Ùn tắc, kẹt xe gây thiệt hại nặng về kinh tế
Dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống, nút giao Mỹ Thủy (TP.Thủ Đức) được lên kế hoạch triển khai cách đây nhiều năm hoặc đã khởi công, nhưng thi công ì ạch rồi để đó, khiến khu vực cảng Cát Lái xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe triền miên. Hằng ngày, theo ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM vào những ngày đầu tháng 3-2023, trên đường Nguyễn Thị Định đoạn từ nút giao Mỹ Thủy tới cảng Cát Lái, nào là xe tải, xe container... luôn dày đặc. Trung bình mỗi ngày, đoạn đường này có khoảng 20.000 ôtô tải trọng lớn ra vào. Cảng có tới 5 cổng giao nhận hàng, nhưng chỉ một con đường dẫn vào với bề ngang rộng 12m, hỗn hợp các làn xe, dẫn tới hậu quả khó tránh khỏi là ùn ứ, tắc nghẽn giao thông, đặc biệt là thật sự nguy hiểm cho rất đông xe máy lưu thông len lỏi trên cung đường chật hẹp này.
Lối vào cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc tại nút giao An Phú, "điểm đen" kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông TPHCM. Cuối năm 2022, TPHCM đã triển khai dự án xây dựng nút giao này, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.408 tỷ đồng, quy mô xây dựng 3 tầng. Dự án có phần đường từ 10 - 12 làn xe, 3 hầm chui với 4 làn xe chạy 2 chiều, các cầu vượt mỗi nhánh có 2 làn xe. Sau khi hoàn thành toàn bộ dự án dự kiến vào ngày 30-4-2025, nút giao thông An Phú được kỳ vọng trở thành nút giao thông lớn nhất, đẹp nhất TPHCM.
Cảng Cát Lái hiện là cảng lớn nhất nước, với sản lượng hàng hóa chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và gần 50% cả nước, nên các tuyến đường xung quanh thường xuyên ùn tắc, giao thông phức tạp nhất địa bàn TPHCM. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM từng nhận xét, tình trạng kẹt xe quanh cảng Cát Lái gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp.
Trước tình trạng trên, từ năm 2016, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM đã lập dự án nâng cấp đường Nguyễn Thị Định, mở rộng mặt đường lên từ 70-77m, gấp hơn 6 lần hiện nay, với tổng mức đầu tư là 1.443 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, dự án này vẫn "án binh bất động". Trong khi đó, cũng nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách cảng Cát Lái chưa đầy 500m, dự án nút giao Mỹ Thủy có vốn từ sớm nhưng lại liên tục gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Hậu quả là tiến độ dự án thực hiện chậm, đội vốn từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng.
Cần hoàn thành sớm các dự án giao thông để đồng bộ với lưu lượng hàng hóa thông quan qua các cảng trên địa bàn TPHCM
Tương tự, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường Nguyễn Thị Tư dài khoảng 1,6km, được ví là "con đường tử thần" do xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người. Mặt đường chỉ rộng khoảng 7m, không có dải phân cách giữa 2 chiều, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn chạy chung với xe máy. Năm 2019, Sở GTVT TPHCM phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 30m, với 4 làn ôtô và 2 làn xe máy, tổng mức đầu tư là 832,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm không triển khai, tổng mức đầu tư hiện tăng lên thành 1.630 tỷ đồng, tức là đội vốn gần 800 tỷ đồng (do tăng chi phí giải phóng mặt bằng). Hàng loạt dự án hạ tầng khác xung quanh khu vực cảng Cát Lái, như: nâng cấp đường Lương Định Của, mở rộng đường Đồng Văn Cống... đều chung cảnh chậm trễ.
Cần đáp ứng nhanh về hạ tầng giao thông
Theo Sở GTVT, nhiều tuyến đường kết nối các cảng ở TPHCM bị chậm trễ nhiều năm do thiếu nguồn lực. Từ tháng 4-2022, TPHCM đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển. Đến hết năm 2022, tổng nguồn thu đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Dự kiến trong 5 năm, số phí mà TPHCM thu được khoảng 14.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư vào các công trình xung quanh cảng.
Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM bổ sung hơn 30.500 tỷ đồng vào kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện 11 dự án, nhằm giải quyết ùn tắc, tăng kết nối cảng biển. Đến tháng 02-2023, Sở GTVT tiếp tục đề xuất, trình UBND TPHCM ban hành danh mục 33 công trình, dự án GTVT trọng điểm năm 2023 trên địa bàn TPHCM. Trong đó, có đường liên cảng sẽ thực hiện bằng nguồn thu phí cảng biển, với tổng mức đầu tư là 8.000 tỷ đồng. TPHCM sẽ xây dựng đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - Vành đai 3, dự kiến khởi công vào năm 2024.
Mặt bằng tổng thể Dự án xây dựng nút giao thông An Phú
Sở GTVT TPHCM còn cho biết, 3 dự án để khép kín đường Vành đai 2, gồm: Đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (8.591 tỷ đồng), đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến Đại lộ Phạm Văn Đồng (8.458 tỷ đồng), đoạn từ QL1A đến Đại lộ Nguyễn Văn Linh (9.240 tỷ đồng), nhằm đáp ứng kịp thời về lưu lượng vận tải và tham gia giao thông tăng nhanh hiện nay. Tiếp đến là xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỷ đồng), đường Vành đai phía Đông đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (1.219 tỷ đồng), xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (578 tỷ đồng). Đồng thời, bổ sung kế hoạch vốn cho 4 dự án mới, gồm: Hoàn thiện đoạn đường Vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu (hơn 2.200 tỷ đồng), mở rộng trục đường Bắc - Nam từ Đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (gần 4.500 tỷ đồng), nâng cấp cầu Bình Phước 1 và Bình Triệu 1 (gần 300 tỷ đồng).
Mở đường chuyên dụng kết nối cảng biển với đường cao tốc
Một trong các giải pháp để thúc đẩy khu Đông TPHCM phát triển là UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ GTVT, kiến nghị mở tuyến đường chuyên dụng kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nhằm giải quyết bài toán kẹt xe triền miên cho tuyến giao thông huyết mạch, độc đạo hiện hữu từ trước tới nay. Tuyến đường mới sẽ dài 6km, rộng 60m, có 12 làn xe, vận tốc thiết kế là 60km/giờ, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, đến đường Nguyễn Thị Tư rồi qua các rạch Bà Cua, Ông Nhiêu, kết thúc tại nút giao đường Vành đai 3 TPHCM và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Lý giải về kiến nghị mở thêm tuyến đường này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu Đông Bắc của TPHCM, là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TPHCM. Hiện nay, sản lượng container của cảng Cát Lái chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và gần 50% so với các cảng trên cả nước. Giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu (TP.Thủ Đức) gần đó đang rất khó khăn, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, gây mất an toàn giao thông trong khu vực.
Theo UBND TPHCM, trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch chung TP.Thủ Đức, TPHCM thấy cần thiết nghiên cứu, bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai 3 TPHCM. Đây là đường chuyên dụng, chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái và cảng Phú Hữu. Khi thực hiện tuyến đường này, cần điều chỉnh một số đồ án quy hoạch và bổ sung một số nội dung đối với Dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
Các phương tiện trên tuyến đường này được tổ chức đi từ khu vực cảng vào đường Vành đai 3 TPHCM, đến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại, trên nguyên tắc dòng xe di chuyển liên tục. UBND TPHCM dự tính để làm tuyến đường này, phải giải tỏa khoảng 59 héc-ta đất. Để phát triển cả khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các cảng tại TPHCM và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, việc thực hiện dự án này cũng rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của người dân có đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Tầm quan trọng của dự án là góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, bảo đảm an toàn giao thông và sự kết nối để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển mạnh mẽ.
(Còn tiếp...)
(CATP) Trong kế hoạch phát triển giao thông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) ban hành vào tháng 7-2020, nhằm quản lý, phát triển đô thị theo hướng thông minh, đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp định hướng xây dựng TP.Thủ Đức. Sở GTVT xác định có 16 dự án đường bộ ở khu Đông chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư từ năm 2021-2025, đây là những tuyến đường đã quá tải lượng xe cộ lưu thông lâu nay.
VĂN TOÀN - DUY LUÂN - VĂN BÌNH