
Tính đến nay, thì vườn cà phê của gia đình tôi cũng hao hụt hết 300kg. Không chỉ riêng vườn tôi mà nhiều vườn lận cận cũng đều bị, nó giống như căn bệnh đến hằng năm với bà con nông dân chúng tôi”, anh Lê Quốc Vương xã Xuân Trường, TP Đà Lạt phân trần.
Cà phê ngã đầy đất
Tình trạng 2 côn trùng “sâu đục thân mình trắng” và “sâu đục thân mình hồng” đã xuất hiện từ những năm 2004 đến nay. Tình trạng những cây cà phê từ 4 đến 7 năm tuổi ngã rất nhiều. Hầu hết diện tích cà phê bị nhiễm 2 loại côn trùng trên, là do trong khuôn viên vườn rẫy thiếu cây che bóng như bơ, mít, cây muồng, việc vệ sinh vườn, thu gom những cây bị hại nặng từ những năm trước không được thường xuyên nên tạo điều kiện thuận lợi cho sâu đục thân gây hại.
Người dân khóc ròng vì sâu bọ tấn công
“Năm nào cũng vậy, gia đình tôi cũng bị thiệt hại vài trăm cây, làm tôi phải trồng dặm hoặc xen canh những cây đã chết hoàn, tiền cây giống không bao nhiêu cái công đi tới đi lui mất thì giờ, rồi phải bỏ công đi dọn những cây gãy. Tính khoảng 3 năm trở lại đây, vườn cà phê bị thiệt hại do sâu đục thân cũng gần 20 triệu”, anh Tiền Giang xã Xuân Trường nói.
Và nhiều bà con nông dân tại 2 xã Xuân Trường, xã Trạm Hành cũng đang lo lắng trước tình hình diễn biến sâu đục thân tấn công hiện nay.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng cho hay: Biện pháp khắc phục và hạn chế 2 loại côn trùng tấn công cây cà phê là nên trồng những cây che bóng mát như bơ, mít, hồng ăn trái, muồng hoa vàng, keo đậu... để làm giảm cường độ ánh sáng, tạo hình bằng cách tỉa cành sao cho cây được cân đối và thân được che phủ từ trên xuống dưới để tạo môi trường bất lợi cho sâu đục thân đến đẻ trứng.
Đối với cây bị hại nặng thì cắt bỏ phần bị hại để tiêu diệt bằng cách đốt hoặc chẻ thân cây ra để thu sâu non mới trường thành để diệt, phải bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng.
Các loại thuốc hoặc hoạt chất để phòng trừ như Diazinon: Diazol 10GR, Diazan 50EC rải đều xung quanh gốc, liều lượng 20 – 30kg/ha, Chlorpyrifos Ethyl + Crypermethrin: Tungcydan 55EC liều lượng 1,5 lít/ha, Chlorpyrifos Ethyl + Alpha-Cypermethrin: Supertac 500EC liều lượng sử dụng 2,5 lít/ha, lượng nước phun 800 lít/ha và phun ướt đều toàn bộ cây, đặc biệt phun kỹ thân cây, va phu vào sáng sớm hoặc chiều mát
Hai loại côn trùng sâu đục thân mình trắng có tên khoa học là “Xylotrechus quadripes” và sâu đục thân mình hồng là “Zeuzera coffeae”. Chu kì sống của 2 loại côn trùng là từ 150 ngày đến 180 ngày ăn tất cả các loại cây lớn bé khác nhau, là loại kí sinh chuyên tính, chiều dài của 2 loại côn trùng này từ 2 đến 3 cm.
Bài ảnh: Quỳnh Anh – K’ Liệp