(CAO) Số ca sinh được đăng ký tại Nhật Bản đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục bất chấp nỗ lực của chính quyền nước này nhằm đảo ngược tình trạng dân số già.
Theo đó, cả nước có 799.728 ca sinh vào năm 2022, con số thấp nhất được ghi nhận và là lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000, theo số liệu thống kê do Bộ Y tế công bố hôm 28-2.
Con số này đã giảm gần một nửa trong 40 năm qua.
Nhật Bản cũng báo cáo số người chết sau chiến tranh cao kỷ lục vào năm ngoái, hơn 1,58 triệu người.
Số người tử vong đã vượt xa số sinh ra ở Nhật Bản trong hơn một thập kỷ. Giờ đây, họ phải đối mặt với tình trạng dân số già ngày càng trầm trọng cùng với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.
Dân số Nhật Bản đã liên tục giảm kể từ thời kỳ bùng nổ kinh tế vào những năm 1980 và đạt mức 125,5 triệu người vào năm 2021, theo số liệu gần đây nhất của chính phủ.
Tỷ lệ sinh 1,3 của Nhật thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định, trong trường hợp không có người nhập cư. Đất nước này cũng là một trong những nơi có tuổi thọ trung bình cao nhất trên thế giới; vào năm 2020, gần 1/1.500 người ở Nhật Bản từ 100 tuổi trở lên, theo dữ liệu của chính phủ.
Những xu hướng đáng lo ngại này đã khiến Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo vào tháng 1 rằng Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Dân số Nhật Bản ngày càng giảm mạnh
Ông nhấn mạnh: “Khi nghĩ đến tính bền vững và tính toàn diện của nền kinh tế và xã hội quốc gia, chúng tôi đặt hỗ trợ nuôi dạy trẻ em là chính sách quan trọng nhất của mình” và cho biết thêm rằng Nhật Bản “đơn giản là không thể chờ đợi lâu hơn nữa” trong việc giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp.
Một cơ quan chính phủ mới sẽ được thành lập vào tháng 4 để tập trung vào vấn đề này khi Kishida đã nói vào tháng 1 rằng ông muốn chính phủ tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em. Nhưng chỉ riêng tiền có thể không giải quyết được vấn đề đa chiều, với các yếu tố xã hội khác nhau góp phần vào tỷ lệ sinh thấp.
Chi phí sinh hoạt cao, không gian hạn chế và thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em ở các thành phố của Nhật Bản khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn, đồng nghĩa với việc ít cặp vợ chồng sinh con hơn.
Các cặp vợ chồng thành thị cũng thường ở xa đại gia đình ở các vùng khác, những người có thể hỗ trợ họ.
Theo nghiên cứu từ tổ chức tài chính Jefferies, vào năm 2022, Nhật Bản được xếp hạng là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ. Chưa hết, nền kinh tế của đất nước đã bị đình trệ kể từ đầu những năm 1990, đồng nghĩa với việc mức lương thấp một cách đáng thất vọng và rất ít khả năng thăng tiến.
Thu nhập hộ gia đình thực tế trung bình hàng năm giảm từ 6,59 triệu yên (50.600 đô la) năm 1995 xuống còn 5,64 triệu yên (43.300 đô la) vào năm 2020, theo dữ liệu năm 2021 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Thái độ đối với hôn nhân và lập gia đình cũng đã thay đổi trong những năm gần đây, với nhiều cặp đôi trì hoãn có con và những người trẻ tuổi ngày càng cảm thấy bi quan về tương lai.
Đó là một câu chuyện quen thuộc ở khắp Đông Á, nơi tỷ lệ sinh của Hàn Quốc - vốn đã thấp nhất thế giới - lại giảm xuống vào năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc chính thức mất danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ sau khi dân số nước này giảm lần đầu tiên vào năm 2022 kể từ những năm 1960.