(CATP) Tại TPHCM, kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm liên quan tới nồng độ cồn, tài xế sử dụng chất cấm trong quá trình tham gia giao thông được triển khai quyết liệt những ngày vừa qua đã góp phần phòng ngừa, kéo giảm hiệu quả các vụ tai nạn giao thông thương tâm do bia, rượu gây ra. Qua các buổi tổng kiểm tra, tuy số trường hợp vi phạm vẫn còn nhiều, song ý thức chấp hành của người dân đã được cải thiện.
Vi phạm nồng độ cồn dù ngày hay đêm rất nguy hiểm
Thời gian trước, việc thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông thường được các tổ chuyên đề thực hiện khi đêm xuống nên tạo tâm lý chủ quan, thậm chí phớt lờ các quy định của pháp luật của một bộ phận người dân, khi họ vô tư điều khiển xe môtô, thậm chí là ôtô rời khỏi các nhà hàng, quán nhậu ngay giữa ban ngày sau khi đã uống rượu bia. Họ đều có chung một suy nghĩ, kiểm tra nồng độ cồn chỉ diễn ra vào ban đêm. Cũng từ đây, hàng loạt các vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân chính đều do hơi men. Trong 2 tuần TPHCM thực hiện tổng kiểm soát, các tổ chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) triển khai trong nhiều khung giờ (kể cả ban ngày), đã có hàng loạt trường hợp ra đường nhưng trong người có hơi men (dù mới sáng sớm hay giữa trưa) bị phát hiện và xử lý nghiêm.
Trong ngày 02/12, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM theo chân các cán bộ CSGT của Đội CSGT - Trật tự CAQ.Gò Vấp và Đội CSGT Hàng Xanh, Phòng CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn ở khu vực dưới chân cầu vượt Ngã 6 Gò Vấp. Các cán bộ CSGT sẽ ngẫu nhiên yêu cầu người điều khiển phương tiện lưu thông qua khu vực chốt thực hiện kiểm tra cồn để xác định các trường hợp vi phạm. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu tài xế đưa xe vào khu vực xử lý, sau đó lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện.
Dù mới hơn 11 giờ, song lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều "quý ông" ra đường với nồng độ cồn cao ngất ngưỡng. Kiểm tra ngẫu nhiên người đàn ông gần 70 tuổi, thiết bị đo nồng độ cồn cho thấy ông này có nồng độ cồn ở mức 0,530mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm khá cao. Nhận lỗi với CSGT, người vi phạm cho biết, vừa uống vài lon bia tại một tiệc cưới gần đó. Ông nghĩ buổi trưa sẽ không có CSGT nên đánh liều chạy xe về nhà. Ghi nhận trong buổi làm việc trưa 02/12, nhiều trường hợp khi bị CSGT lập biên bản đã thể hiện tinh thần cầu thị, ý thức được lỗi vi phạm của bản thân, nhưng cũng có trường hợp tìm đủ lý do để đổ lỗi. Thậm chí, có trường hợp khẳng định có nồng độ cồn là vì... tàn dư từ buổi tiệc của ngày hôm qua!?
Thực hiện kiểm tra nhanh chất ma túy đối với các tài xế tại cảng Cát Lái vào cuối tháng 11/2023
Trước đó, vào trưa 30/11, tại giao lộ Lý Chính Thắng - Trương Định (Q3), tổ chuyên đề của Đội CSGT Bàn Cờ và Đội CSGT - Trật tự, CAQ3 phát hiện một người đàn ông 59 tuổi, ngụ Q7 vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,034mg/lít khí thở. Người này trần tình, bản thân vừa uống một ít bia cùng đồng nghiệp tại một quán ăn cách đó không xa. Vì nghĩ đang giữa trưa, lượng bia uống không nhiều nên ông quyết định tự lái xe trở về công ty để tiếp tục làm việc.
Việc vi phạm nồng độ cồn dù là ban đêm hay ban ngày đều nguy hiểm như nhau. Thay vì bất chấp những rủi ro có thể xảy ra vì lái xe sau khi đã uống rượu, bia, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn việc về nhà bằng các phương tiện giao thông công cộng, xe taxi hay xe công nghệ.
Trong 9 ngày thực hiện tổng kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn tại TPHCM (từ 24/11 đến 02/12), CSGT toàn TP đã thực hiện kiểm tra hơn 51.000 trường hợp (18.041 ôtô; 33.317 môtô), qua đó, lập biên bản xử phạt 1.484 trường hợp ( 51 ôtô; 1.435 môtô). Trong đó, các tổ chuyên đề đã phát hiện 2 trường hợp tài xế ôtô dương tính với ma túy, 6 trường hợp người điều khiển xe 2 bánh dương tính với ma túy và 1 trường hợp điều khiển xe môtô vừa dương tính ma túy vừa vi phạm về nồng độ cồn.
Tổ công tác của Đội CSGT - Trật tự, CAQ.Gò Vấp và Đội CSGT Hàng Xanh triển khai chuyên đề trưa ngày 02/12
Giám sát chặt tài xế... nghiện chất cấm
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 11 tháng của năm 2023 và triển khai một số nội dung công tác trọng tâm thực hiện từ nay đến hết năm 2023, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP đề nghị, trong hồ sơ nghiệp vụ cơ bản gồm tuyến, địa bàn cần bổ sung thêm đối tượng tham gia giao thông, đặc biệt là các hồ sơ đã xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn, có sử dụng ma túy. Đây là việc cần làm, nhất là trong bối cảnh người dùng chất gây nghiện khi lái xe còn phổ biến. Chỉ trong 1 tuần đầu tổ chức tổng kiểm soát trên Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn TPHCM), Phòng CSGT CATP đã phát hiện 17 tài xế dương tính với chất ma túy.
"Tất cả những đối tượng nghiện ma túy ở địa phương đã có danh sách, do đó cần phối hợp với ngành Lao đông - Thương binh và Xã hội, Công an phường, xã, thị trấn để đối chiếu với Cục CSGT, Cục Quản lý đường bộ thuộc Bộ GTVT, từ đó lọc ra những người từng nghiện ma túy đã được cấp giấy phép lái xe các loại để quản lý” - Thiếu tướng Trần Đức Tài trao đổi tại hội nghị.
Sau hội nghị, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT CATP cho biết, hiện đơn vị này đã cùng các phòng nghiệp vụ khác của CATP lập danh sách các tài xế hành nghề vận tải đã có vi phạm về ma túy trong thời gian trước và trong giai đoạn này. Sau khi có danh sách về nhóm đối tượng đặc biệt này, Phòng CSGT sẽ thông báo về địa phương, nơi tài xế đã từng vi phạm cư trú hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nhằm giám sát để có biện pháp theo dõi, tuyên truyền và kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ gốc, tránh để các vi phạm tiếp theo.