Theo vết nhặng xanh:

Kỳ 4: Giải oan nhờ chuyên gia côn trùng học

Thứ Năm, 09/03/2023 18:19

|

(CATP) Bị kết án treo cổ ở tuổi 14 về tội hãm hiếp và sát hại cô bạn học cùng lớp, cậu thiếu niên người Canada Steven Truscott phải mang tiếng oan cho tới năm 2007 mới được Tổng chưởng lý tỉnh Ontario xin lỗi về sai lầm kéo dài suốt 48 năm cho cậu.

Chuyến đi định mệnh

Khoảng 4 giờ chiều 11-6-1959, xác bé Lynne Harper (12 tuổi) được phát hiện trong khoảnh rừng gần thị trấn Clinton, tỉnh Ontario, Canada. Một vài nhân chứng thấy lúc chiều muộn 09-6-1959 Steven Truscott chở Lynne bằng xe đạp trên đường từ trường học về phía bắc, nơi có tuyến cao tốc số 8. Steven khẳng định đã đưa Lynne tới ngã tư giao với đường cao tốc an toàn và chia tay cô bé ở đó. Do xác Lynne được phát hiện trong khoảnh rừng nằm sát mép con đường thẳng nối giữa trường và ngã tư cao tốc nên Steven bị cáo buộc đưa cô bé vào rừng để hãm hiếp và siết cổ bằng chính chiếc áo sơ-mi của nạn nhân.

Sáng hôm sau, khi bị cảnh sát thẩm vấn, Steven trả lời khi chạy ngược đường cũ để trở về trường, đến cây cầu bắc qua sông, cậu còn ngoái cổ lại và thấy Lynne bước lên 1 chiếc xe hơi Chevrolet đời mới. Mặc dù ngay từ đầu cho tới mấy chục năm sau, Steven vẫn khẳng định không làm hại cô bạn học, nhưng hôm 12-6-1959 cậu bé đã bị bắt và xét xử như người lớn (tức có thể lãnh án tử hình).

Ngày 16-9-1959, phiên tòa xét xử mở đầu với cáo trạng Steven Truscott đã sát hại Lynne trong khoảng từ 7 giờ - 7 giờ 45 tối (lúc 8 giờ tối cậu bé đã quay lại trường). Trong thời gian này, dựa theo kết luận của bác sĩ pháp y John Penistan: trong dạ dày của Lynne còn thức ăn mới được tiêu hóa rất ít, ngày 30-9-1959 Steven Truscott bị tuyên án tử hình.

Vợ chồng Truscott và 3 người con của họ

Trước sức ép dư luận, tháng 10-2004 Bộ trưởng Tư pháp Canada Irwin Cotler yêu cầu tòa phúc thẩm Ontario xem xét lại vụ án. Trong các ngày từ 31-01 đến 14-02-2007 tòa đã xem xét và nhận định về các lỗ hổng trong 4 nhóm lý do chính để kết tội Truscott.

Các chuyên gia côn trùng học vào cuộc

Tòa đã mời 3 chuyên gia côn trùng học thực hiện việc xác định lại thời gian tử vong của Lynne Harper dựa trên biên bản khám nghiệm, các ghi chép của bác sĩ John Penistan và trợ lý khi họ quan sát, chụp ảnh đồng thời thu nhặt mẫu vật côn trùng tại hiện trường vào năm 1959.

Khó khăn đầu tiên mà các chuyên gia côn trùng học gặp phải là vào ngày Lynne bị sát hại (theo phán quyết năm 1959 là hôm 09-6-1959) thì ở Clinton mặt trời lặn lúc 21 giờ 6 phút, như vậy sau khi Lynne được cho là đã bị giết, côn trùng vẫn còn gần 2 tiếng đồng hồ hoạt động; khó khăn thứ hai là trên thi thể của Lynne có dòi của nhặng xanh và của ruồi xám đẻ trứng trực tiếp, nhưng ghi chép của John không phân biệt được rõ ràng và chính xác kích thước của từng chủng loại dòi, trong khi những bức ảnh ố màu theo thời gian đã gây nhiều khó khăn cho các chuyên gia trong việc xác định hình thái của từng loại dòi...

Lynne Harper (trái) và Steven Truscott trước khi án mạng xảy ra

Kết quả, bác sĩ Sherah VanLaerhoven - 1 trong 2 chuyên gia minh oan cho Truscott - tuyên bố với xác suất 95% nhặng xanh đã đẻ trứng lên thi thể Lynne sau 11 giờ trưa 10-6-1959; về phần mình, bác sĩ Richard Merrit - chuyên gia trong nhóm bảo vệ Truscott - cho rằng nhặng xanh đã đẻ trứng sau 2 giờ sáng 10-6-1959, nhưng vì loài này không hoạt động về đêm nên hẳn chúng đã đẻ trứng lên thi thể Lynne sau khi mặt trời mọc vào sáng hôm đó. Riêng với dòi của ruồi xám, căn cứ vào hình thái của chúng, bác sĩ Sherah nhận định tất cả đã ở phần cuối của giai đoạn 1 trong 3 giai đoạn phát triển của dòi, từ đó suy ra chúng xuất hiện trên thi thể nạn nhân trong khoảng từ 7 - 11 giờ sáng 10-6-1959.

Về phần mình, bác sĩ Richard cho rằng dòi của ruồi xám đã xuất hiện trên xác của Lynne từ giữa trưa ngày 10 đến 3 giờ chiều 11-6-1959. Tuy công nhận ruồi xám đã đẻ trứng lên xác chết vào giữa trưa 10-6-1959 nhưng bác sĩ Neal lại đưa ra một lý thuyết gây tranh cãi: Ruồi xám sẽ có mặt ngay khi xác chết vừa xuất hiện nhưng chúng chưa vội đẻ trứng ngay mà ít nhất 12 - 24 tiếng sau chúng mới quay lại. Áp dụng lý thuyết này của bác sĩ Neal thì nhận định cô bé Lynne bị sát hại của bác sĩ John Penistan là hợp lý.

Trong phán quyết năm 2007, tòa phúc thẩm đã nêu rõ các lý do không chấp nhận ý kiến của bác sĩ Neal Haskell và đặc biệt là lý thuyết "thăm dò” của ruồi xám đồng thời chấp nhận ý kiến của các bác sĩ Sherah, Richard. Rốt cuộc sau 48 năm, Steven Truscott đã được minh oan. Năm 2008, tòa án tuyên bố không đủ chứng cứ để kết tội Steven Truscott và phải bồi thường cho ông 6,5 triệu USD.

Kỳ 3: Bác sĩ và nhà thực vật học tham gia phá án
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang