Những con đường góp phần kéo khu Đông TPHCM chậm phát triển:

Bài 3: Đứt quãng huyết mạch giao thông do cầu chưa nối nhịp

Thứ Tư, 15/03/2023 19:03

|

(CATP) Nói đến những cây cầu xây từ lâu vẫn chưa xong, nhiều người dân TP.Thủ Đức (TPHCM) tỏ ra ngao ngán. Rồi tuyến đường Đỗ Xuân Hợp kết nối từ Xa lộ Hà Nội đến đường Nguyễn Duy Trinh - là tuyến đường huyết mạch của Q9 cũ, nay là TP.Thủ Đức, dự kiến sẽ mở rộng lên 30m, nhưng sau nhiều năm thường bị ngập, xuống cấp và liên tục tắc nghẽn giao thông mà dự án vẫn chưa hoàn tất.

Mật độ giao thông đông đúc

Đường Đỗ Xuân Hợp băng qua sông Rạch Chiếc bằng cầu Nam Lý (xây chưa xong). Trên đường này có cầu vượt Đỗ Xuân Hợp và nút giao với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đến điểm cuối là đường Nguyễn Duy Trinh (Q2 cũ, nay là TP.Thủ Đức). Đường Đỗ Xuân Hợp còn giao với nhiều tuyến đường quan trọng khác, gồm: Liên Phường, Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú, Tây Hòa... Tất cả tạo ra mạng lưới giao thông có mật độ rất lớn của Q9 cũ.

Đường Đỗ Xuân Hợp nhìn toàn diện là trục đường huyết mạch của P.Phước Long B, có mật độ giao thông đông đúc. Mặt tiền đường tập trung nhiều hoạt động kinh doanh, mua bán, do khu vực này có nhiều trường, như: Trường Đại học Văn hóa, các Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ TPHCM, Cao đẳng Công nghệ Viettronics... Lưu lượng xe trên tuyến đường này dày đặc, khi công nhân đi làm tại Khu Công nghệ cao TPHCM, sinh viên đến trường... Đường Đỗ Xuân Hợp còn là nơi tập trung chợ, trung tâm văn hóa, ngân hàng, nhà hàng, nhiều khu dân cư lớn.

Đường Đỗ Xuân Hợp còn là một trong các tuyến đường chính để lưu thông hàng hóa ra vào cảng Cát Lái, khu cảng sầm uất bật nhất TPHCM và cả nước. Đường này cắt ngang đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nên việc đến các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rất gần. Rồi số lượng hàng hóa lưu thông từ nhiều khu công nghiệp tới cảng và từ cảng về các tỉnh càng làm lượng xe tải, xe container qua lại trên đường Đỗ Xuân Hợp ngày một tăng cao. Tình trạng chung là vào giờ cao điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Cầu Nam Lý chưa biết khi nào mới nối nhịp

Thi công hơn 4 năm, nhưng Dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp đến nay vẫn ì ạch. Từ quý III/2018, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM triển khai thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn qua Q2 cũ và Q9 cũ) lên thành 30m (bao gồm vỉa hè rộng 8m hai bên). Theo đó, đường Đỗ Xuân Hợp đoạn từ cầu Nam Lý đến đường Nguyễn Duy Trinh dài gần 2km, được mở rộng lên 30m, với 6 làn xe. Dự kiến Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 sẽ lắp đặt thêm hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh... Tổng mức đầu tư của dự án này là 390 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, do vướng về giải phóng mặt bằng nên tiến độ bị chậm trễ, đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Bao giờ cầu nhối nhịp?

Trên những tuyến đường huyết mạch có vai trò lớn lao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng tầm phát triển khu Đông TPHCM, vấn đề "vướng" nhất vẫn là cầu. Cảnh ngộ chung là nhiều dự án xây cầy phải ngừng thi công từ 3-5 năm vì vướng về giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án xây cầu trăm tỷ ở TP.Thủ Đức được nhận định là có nhiều tiến triển (theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM), nhưng vẫn phải tiếp tục chờ.

Ùn tắc liên tục xảy ra trên các tuyến đường huyết mạch của TP.Thủ Đức

Cây cầu Nam Lý dài 449m, tổng mức đầu tư là 857 tỷ đồng, do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Đây là dự án được người dân mong mỏi sớm hoàn thành, nối liên tuyến huyết mạch khu Đông. Theo kế hoạch, cầu Nam Lý được xây dựng và hoàn thành trong 18 tháng. Dự án được khởi công từ ngày 08-10-2016, đến năm 2017 phải tạm ngừng thi công vì chưa được bàn giao đủ mặt bằng. Việc chậm tiến độ kéo theo nhiều hệ lụy. Công trình cầu Nam Lý có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, tăng từ 857 tỷ đồng lên 918 tỷ đồng hồi tháng 6-2022.

Việc chậm tiến độ dẫn tới "đội vốn" theo thời gian, do đó các dự án mở rộng đường, thi công trở lại các cây cầu nối liền những tuyến giao thông huyết mạch để phát triển TP.Thủ Đức rất cần sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi làm dự án. Sự đồng tình, ủng hộ là rất cần thiết từ người dân, nhưng cũng cần sự quyết liệt của chủ đầu tư và đơn vị thi công tích cực sớm hoàn thành các dự án trọng điểm này.

Đến nay, công trình cầu Nam Lý mới hoàn thành một số hạng mục nhánh trụ cầu, nhịp cầu dẫn, mố cầu và hệ thống thoát nước (đạt khoảng 39% tổng khối lượng dự án). Chưa hết, công trình cầu Nam Lý được phê duyệt lần đầu từ năm 2008, phê duyệt điều chỉnh dự án vào năm 2011, rồi nay phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2024. Hiện nay, cây cầu nằm trơ sắt, chiếm dụng lòng đường, càng gây kẹt xe nhiều hơn khi lưu thông qua đoạn đường này. Công trình bỏ hoang phế nhiều năm, các khu vực thi công được che chắn tạm bợ, cỏ dại mọc um tùm... trông khá nhếch nhác.

Cầu Nam Lý được xây dựng nhằm đồng bộ với đường Đỗ Xuân Hợp, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với mức độ đô thị hóa của khu vực TP.Thủ Đức và bảo đảm yêu cầu giao thông đường thủy của sông Rạch Chiếc sau khi cải tạo. Trong đó, cầu Nam Lý dự kiến tái thi công trong năm nay (năm 2023), sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng đến đầu năm 2023. Kế hoạch thu hồi đất, điều tra và khảo sát dự án do UBND TP.Thủ Đức ban hành hồi năm 2021. Hiện nay, làm sao để dự án sớm hoàn thành là điều mà người dân đang mong đợi.

Dự án cầu Long Đại mới thi công một phần rồi ngưng

Điều chỉnh dự án và "đội vốn"

Cách cầu Nam Lý khoảng 6km, công trình cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai (TP.Thủ Đức) bắc qua rạch Trau Trảu cũng chung cảnh ngộ. Cầu Tăng Long dự kiến rộng 23m, dài 231m, với 4 làn xe và lề bộ hành hai bên. Tổng vốn đầu tư cũng được điều chỉnh tăng từ hơn 450 tỷ đồng lên hơn 688 tỷ đồng hồi tháng 7-2022. Dự kiến cầu Tăng Long sẽ được thi công trở lại và xây xong trong năm 2024, sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng chậm nhất vào cuối tháng 6-2023.

Dự án xây dựng cầu Tăng Long được phê duyệt vào tháng 10-2016, phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án khởi công từ tháng 12-2017, đến năm 2018 thì ngưng thi công vì phần mặt bằng còn lại chưa được bàn giao. Dự án cứ để như vậy trong thời gian dài, vốn đầu tư nâng lên rất nhiều (hàng trăm tỷ đồng), nhưng đến giờ vẫn chưa xây xong.

Cầu Tăng Long "đội vốn" hàng trăm tỷ đồng, nay tiếp tục chờ gỡ vướng

Tương tự, cầu Long Đại bắc qua sông Tắc, nối hai phường Long Bình và Long Phước của TP.Thủ Đức. Dự án nâng cấp cầu Long Đại được phê duyệt hồi tháng 10-2015 (tên cũ là Dự án xây dựng cầu Phước Thiện). Công trình cũng được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2022. Cầu Long Đại khởi công hồi năm 2017, khi thi công đạt 65% tổng khối lượng thì ngừng vào năm 2019 đến nay, do người dân không đồng ý với mức giá đền bù.

Theo Sở GTVT TPHCM, khó khăn lớn nhất của các dự án này chủ yếu là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cạnh đó, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường, thiếu quỹ đất, nhà tái định cư cho người dân thuộc diện giải tỏa trắng và những người không đồng tình với phương án bồi thường. Điều này dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án rất phức tạp.

(Còn tiếp...)

Bài 2: Cảng Cát Lái có 5 cổng nhưng chỉ một đường độc đạo ra vào
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang