(CAO) Lực lượng chức năng Q.1 đồng loạt ra quân
xử phạt người “
tiểu bậy”, vứt rác, xả rác nơi công cộng tại trung tâm TP.HCM. Mức phạt cao nhất sẽ là 400.000 đồng/lần.
Nhan nhản người tiểu bậy…
Dạo một vòng quanh khu vực chợ Bến Thành (Quận 1, TP.HCM), đường Võ Văn Tần (Quận 3), dưới một số chân cầu,... PV vẫn phát hiện nhiều đối tượng vô tư “xả ra” môi trường. Điều đáng nói, ngoài những người làm nghề xe ôm, bán vé số…, một số đối tượng đi ô tô, xe tay ga đắt tiền, diện đồ hàng hiệu cũng dừng lại bên đường, tranh thủ tiểu bậy.
Theo số liệu từ Đội quản lý trật tự đô thị Q.1, từ khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực đến nay, trên địa bàn quận 1 đã phát hiện và lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, trong đợt ra quân ngày 6-2, phát hiện ông V.T.L (58 tuổi, ở P.Tân Định, hành nghề chạy xe ôm) và anh Đ.Q.T (35 tuổi, Việt kiều Mỹ) tiểu tiện nơi công cộng. Ngày 8-2, đoàn tiếp tục kiểm tra quanh các trục đường chính, khu vực công cộng như công viên 30-4, xung quanh nhà thờ Đức Bà, các đường: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Lê Duẩn...
Trong năm 2016, quận 1 đã phạt hơn 2.000 trường hợp liên quan đến các hành vi trên, nhưng theo mức phạt cũ chỉ 200.000 đồng/trường hợp. Từ đầu năm 2017 đến nay đã lập biên bản hơn 10 trường hợp vi phạm tương tự.
“Việc tăng mức phạt là cần thiết để răn đe, giáo dục người dân không vi phạm pháp luật. Trước đây, với tiền phạt 200.000 đồng, người dân tuy chịu đóng phạt nhưng vẫn tái phạm. Hiện nay, với Nghị định mới, các trường hợp vi phạm sẽ phải đóng phạt ở mức cao từ 1-3 triệu đồng. Trong vòng 10 ngày phải đến Kho bạc Nhà nước TP nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì Q.1 sẽ gửi thông báo đến chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để đôn đốc, yêu cầu thực hiện”, một nhân viên thuộc Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 cho biết thêm.
Cùng với quận 1, các quận, huyện khác trên địa bàn TP.HCM cũng đang đồng loạt ra quân để dẹp nạn tiểu bậy. Nhiều cán bộ đã mặc thường phục để đi “vi hành”, xuống tận từng con đường, góc phố, ngõ hẻm để kiểm tra, bắt tận tay các đối tượng vi phạm.
Chị Nguyễn Thị Duyên (Viện kiểm sát quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều người cứ đổ tội cho thiếu nhà vệ sinh nên mới tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng.
Tuy nhiên, trên đường đi làm vệ, tôi phát hiện nhiều người thậm chí còn tiểu tiện ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng. Trong khi ý thức của người dân về vấn nạn này còn thấp, tôi ủng hộ việc tăng mức xử phạt. Ngoài việc xử phạt bằng tiền thì các đối tượng vi phạm nên bị đưa lên các báo, đài để xấu hổ, từ đó thay đổi hành vi. Việc xử phạt phải được tiến hành đồng bộ và triệt để. Nghị định đặt ra để thực hiện chứ đừng để đó, người dân sẽ nhờn Luật”.
Thay đổi ý thức người dân
Trung tá Nguyễn Hữu Tài, Trưởng Công an phường Bến Thành, Q.1 cho biết việc phát hiện và xử phạt hành vi tiểu tiện bậy cũng khó. Mặc dù vừa nhìn thấy người ta đang vi phạm nhưng đến lập biên bản xử phạt người ta chối bay chối biến, thì cũng làm gì được, bởi camera chưa phủ khắp mọi nơi, trong khi đó mình cũng không thể đưa người ta về đồn xử lý. Nhiều trường hợp người dân tận mắt chứng kiến hành vi tiểu tiện nơi công cộng và báo lên cho cơ quan chức năng nhưng khi công an xuống được tới nơi thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”.
Cũng theo ông Tài, để đưa được nghị định đi sâu sát vào quần chúng cần thời gian dài và phải thực sự bền bỉ. Thời gian đầu, nên tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vi phạm.
Nguyên nhân chủ yếu của việc đái bậy là do ý thức người dân
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của việc tiểu tiện bừa bãi là do thiếu nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, ở xung quanh chợ Bến Thành, công viên 23-9… có rất nhiều nhà vệ sinh nhưng vẫn có những người tiểu tiện bậy.
“Muốn thay đổi hành vi phải bắt đầu thay đổi từ ý thức của người dân. Như trước đây, vào năm 2001, TP.HCM yêu cầu toàn dân đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Ban đầu, có nhiều lúng túng trong việc phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm nhưng rồi, dần dần, người dân cũng hình thành ý thức đội mũ bảo hiểm khi ngồi lên xe máy”, ông Tài dẫn chứng.
Ở một số nước trong khu vực, việc tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính ở mức rất cao. Điển hình như Singapore, nếu xả rác, tiểu bậy sẽ bị phạt đến 1.000 SGD (khoảng 16 triệu đồng), tái phạm sẽ bị phạt 2.000-5.000 SGD và phải lao động công ích nhiều giờ liền. Ở Kuala Lumpur (Malaysia), nếu vi phạm bị phạt 5.000 RM (hơn 25 triệu đồng), thậm chí nơi cấm tiểu bậy mà vi phạm nhiều lần có thể kết án tù.
Những cơ quan, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Theo chương III, Nghị định 155/2016/NĐ-CP) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng. Trạm trưởng, đội trưởng công an nhân dân có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.500.000 đồng. Trưởng công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 2.500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2.500.000 đồng; Trưởng công an cấp huyện; Trưởng phòng công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng cảnh sát môi trường và trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng... |