Những con đường kéo khu Đông TPHCM chậm phát triển:

Bài 1: Đường Đồng Văn Cống - 3 cây số, trễ hẹn hơn 3 năm!

Thứ Hai, 13/03/2023 17:30

|

(CATP) Trong kế hoạch phát triển giao thông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) ban hành vào tháng 7-2020, nhằm quản lý, phát triển đô thị theo hướng thông minh, đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp định hướng xây dựng TP.Thủ Đức. Sở GTVT xác định có 16 dự án đường bộ ở khu Đông chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư từ năm 2021-2025, đây là những tuyến đường đã quá tải lượng xe cộ lưu thông lâu nay.

Trong những ngày đầu tháng 3-2023, ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tại các cung đường vốn lâu nay được xem là huyết mạch của nhiều khu dân cư và ra vào nhiều cảng vận tải ở TP.Thủ Đức (TPHCM), điều đầu tiên chúng tôi chứng kiến là việc mất an toàn giao thông, ám ảnh về tai nạn giao thông luôn chực chờ xảy ra... Mặt đường quá chật hẹp mà lưu lượng xe rất lớn, dẫn đến quá tải. Trong khi đó, dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch này lại "án binh bất động", dù người dân mong mỏi các dự án này được thi công sớm ngày nào thì mừng ngày nấy.

Chờ đến bao giờ?

Tại đường Đồng Văn Cống - tuyến đường đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi lưu lượng xe cộ nơi đây lúc nào cũng náo nhiệt, đặc biệt là xe container. Chỉ mới lên tới cầu Giồng Ông Tố 2, xe container, xe tải... đã bấm còi inh ỏi, không khỏi khiến các tài xế lái xe máy giật mình vì đoạn đường quá nhỏ hẹp. Cảnh tượng xe container, xe tải... chạy vùn vụt, kèm theo khói bụi, âm thanh đinh tai nhức óc của động cơ gầm rú, còi xe bấm loạn xạ, cánh tài xế giống như "tranh nhau" ra vào cảng Cát Lái. Đối nghịch với cảnh giao thông ngày đêm náo nhiệt, quá tải, nguy hiểm đe dọa về trật tự an toàn giao thông trên đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy) hay đoạn gần cảng Cát Lái, dự án mở rộng đường này thành nhiều làn xe lại vẫn im lìm.

Dòng xe ùn tắc trên đường Đồng Văn Cống

Dự án thi công mở rộng đường Đồng Văn Cống được người dân địa phương và cánh tài xế rất quan tâm, vì sẽ góp phần giải quyết lưu lượng xe quá tải hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ TP.Thủ Đức) lấy tay quệt mồ hôi, tay còn lại chỉ vào đám cây bụi ven đường, nói: "Nghe dự án mở rộng đường mà ngày ngày toàn thấy xe container, xe tải tranh nhau chạy, xe máy thì chen chúc trong làn đường nhỏ xíu. Mà hai bên đường, quỹ đất đâu phải không có! Sao không thấy mở rộng mặt đường, xây dựng thêm làn xe cho người dân đi mà chờ đến bao giờ? Mỗi ngày đi làm qua đoạn đường này, tôi ngán lắm. Chứng kiến những vụ tai nạn là lạnh sống lưng, nhất là tại khu vực nút giao Mỹ Thủy...".

Vừa qua, Sở GTVT báo cáo UBND TPHCM về dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống bị chậm tiến độ. Sở GTVT cũng đề nghị thanh tra toàn diện dự án này để xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, vì chậm tiến độ đã hơn 2 năm. Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (trục chính dẫn vào cảng Cát Lái) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Đến nay, công trình đã chậm khoảng 27 tháng so với tiến độ đề ra. Nhà thầu thi công đã tạm ngưng thi công từ hồi tháng 6-2022. Tình trạng này đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi việc chậm trễ hoàn thành công trình sẽ gây lãng phí ngân sách.

Người dân mong mỏi sớm thi công mở rộng đường Đồng Văn Cống để đáp ứng nhu cầu giao thông (ảnh chụp đầu tháng 03-2023)

Được biết, thời gian qua, Sở GTVT đã nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành công trình. UBND TPHCM yêu cầu chủ đầu tư triển khai thi công lại trước ngày 15-2-2023 và hoàn thành toàn công trình vào tháng 8-2023. Nhưng trên thực địa tuyến đường Đồng Văn Cống vào những ngày đầu tháng 3 này thì dự án vẫn nằm chờ.

Mệt mỏi vì ùn tắc, kẹt xe

Anh Trần Thanh Hưng (ngụ Q.Bình Thạnh, tài xế xe container) thường xuyên ra vào cảng Cát Lái nhận hàng, than phiền: "Cứ nghĩ đến đường Đồng Văn Cống là cánh tài xế chúng tôi ngán ngại, bởi lưu lượng xe thường xuyên quá tải do xe ra vào cảng Cát Lái ngày càng tăng cao. Nhất là những nút giao thông có cột đèn tín hiệu, nhiều lần tôi gặp cảnh ùn tắc. Những lúc cao điểm, dòng xe xếp hàng dài cả cây số trên tuyến đường này, vừa gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người đi đường, mà lại tốn công sức, tiền của và chậm chuyến hàng. Biết bao nhiêu hệ lụy xảy ra".

"Tâm lý của anh em tài xế là làm sao quay vòng, bảo đảm nhận chở hàng hóa kịp thời, nhưng gặp cảnh đường bị quá tải nên ai cũng tranh thủ đạp ga, cho xe len lỏi để đi, càng gây nguy hiểm về trật tự an toàn giao thông. Không có tài xế nào mà không sợ tai nạn, nhưng vì miếng cơm manh áo mà cứ vội vã, thậm chí tranh nhau từng chỗ trống để len xe vào, nguy hiểm lắm!" - anh Hưng vừa nói, vừa vén cái áo để lộ tấm lưng đen thui, chứng tích của không biết bao nhiêu lần vì kẹt xe, phải tắt máy, cởi trần chờ đường thông, vì nổ máy thì sợ tốn tiền dầu. Về dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, anh Hưng không khỏi thất vọng, "bởi nghe lâu lắm rồi, nhưng sao thấy vẫn như cũ, không thấy làm?".

Lưu lượng xe container trên tuyến đường huyết mạch ra vào cảng Cát Lái hằng ngày rất lớn

Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống chỉ dài khoảng 2,8km, khởi công từ tháng 2-2020, với vốn đầu tư khoảng 42 tỷ đồng. Dự án này mở rộng mặt đường thêm 7m so với hiện tại, tăng thêm 2 làn xe. Dự kiến ban đầu là hoàn thành sau khoảng 9 tháng khởi công, nhưng đến nay dự án đã chậm tiến độ 27 tháng. Dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sớm ngày nào thì phát huy hiệu quả đối với xã hội ngày đó. Ngược lại, nếu dự án chậm trễ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thiệt hại rất lớn. Lâu nay, biện pháp đối với tình trạng dự án thi công chậm trễ mà dư luận rất ủng hộ, đồng tình là phải cứ căn cứ vào hợp đồng, có tiến độ rõ ràng mà kiên quyết xử lý; không thể cứ mãi làm kiểu ì ạch, rồi viện nhiều lý do để tiếp tục chậm trễ.

Tương tự, khi hay tin tuyến đường huyết mạch Nguyễn Duy Trinh nhỏ hẹp, phương tiện di chuyển đông, thậm chí được mệnh danh là "cung đường tử thần" sắp được mở rộng, người dân rất mừng. Quy hoạch đường Nguyễn Duy Trinh được coi là một trong những dự án trọng điểm tại TPHCM. Dự kiến tuyến đường này sẽ nâng cấp, mở rộng thành 2 làn xe máy và 4 làn ôtô, lộ giới nâng lên 30m. Cuối năm 2019, Sở GTVT phê duyệt dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn Q2 cũ), với chi phí đầu tư lên đến 832,2 tỷ đồng. Dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh khởi công vào năm 2021. Trong đó, riêng chi phí đền bù đất và giải phóng mặt bằng, di dời cơ sở hạ tầng là 507,9 tỷ đồng. Chi phí xây dựng tuyến đường khoảng 254,5 tỷ đồng.

Nhưng thực tế thì sao? Đường Nguyễn Duy Trinh là trục đường có lịch sử lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong giao thương, kết nối Q9 và Q2 cũ (nay đều thuộc TP.Thủ Đức). Mặt đường Nguyễn Duy Trinh chỉ rộng khoảng 7m, không có dải phân cách chia hai chiều lưu thông, được coi là "điểm đen" bởi tình trạng ùn tắc và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Qua phản ánh của nhiều người dân, bà con rất quan tâm khi được hỏi về các dự án mở rộng những tuyến đường huyết mạch, được đầu tư cấp thiết tại TP.Thủ Đức giai đoạn 2021-2030, như: Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt, Lò Lu... Hai bên đường có nhiều hàng quán buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Các dự án trên đang rất cần sự đồng thuận của người dân có nhà, đất hai bên đường để sớm khởi công xây dựng và hoàn thành.

l Bên cạnh các tuyến đường huyết mạch về giao thông tại nhiều khu dân cư lớn cũng như kết nối ra vào các cảng tại TP.Thủ Đức, hàng loạt cây cầu nằm phơi nắng, phơi sương bấy lâu cũng đang cần thi công xây dựng để sớm đưa vào sử dụng. Như cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (đầu tư 857 tỷ đồng, khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018; nhưng năm 2019 chỉ hoàn thành dở dang, đến nay vẫn trơ các khung sắt), cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2019; đến nay mới làm được khoảng 30% rồi để đó)...

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang