Những vụ đầu độc gây rúng động dư luận:

Kỳ cuối: Tử thần mang tên "thần dược giảm đau"

Thứ Sáu, 03/03/2023 19:36

|

(CATP) Vụ đầu độc khiến 7 người thiệt mạng từng gây chấn động nước Mỹ, được xem là bê bối liên quan đến một "ông lớn" ngành dược phẩm vào thời điểm ấy, từ đó dẫn đến 1 dự luật mang tên "Tylenol" đồng thời thúc đẩy nhiều cải cách trong ngành công nghiệp phục vụ sức khỏe này.

Từ những cái chết bí ẩn...

Tháng 9-1982 tại Chicago, Mỹ liên tiếp xảy ra những vụ đột tử bí ẩn, nhiều người ra đi cùng một ngày mà chẳng rõ nguyên nhân. Từ những triệu chứng ban đầu, cảnh sát nhận định có thể các nạn nhân gặp vấn đề về sức khỏe, khả năng do nhiễm một loại dịch mới bùng phát trong cộng đồng địa phương. Thế nhưng, kết quả điều tra hiện trường đã phát hiện một trong những kẽ hở của "ông lớn" ngành dược phẩm lúc bấy giờ.

Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Tylenol của Tập đoàn Johnson & Johnson là một trong những loại thuốc giảm đau bán chạy nhất ở Mỹ, nhất là bệnh nhân có thể mua mà chẳng cần được bác sĩ kê toa. Cho đến khi các nhà điều tra phát hiện viên nang Tylenol chứa chất cực độc Kali Cyanide (KCN) khiến 4 người tử vong chỉ trong 1 ngày với những triệu chứng bất thường tương tự nhau, hôm 05-10-1982 nhà sản xuất của Extra Strength Tylenol, McNeil Consumer Products - công ty con của Tập đoàn Johnson&Johnson đã khởi động chiến dịch thu hồi toàn bộ hơn 31 triệu lọ Tylenol với tổng trị giá gần 125 triệu USD trên thị trường; nhưng tiếp đó, thêm 3 nạn nhân nữa lại được phát hiện tử vong với cùng triệu chứng. Sau khi truyền thông đưa tin, giữa lúc những người đã điều trị bằng Tylenol chen nhau kiểm tra sức khỏe xem có bị nhiễm độc hay không thì người dân Chicago và nhiều nơi ở nước Mỹ đều kiểm tra những lọ Tylenol trong tủ thuốc do nỗi ám ảnh "bị đầu độc".

Về phần mình, Johnson & Johnson cũng quyết tâm phối hợp tìm ra chân tướng sự thật và kết luận những viên Tylenol sản xuất tại nhà máy vẫn an toàn, vậy khả năng chất độc KCN đã lọt vào những lọ thuốc Tylenol từ các kệ hàng trưng bày nơi chúng được bán ra.

Chất bột màu trắng trong viên nang Extra-Strength Tylenol giả với dạng hạt lớn hơn viên thuốc bình thường bên trái Ảnh: Chicago Tribune

Nạn nhân đầu tiên là bé Mary Kellerman (12 tuổi) sống ở làng Elk Grove, bang Illinois (Mỹ) đột tử bất ngờ sau khi thức dậy vào sáng 29-9-1982 với những triệu chứng cảm cúm thông thường và được người nhà cho uống viên Extra-Strength Tylenol để giảm sốt, mà chẳng ngờ chất KCN bị tẩm vào đó đã cướp đi sinh mạng cô bé, khi bác sĩ thông báo đây không phải cái chết tự nhiên. Cùng ngày, ở vùng ngoại ô Arlington Heights của Chicago, Adam Janus - nhân viên bưu điện 27 tuổi cũng đột ngột qua đời sau khi uống Tylenol do bị cảm nhẹ. Sự việc càng chấn động hơn, khi chỉ 2 ngày sau đến lượt vợ chồng em trai của Adam đột ngột ra đi như anh mình, sau khi mỗi người đều uống 1 viên Extra Strength Tylenol để giảm chứng đau đầu bộc phát.

Sau sự việc hy hữu ấy, các mẫu máu của nạn nhân được gửi đi xét nghiệm và theo Trung tâm nhiễm độc Rocky Mountain, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột tử của các nạn nhân là do chất cực độc KCN được tẩm vào viên nhộng Tylenol dẫn đến tổn thương phổi, suy hô hấp và tử vong.

... Đến "đạo luật tylenol"

Từ biên lai của lọ Tylenol phát hiện ở nhà Adam được mua tại hiệu thuốc vào buổi sáng định mệnh đó, đội đặc nhiệm gồm 15 cơ quan, 26 đặc vụ FBI đã được thành lập để truy tìm thủ phạm. Qua đó làm rõ các viên nang chứa chất độc được sản xuất tại 2 bang Pennsylvania và Texas, bị làm giả sau khi sản phẩm đã được bày lên kệ, khiến khách hàng mua phải loại thuốc chứa độc vẫn không hay biết gì.

Mọi việc vẫn đang trong vòng điều tra, bất ngờ phía Johnson & Johnson nhận được lá thư tống tiền viết tay, yêu cầu tập đoàn trả 1 triệu đôla để kết thúc những hành vi tội ác liên quan đến "thần dược giảm đau". Thông tin trên được chuyển cho phía cảnh sát và cơ quan điều tra đã tìm ra tác giả bức thư là James Lewis, đối tượng thất nghiệp. Sau khi bị bắt, James khai gửi thư nặc danh chỉ vì muốn trả thù chủ cũ của vợ. Thêm vài đối tượng được đưa vào vòng nghi vấn, trong đó có Roger Arnold (48 tuổi), công nhân bến tàu, nhưng cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào có thể buộc tội họ, trong khi hàng trăm cuộc tấn công tương tự liên quan đến Tylenol cùng những loại thuốc không kê đơn trên khắp nước Mỹ tiếp tục diễn ra nhiều năm sau đó.

Rút kinh nghiệm sâu sắc từ việc buôn bán các loại thuốc không kê đơn, năm 1983 Quốc hội Mỹ đã thông qua "Dự luật Tylenol", quy hành vi làm giả sản phẩm tiêu dùng, trong đó có dược phẩm, là phạm tội liên bang. 6 năm sau, Cơ quan quản lý thực và dược phẩm Mỹ (FDA) ban hành hướng dẫn để các nhà sản xuất có thể đảm bảo sản phẩm của mình không bị làm giả; nhất là các loại thuốc không kê đơn bắt buộc phải có toa bác sĩ mới mua được đồng thời thuốc bày bán tại các tiệm tân dược cũng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Vụ đầu độc kinh hoàng đã góp phần giúp ngành dược phẩm, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng phát triển bao bì chống giả mạo, như màng seal, tem chống hàng giả, đồng thời cải thiện biện pháp kiểm soát chất lượng. FDA đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn để tránh giả mạo sản phẩm. Mặc dù vậy, sau hàng chục năm hung thủ vẫn ngoài vòng pháp luật đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh để chính phủ ban hành những đạo luật nghiêm khắc hơn để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng các loại thực - dược phẩm.

Kỳ 4: Án mạng từ quả bóng tập yoga
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang