(CAO) Theo một nghiên cứu mới kết hợp cả tác động của biến đổi khí hậu với những biến động tự nhiên của đại dương thì một phần của các thành phố lớn nhất châu Á có thể chìm dưới nước vào năm 2100 do mực nước biển dâng cao.
Mực nước biển đã tăng lên do nhiệt độ đại dương tăng lên và mức độ băng tan chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra.
Nhưng một báo cáo được công bố trên tạp chí Nature Climate Change đưa ra cái nhìn sâu sắc mới và những cảnh báo rõ ràng hơn về tác động có thể xảy ra đối với hàng trăm triệu người.
Trong khi nhiều siêu đô thị ven biển châu Á đã có nguy cơ bị ngập lụt, nghiên cứu cho thấy phân tích trước đây đã đánh giá thấp mức độ dâng của mực nước biển và lũ lụt sau đó do biến động tự nhiên của đại dương gây ra.
Do các biến động tự nhiên có mức độ biến thiên cao nên tác động của chúng rất khó định lượng. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng với tác động tối đa có thể từ những biến động tự nhiên kết hợp với những hậu quả dự kiến của biến đổi khí hậu, một số siêu đô thị ở Đông Nam Á sẽ trở thành điểm nóng mới của tình trạng nước biển dâng cao.
Ví dụ, tại thủ đô Manila của Philippines, nghiên cứu dự đoán rằng các sự kiện lũ lụt ở những khu vực ven biển của thành phố này trong thế kỷ tới sẽ xảy ra thường xuyên hơn 18 lần so với trước đây do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc tính đến những dao động xảy ra tự nhiên ở mực nước biển làm tăng tần suất lũ lụt ven biển thường xuyên hơn tới 96 lần so với trước đây.
Hàng triệu người nên 'chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất' - Lourdes Tibig, cố vấn khoa học khí hậu của Viện khí hậu và các thành phố bền vững ở Philippines, cho biết những phát hiện của nghiên cứu nhấn mạnh tính cấp bách của việc giải quyết biến đổi khí hậu.
Tibig nói: “Thế giới cần hành động đối với biến đổi khí hậu với sự cấp bách và tham vọng hơn nhiều để bảo vệ hàng triệu người sống ở các siêu đô thị ven biển của chúng ta".
Yangon của Myanmar là một trong những thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Đại học La Rochelle ở Pháp và Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NCAR), cho thấy thủ đô Bangkok của Thái Lan, TPHCM của Việt Nam, Yangon của Myanmar có nguy cơ đặc biệt cao, cùng với Chennai và Kolkata ở Ấn Độ, một số hòn đảo nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương và phía tây Ấn Độ Dương.
Nghiên cứu cho thấy mực nước biển dâng dọc theo bờ biển phía tây của Mỹ và Úc cũng sẽ tăng lên.
Chỉ riêng trên khắp các siêu đô thị châu Á, hơn 50 triệu người có thể bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao hơn dự kiến – gần 30 triệu người trong số họ ở Ấn Độ.
Nhà khoa học Aixue Hu của NCAR, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng nói chung nên quan tâm đến những mối đe dọa tiềm tàng này.
“Từ góc độ chính sách, chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất” - Hu nói. Theo một thông cáo báo chí của NCAR, nghiên cứu cho thấy các sự kiện xảy ra tự nhiên như El Niño, một hiện tượng thời tiết được biết là khiến phần lớn Tây Thái Bình Dương, Úc và Châu Á ấm hơn bình thường, có thể làm tăng mực nước biển dự đoán do biến đổi khí hậu lên 20-30%, điều này cũng làm tăng nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái.
Một phân tích của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu đã mô tả năm 2022 là “một năm khí hậu cực đoan”, bao gồm lũ lụt chết người ở Pakistan và lũ lụt trên diện rộng ở Úc; đồng thời, nhiệt độ đại dương đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Một báo cáo tháng 1 từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia lưu ý rằng nhiệt độ đại dương đã ở mức cao kỷ lục vào năm ngoái, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2021.
“Bốn năm qua là bốn năm nóng nhất được ghi nhận đối với các đại dương trên hành tinh. Và thật không may, chúng tôi dự đoán rằng năm 2023 sẽ thực sự ấm hơn năm 2022” - Gavin Schmidt, một nhà khoa học khí hậu tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết vào tháng 1.