(CAO) Sau cuộc nhậu, anh L. lái xe máy chở bạn về không đội mũ bảo hiểm bị CSGT yêu cầu kiểm tra, người này 'cù nhây' gọi điện cho nhiều người để cầu cứu, rồi để lại xe không chịu ký vào biên bản.
Sáng 16/7, Đội CSGT – TT Công an TP.Thủ Đức, TPHCM cho biết, đã lập biên bản vi phạm hành chính với nhiều “ma men” điều khiển xe máy trên địa bàn.
Tại đường Song Hành đoạn dưới chân cầu Sài Gòn, phường Thảo Điền, khuya 15/7, tổ công tác đã lập chốt kiểm tra độ nồng cồn người đi xe máy di chuyển trên đường.
Theo ghi nhận, hàng loạt người đi xe máy được mời vào kiểm tra độ cồn và nhiều người có độ cồn “khủng”.
Anh Nguyễn T.H., quê Quảng Ngãi có biểu hiện say xỉn được CSGT mời làm việc. Qua kiểm tra độ cồn, anh H. cho kết quả 0. 099mg/ lít khí thở.
CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện anh H.
Chốt kiểm tra nồng độ cồn.
Sau đó, anh L.Q.T. cũng được CSGT mời vào làm việc. Qua kiểm tra, anh T. cho kết quả 0.648mg/ lít khí thở. Với lỗi vi phạm trên, anh T. sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ bằng lái xe 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
“Tôi làm công trình xây dựng gần đó, nay chủ thầu mời uống 2 ly rượu nên tôi phải uống. Tôi xin các anh tha cho tôi, tôi còn về Hóc Môn, chăm lo cho nhiều đứa con nhỏ, chỉ có xe máy để đi kiếm tiền nuôi gia đình, tôi mong CSGT tha cho”, anh T. nài nỉ.
CSGT cho rằng, việc anh T. lái xe khi đã sử dụng rượu bia là trái pháp luật, riêng việc hoàn cảnh anh T. khó khăn, CSGT yêu cầu anh T. đến cơ quan chức năng để viết đơn, trình bày hoàn cảnh để được tổ xử lý giải quyết.
Tương tự, anh Nguyễn Thành L. (SN 1981, ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) lái xe máy chở theo bạn không đội mũ bảo hiểm nên bị CSGT ra hiệu dừng xe kiểm tra độ cồn.
Anh L. bị CSGT đo độ cồn.
CSGT yêu cầu lần thứ 3, anh L. mới hợp tác.
Anh L. đọc biên bản nhưng không ký, để lại xe máy rồi rời đi.
Mặc dù CSGT nhiều lần nhắc anh L. hợp tác để đo độ cồn nhưng người này không chấp hành. Nhiều lần thuyết phục, anh L. mới hợp tác và đo độ cồn.
Anh L. cho kết quả 0.298mg/ lít khí thở. Tuy nhiên, người này 'cù nhây', yêu cầu CSGT cho gọi điện để 'cầu cứu' người tác động giúp.
Sau nhiều phút gọi điện trợ giúp không thành, CSGT mời anh L. vào để làm việc nhưng “ma men” vẫn không chấp hành. CSGT mời lần thứ 3, anh L. mới vào làm việc, sau đó bỏ lại xe máy và không chịu ký vào biên bản.
Anh L. và bạn sau đó thuê taxi để về nhà. CSGT đã liên hệ Công an phường Thảo Điền có mặt để làm chứng và tiến hành niêm phong phương tiện, đưa về trụ sở để giải quyết.
Ngoài ra, trong đêm 15/7, hàng loạt “ma men” khác cũng bị Đội CSGT – TT Công an thành phố Thủ Đức xử lý nghiêm.
Mặc dù, thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên vận động, tuyên truyền “không lái xe sau khi đã uống rượu bia” nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm, lái xe máy về nhà sau “cuộc vui”.