ĐBSCL: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải

Thứ Bảy, 17/07/2021 10:06

|

(CATP) Ngày 15-7, Báo Công an TPHCM có bài "Miền Tây quy định xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2: Mỗi nơi mỗi kiểu, doanh nghiệp than trời" được dư luận quan tâm. Ngay sau đó, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải nhằm vận chuyển các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách.

Như chúng tôi đã thông tin, TP.Cần Thơ thực hiện quy định đối với xe dịch vụ, chở hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh, thành phố muốn được vào nội ô TP.Cần Thơ phải đảm bảo đó là xe vận tải hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Các chốt kiểm soát yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của Sở Giao thông và Vận tải (GTVT) TP.Cần Thơ, tài xế có xét nghiệm âm tính nhưng vẫn phải ngồi chờ tài xế khác từ trung tâm Cần Thơ ra đổi tài, hoặc đưa xe khác ra bốc dỡ hàng vào. Nhiều doanh nghiệp phản ứng quy định trên. Báo CATP phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ký công văn gửi các sở, ngành, UBND quận huyện về việc tổ chức lại hoạt động vận tải hàng hóa thiết yếu đường bộ, đường thủy theo chỉ thị 15 và 16.

UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo Sở GTVT tổ chức thông tin, hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực hiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường bộ, đường thủy. Theo đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường bộ từ vùng dịch sẽ được lưu thông qua các điểm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP nếu: Lái xe và người đi cùng có phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) tại bệnh viện gần nhất hoặc các điểm test nhanh tại các chốt kiểm soát và phải trả phí không quá 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm thì được vận chuyển xe vào thành phố. Quy định trên được triển khai làm doanh nghiệp phấn khởi.

Bộ Giao thông và Vận tải có nhiều đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa

Kết luận cuộc giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT với các địa phương phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phải lập tổ công tác giữa các sở GTVT, Công thương, NN&PTNT để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận tiện hơn nữa. Bộ trưởng chỉ đạo, việc lập tổ công tác liên ngành sẽ thuận lợi trong trao đổi, thống nhất về chỉ đạo, điều hành cũng như công bố đầu mối chính thức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận lưu hành cho xe chở hàng đi, đến địa phương, hướng dẫn xe đến các điểm trả hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nông sản trong bối cảnh đã đóng cửa các chợ đầu mối.

Ngoài ra, khi công bố "luồng xanh" để lưu thông hàng hóa đi đến địa phương của mình, các địa phương phải tính toán đấu nối với "luồng xanh" liên tỉnh, liên vùng, "luồng xanh" quốc gia và thông báo cho Tổng cục Đường bộ để quản lý, điều tiết. Với các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu, nông sản dễ hư hỏng, trong giấy thông hành kèm theo mã QR phải có dấu hiệu nhận biết riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, cung ứng nhanh nhất phục vụ nhu cầu của người dân. Điều quan trọng phải công bố mọi thông tin chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn một cách nhanh nhất, đầy đủ và dễ tiếp cận nhất.

Trình phiếu xét nghiệm tại chốt kiểm dịch quận Cái Răng, TP.Cần Thơ

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý "địa phương phải xem tài xế là đối tượng đặc biệt để ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, không phải cách ly y tế bắt buộc, nhưng phải xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp vận tải, tài xế có vi phạm quy định chống dịch. Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản quy định rõ thời gian hiệu lực kết quả xét nghiệm Covid-19 để các địa phương áp dụng thống nhất, đồng thời xem xét thống nhất thời hạn hiệu lực xét nghiệm của tài xế vận chuyển hàng hóa từ 5-7 ngày để thuận tiện cho những doanh nghiệp vận tải.

Đề xuất kéo dài thời gian giấy xét nghiệm âm tính, doanh nghiệp vận tải rất phấn khởi. Hiệp hội vận tải tỉnh Cà Mau, nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp thống nhất về giấy xét nghiệm, vận tải hàng hóa sẽ giảm sút nặng nề. Hiện khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp vận tải là thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm âm tính của các địa phương chưa thống nhất với nhau. Việc chấp nhận kết quả test nhanh và xét nghiệm PCR cũng chưa thống nhất là rào cản ngăn việc vận chuyển hàng hóa thông suốt.

"Với một tài xế đường dài có giấy xét nghiệm chỉ 3 ngày là quá ngắn, chẳng may hết hạn giữa đường sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Một chuyến hàng đi vào thời dịch này phát sinh rất nhiều chi phí, độ rủi ro cao. Chưa kể với các thủ tục hiện nay, các tài xế cũng không mấy mặn mà khi leo lên xe để đi. Chỉ doanh nghiệp đã ký đơn hàng mới chạy, doanh nghiệp vận tải đường dài đa số đã ngưng. Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát các thủ tục, cái nào không cần thiết thì nên bỏ. Do đó, đề nghị của Bộ GTVT hết sức thiết thực", một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Cần Thơ nhận xét.

Quy định xét nghiệm tại ĐBSCL: Mỗi nơi mỗi kiểu, doanh nghiệp than trời!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang