CSGT TP.HCM chưa áp dụng 'thông báo xe vi phạm đến trạm đăng kiểm'

Thứ Năm, 12/10/2017 16:05  | Hoàng Sơn

|

(CAO) 'Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu một số cách để áp dụng trong việc xử phạt như thông báo trạm đăng kiểm, trạm thu phí, điểm sát hạch, điểm đăng ký xe. Hiện TP.HCM chưa thực hiện đề án nói trên. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp tốt nhất để có thể tìm được người vi phạm qua hình ảnh và mục đích là nâng cao việc chấp hành pháp luật của người dân khi lưu thông trên thành phố'.

Liên quan đến vấn để xử lý vi phạm hành chính thông qua hình ảnh hay còn gọi là 'phạt nguội', hôm nay (12-10), phóng viên báo Công an TP.HCM đã trao đổi với Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS (Công an TP.HCM).

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS (Công an TP.HCM)

Theo Trung tá Phong, tại TP.HCM, Phòng CSGT ĐB-ĐS TP.HCM đã thành lập trung tâm điều khiển tín hiệu và camera giao thông từ năm 2002, trong thời gian tới sẽ triển khai đề án lắp thêm hàng chục hệ thống camera tại các giao lộ trọng điểm, phức tạp của thành phố.

Hệ thống camera sẽ có 3 chức năng gồm:

+ Giám sát tình hình giao thông thực tế và truyền thẳng về đội CSGT thuộc Phòng quản lý để từng đơn vị có thể kiểm soát tình hình giao thông và chủ động bố trí lực lượng điều tiết giao thông.

+ Tích hợp hệ thiết bị xử phạt vi phạm vào camera, đồng nghĩa camera sẽ trích xuất hình ảnh vi phạm làm cơ sở xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh.

+ Hệ thống camera giám sát sẽ xác lập hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện.

'Chúng tôi tin tưởng đề án hệ thống camera này sẽ phục vụ đắc lực cho lực lượng CSGT, tạo ý thức chấp hành của người dân tốt hơn. Đồng thời mang tính khoa học, tránh sự đối đầu trực tiếp giữa CSGT và người dân', Trung tá Phong nhận định.

Chiến sĩ CSGT ghi hình các trường hợp vi phạm làm cơ sở xử phạt nguội

Về trường hợp người vi phạm 'tá hoả' khi thấy lỗi vi phạm hàng trăm triệu cùng với việc 'không được đăng kiểm nếu chưa đóng phạt', Trung tá Phong thông tin:

'Tuỳ theo thực tế mà chúng tôi có từng giải pháp cụ thể để thông báo đến người vi phạm để xử phạt. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu một số cách để áp dụng trong việc xử phạt như thông báo trạm đăng kiểm, trạm thu phí, điểm sát hạch, điểm đăng ký xe. Hiện TP.HCM chưa thực hiện đề án nói trên. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp tốt nhất để có thể tìm được người vi phạm qua hình ảnh và mục đích là nâng cao việc chấp hành pháp luật của người dân khi lưu thông trên thành phố'.

'Đề án mà chúng tôi thực hiện phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, quan điểm của Ban Giám đốc CATP và Ban chỉ huy phòng là không làm khó người dân. Chúng tôi mong muốn người dân hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ hơn nữa và cơ chế được xây dựng phải đảm bảo đúng quy định pháp luật phải phát huy hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân', Trung tá Phong nhấn mạnh.

Đánh giá về thủ tục xử phạt qua hình ảnh, Trung ta Phong cho rằng trong các công đoạn xử lý khó khăn như ghi hình, trích xuất lỗi vi phạm, kiểm tra nội dung thông tin clip đều do Phòng CSGT thực hiện. Người dân đến làm việc chỉ mất khoảng vài phút cho việc xem lại hình ảnh ghi nhận vi phạm (thời gian, địa điểm, thông tin phương tiện) và phối hợp với CSGT tìm ra người điều khiển phương tiện.

'Chúng tôi xử phạt người điều khiển phương tiện chứ không phải xử phạt chủ xe. Để công tác phạt nguội được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, chúng tôi rất cầu thị từ phía người dân. Đối với người mua xe cũ thì trách nhiệm là phối hợp xác định chủ xe và yêu cầu chủ xe xác định người điều khiển phương tiện vi phạm', Trung tá Phong nói.

Cũng theo Trung tá Phong, trường hợp người dân muốn biết về phương tiện của mình có từng bị vi phạm hay không thì có thể tra cứu trên dữ liệu và nếu thấy phương tiện của mình vi phạm và có nhận được thông báo thì thông báo đến người điều khiển phương tiện, còn nếu chưa nhận được thông báo thì liên hệ với chúng tôi thì sẽ được cung cấp thông tin phương tiện vi phạm.

'Để đảm bảo thông tin hai chiều của cơ quan chức năng và với người dân, chúng tôi xây dựng cơ chế thông tin chặt chẽ và hiện nay chúng tôi rất cầu thị từ phía người dân. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nhanh những thông tin mà chúng tôi tiếp nhận, do đó người dân chỉ cần cung cấp thông tin qua đường dây nóng 0994.67 67 67. Mọi cuộc gọi hoặc nhắn tin vào số này, chúng tôi sẽ liên lạc lại và xác minh thông tin', Trung tá Phong cho biết thêm.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS (Công an TP.HCM)

Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS TP.HCM - Trung tá Huỳnh Trung Phong, đánh giá về tình hình giao thông trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp, mật độ phương tiện gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng và thời tiết đã gây nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, lực lượng CSGT cũng phối hợp với các lực lượng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Tính đến thời điểm hiện nay tình hình giao thông trên địa bàn thành phố đáng mừng khi số vụ tai nạn giao thông được kéo giảm 10% trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, tai nạn giao thông ít nghiêm trọng xảy ra khoảng 633 vụ (580 người chết, bị thương 165 người) so với cùng kỳ năm 2016 thì kéo giảm được 89 vụ, giảm 78 người chết và kéo giảm 33 người bị thương.

'Từ nay đến cuối năm, trên địa bàn thành phố sẽ có nhiều hoạt động chính trị diễn ra, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhiều công trình được thực hiện, thời tiết chuyển biến xấu. Để đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi phân cụm công việc có lộ trình theo tháng, tuần và đánh giá cụ thể; đồng thời tăng cường xử lý chuyên đề theo từng tháng', Trung tá Phong nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang